Ông A Sanh nổi tiếng từ hồi có bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong phổ thơ Đào Mai Trang từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mà lạ, giữa chiến tranh bom đạn thế, có một bài hát vừa trong trẻo, vừa da diết: Hỡi Pô Cô ơi dòng sông mênh mông/ Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm/ Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết/ Anh lái đò tên gọi A Sanh... Hồi ấy Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình được rất nhiều người mong đợi là “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”, tôi dẫu còn bé nhưng đã rất hăm hở viết thư đề nghị và một trong những bài được đề nghị nhiều là bài này.
Sau này tốt nghiệp đại học, ra trường, xung phong lên Gia Lai, Kon Tum công tác, nhưng phải cả hơn chục năm sau tôi mới biết, té ra, ông A Sanh ấy có thật và đang sống cách mình khoảng 80 km. Cũng như nhiều người lên tới Gia Lai, thấy ông Núp bằng xương, bằng thịt mới ồ à, té ra ông Núp... có thật. Chuyện này xảy ra với cả Anh hùng Bùi Ngọc Đủ, quê Thanh Hóa, nhân vật trong bài hát “Con suối La La” của Huy Thục, sau chiến tranh sống ở một huyện của tỉnh Gia Lai.
Hồi ấy, 80 cây số vừa gần, vừa xa. Gần vì chuyện đi công tác xuống làng đối với chúng tôi khi ấy là quá bình thường, những chuyến đi cả tuần, lang thang làng này sang làng khác, gặp gì đi nấy, từ đi bộ tới xe đạp, xe tải..., còn xa là khi đã biết địa chỉ cụ thể, muốn đi thì phải xác định phương tiện. Như chuyến xuống làng ông A Sanh này, chúng tôi xác định đi xe máy. Tới mấy người đi nên việc chuẩn bị xe máy khá công phu vì ngày đó xe máy giống bây giờ ta có ô-tô. Mà đường thì xấu. Rất xấu. Ổ voi, ổ trâu chằng chịt. Mùa khô bụi đỏ cuồn cuộn. Nó nhuộm tất cả mọi thứ một mầu đỏ bazan, cây cối người ngợm..., có những cột bụi xoáy như vòi rồng.
![]() |
Anh hùng A Sanh (thứ ba, từ phải sang) chụp ảnh với các nhà báo trong lần gặp đầu tiên tại nhà ông. |
Liên hệ với chị Thúy Cải, một cán bộ người Kinh nhưng rành tiếng và phong tục Jrai như người Jrai, khi ấy là Trưởng phòng văn hóa, hình như sau này chị được điều sang làm Trưởng ban dân vận huyện, từ Pleiku chúng tôi xuống thị trấn huyện, chị đón ở đấy và chúng tôi chạy thẳng tới làng A Sanh.
“Ông đang đi chăn bò”, là chị Cải nói tiếng Jrai với người nhà thì biết thế. Một người đi đón ông về, chính xác là chở một người cháu vào chăn bò đổi cho ông rồi chở ông về tiếp khách. Cao, gầy, đen và không nói được tiếng Kinh. Vai trò chị Cải lúc này mới quan trọng.
Ông lôi trên mái nhà xuống một cuộn giấy, trong tất cả mớ giấy tờ ấy, tên ông đều là Puih San, Trung úy Puih San. Nhưng ai cũng khẳng định ông chính là A Sanh, nhân vật trong bài hát nổi tiếng một thời trong chiến tranh kia.
Sổ tay của tôi còn ghi như thế này: “Hồi ấy mình vào Gia Lai được chừng chục năm, một hôm nghe Thanh Phong, đồng nghiệp ở báo Gia Lai kể có ông A Sanh đang sống ở làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Phong đã đi về và viết 1 bài ngắn trên báo Gia Lai. Mình hỏi thăm xong mò xuống. Chu cha là bụi. Con đường đất đỏ chứ chưa nhựa như bây giờ, bụi ngập bánh xe hon-đa. Xuống đến nơi người như một cây bụi. Đến nhà ông thì ông đang đi chăn bò. Nhờ người gọi về thì gặp một ông cao gầy, mặt sắt lại, nói tiếng Kinh không sõi. Nhờ chị Cải, một người đàn bà rất năng nổ, làm dân vận rất giỏi của huyện phiên dịch, chúng tôi nói chuyện lõm bõm được với ông. Thì biết ông từng là lính, chuyên chở đò trên sông Pô Cô, ở bến phà 10, biên giới Việt Nam và Campuchia, con đò độc mộc mỗi chuyến cao nhất chỉ không quá 10 người. Hàng chục năm như thế, một đêm thương binh về nhiều quá, mọi người cứ ào xuống mặc ông khuyên can để ông quay lại đón. Ra đến giữa sông, đò chìm. Toàn bộ thương binh chết hết. Và ông bỏ lên bờ từ đấy, không bao giờ chèo đò nữa. Ngay hôm ấy tôi đã ra lại cái bến đò nơi phà 10 qua ấy, thấy con sông bé tí, hiền hòa lắm”...
Tôi về, viết 1 bài cho tờ báo tôi đang kiêm nhiệm phóng viên thường trú và 1 bài cho cái tạp chí địa phương tôi đang làm Tổng Biên tập. Và câu chuyện lan ra, nhiều báo vào cuộc, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh liên hệ làm phim về ông.
Và sau mới biết, khi làm bài thơ ấy, chị Mai Trang hình như chưa tới vùng này. Và cái con sông biên giới ấy, có tới mấy bến phà (đò) kéo dài từ Kon Tum xuống. Cái phà mà A Sanh đảm nhiệm đã là phà 10 rồi.
Chung quanh cái tên A Sanh, nghe kể lại, ban đầu không biết từ đâu, bộ đội cứ đến các bến đò là đều kêu A Sanh ơi cho qua sông. Anh chị em giao liên chèo thuyền đều có tên riêng, nhưng rồi thành A Sanh hết. Tới khi bài hát ra đời thì cái tên ấy càng nổi.
![]() |
Đua thuyền độc mộc tranh Cúp A Sanh trên sông Pô Cô. |
Cũng nói thêm, người Tây Nguyên bản địa sống bên các dòng sông có kỹ thuật làm thuyền độc mộc rất tài. Từ một cây gỗ to trong rừng (bây giờ thì không thể rồi vì đã hết gỗ), họ chặt về, rồi bằng rìu và rựa, họ chặt, phá bớt “những chỗ thừa” để cuối cùng nó thành cái thuyền. Hoàn toàn không đơn giản, bởi để nó nổi, điều khiển được, không lật, đi đúng ý mình... đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Thế nhưng những người làm thuyền độc mộc này tuyệt đại bộ phận là mù chữ, là chưa bao giờ thấy các loại tàu thuyền khác trên đời, thế mà chỉ bằng cảm giác, họ làm những con thuyền độc mộc kỳ tài (điều này được áp dụng cho cả nhà sàn, nhà rông, tượng mồ, chỉnh chiêng, làm các loại đàn...).
Ông Puih San sau đấy được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, trở thành biểu tượng của người anh hùng, một thủy binh dũng cảm. Ông mất năm 2000.
Mới đây cũng có một nguồn tin là trước đó ông Puih San đã mang bí danh là A Sanh (hoặc A Xanh). Tên trên bia mộ ông ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai được khắc cả hai tên Puih San và A Sanh.
Thế nên Trung úy Puih San, người làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Anh hùng Lực lượng vũ trang, giờ có hẳn Giải đua thuyền độc mộc do huyện tổ chức mang tên A Sanh cũng là điều dễ hiểu, cho dù tới giờ nhạc sĩ Cầm Phong vẫn chưa từng gặp A Sanh và nhà thơ Đào Mai Trang hình như cũng thế.
Phàm đã là anh hùng thì thường là cuộc đời họ nhuốm một chút gì đấy khác người thường, lại còn là nhân vật của tác phẩm nghệ thuật nữa thì cái sự bí hiểm nó càng lung linh lên, đẹp lên.
Anh hùng A Sanh là thế và cả Anh hùng Núp, Anh hùng Bùi Ngọc Đủ (điều khác thường của cả 3 anh hùng này là ngay khi còn sống họ đã trở thành nhân vật của các tác phẩm nghệ thuật bằng chính tên của họ và cũng ngẫu nhiên, họ đều sống ở Gia Lai) cũng thế, dù tôi đã gặp cả 3 bác, họ hiền lành, chân chất và hết sức bình dị. Bình dị tới mức gặp lần đầu tôi rất ngạc nhiên, tự hỏi mãi: Có đúng là họ đấy không?