"Cả đời ba tôi dấn thân, cống hiến cho cách mạng, truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước. Chỗ nào chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, ông luôn có mặt ở tuyến đầu. Chiến tranh khốc liệt, công tác bận rộn, có lần ba chỉ tranh thủ ghé qua thăm nhà ít ngày lại đi luôn. Những ngày đi sơ tán xa cả ba mẹ nên chị em tôi sớm tự lập. Tiếc là ông hy sinh khi đất nước gần đến ngày hòa bình”, ông Nghiêm Triêu Dương bồi hồi nhớ về ba mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở làng Khóng, Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh), học giỏi, thông minh, Nghiêm Kình sớm phát lộ tố chất của một cán bộ chính trị trong quân đội. Tháng 5 năm 1951, ông gia nhập quân đội, được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận Bình - Trị -Thiên (sau đổi thành Ban Tuyên huấn Đại đoàn 325, sau là Sư đoàn 325). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông nắm bắt tình hình, địa bàn tác chiến của các đơn vị cũng như diễn biến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, hăng hái đến các mặt trận, các trung đoàn tác chiến để kịp thời cổ vũ, động viên bộ đội vượt qua gian khổ, hy sinh, thi đua giết giặc lập công. Ở chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), tình yêu nảy nở nơi rừng sâu núi thẳm, cán bộ tuyên huấn Sư đoàn 325 nên duyên vợ chồng với nữ chiến sĩ quân y Hoàng Thị Vịnh.
Sau 9 năm kháng chiến, miền bắc được giải phóng song miền nam vẫn đang còn rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuối năm 1954, ông Nghiêm Kình được điều về làm Phó Chính ủy Trung đoàn 95, đến năm 1957 là Chính ủy Trung đoàn. Chủ trì toàn bộ hoạt động xây dựng đơn vị về chính trị, ông luôn thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của một thủ trưởng gương mẫu, là điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Vốn kiến thức phong phú, cùng tài hùng biện, giọng nói sang sảng, truyền cảm, ông động viên cán bộ, chiến sĩ bền gan chí lớn, khí thế chiến đấu sục sôi. “Sách là người thầy, người bạn”. Đọc nhiều, nghe nhiều, ông dẫn dắt bằng thơ văn, chuyện phim, vận dụng khéo léo vào các buổi lên lớp chính trị, nói chuyện thời sự. Ông chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ của mình lúc tuổi trẻ, về đất nước, nỗi đau khổ của người dân sống trong cảnh nô lệ, cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những người cộng sản bị tù đày, cán bộ, chiến sĩ anh dũng, kiên cường chiến đấu trên chiến trường cam go, ác liệt. Những câu chuyện thực tế mà ông đã trải qua lôi cuốn, truyền cảm hứng, hun đúc ý chí, bản lĩnh chiến đấu mạnh mẽ cho mỗi chiến sĩ. Động viên cháu ruột lên đường nhập ngũ, ông dùng lời lẽ chân thành mà thuyết phục: “Giờ đây không có khát vọng nào lớn hơn khát vọng giải phóng đất nước, chú mong rằng cháu sẽ xếp bút nghiên và có mặt trong cuộc chiến đấu này. Đó không những chỉ là một cuộc chiến đấu mà còn là bản anh hùng ca”.
Tháng 9 năm 1962, khi đang đảm nhiệm Phó phòng Tuyên truyền và văn hóa, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, ông Nghiêm Kình được Bộ Quốc phòng điều về Lữ đoàn 388 chuẩn bị đi B. Làm Trưởng ban Tuyên huấn Khu 5, ông phối hợp với lãnh đạo và cán bộ Khu vừa xây dựng bộ máy, vừa phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống. Khi quân Mỹ đổ bộ vào miền nam tiến hành chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt, Ban Tuyên huấn Khu 5 chỉ đạo đưa cán bộ tỏa xuống các địa phương bám dân để tuyên truyền, vận động quyết tâm đánh thắng giặc. Thực hiện chủ trương của Liên khu ủy, Ban khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và chuyên ngành tuyên huấn cho các tỉnh, huyện trong Liên khu để kịp bổ sung cán bộ chỉ đạo kháng chiến. Các đơn vị duy trì hoạt động tuyên huấn thiết thực phù hợp điều kiện thực tế, phát động bộ đội tạo các hoạt động văn hóa, tinh thần sôi nổi.
Khi được Tổng cục Chính trị điều trở ra bắc, ông Nghiêm Kình được cử làm Chính ủy các đơn vị: Đoàn 32; Trung đoàn 66, 9b Sư đoàn 304; Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320b. Với khẩu hiệu “Toàn sư đoàn là một thao trường”, Sư đoàn 320b không chỉ huấn luyện, đào tạo như thông thường mà còn mang tính chất một trung tâm huấn luyện, đào tạo, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ đưa họ đến chiến trường, đánh thắng giặc. Đa phần chiến sĩ xuất thân từ nông thôn nên trình độ văn hóa thấp, ông chỉ đạo Ban Tuyên huấn sư đoàn lập tổ văn hóa dạy bổ túc kiến thức, bồi dưỡng văn hóa cho chiến sĩ trước khi vào chiến trường.
Trong trận chiến quyết liệt với kẻ thù, ông Nghiêm Kình luôn thể hiện bản lĩnh người chỉ huy, chính ủy, quân địch chỉ nghe tên là khiếp sợ, mệnh danh ông là “Hổ chột Đường 9”. Cán bộ tuyên huấn phải có niềm tin, tuyên truyền phải đi trước động viên mọi người. Những năm tháng địch điên cuồng chống phá nơi chiến trường khốc liệt, ranh giới sinh tử mong manh, ông kiên trì bám trụ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhất, hăng hái ra tận chốt, từng chiến hào để quán triệt nhiệm vụ, cổ vũ, động viên, truyền sức mạnh, niềm tin cho anh em.
![]() |
Bốn người con của Chính ủy Nghiêm Kình luôn tự hào về người cha đã hy sinh quên mình vì đất nước. |
Nhà tuyên giáo giỏi, vị chỉ huy mẫu mực sống giản dị, khiêm nhường mà nhân hậu, vị tha, giàu tình thương, được mọi người quý mến. Nhiều người lính chỉ nghe kể, chưa bao giờ gặp mặt nhưng kính trọng con người huyền thoại. Cán bộ, chiến sĩ dưới quyền vẫn luôn nhớ về thủ trưởng can trường, nhanh nhẹn, hoạt bát, dám nghĩ, dám làm, tuy nghiêm khắc mà sâu sát, hòa đồng, gần gũi, thương lính và không bao giờ quên công ơn ông rèn giũa, dạy bảo. Trung tướng Đỗ Phúc Hưng, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 320b, nguyên Cục trưởng Tác chiến điện tử (Bộ Quốc phòng) nhớ lại: Thấy Thủ trưởng có tuổi, lại hỏng một mắt, tôi vô tư hỏi “Bác ơi, tại sao bác già thế, còn có một mắt mà vẫn đi bộ đội? Chắc bác chiến đấu, chỉ huy giỏi lắm, quân đội mới giữ bác lại”. Ông không tỏ ra khó chịu, cười bảo: “Bác có một mắt, vẫn đi đánh đế quốc Mỹ được. Các cháu có tuổi trẻ khỏe, lại có hai mắt thì chắc sau này đánh Mỹ, chỉ huy giỏi hơn bác”. Câu động viên, khích lệ sâu sắc đó đã đi theo suốt cuộc đời quân ngũ. Làm cần vụ ở Trung đoàn 9 Sư đoàn 304, y tá Phạm Hồng Thinh kính trọng, ngưỡng mộ Chính ủy Nghiêm Kình như người thầy, người cha. “Ông thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo điều hay lẽ phải như con cháu trong nhà. Kỷ niệm sâu sắc nhất là hai lần ông khóc, khi anh Chung, Đại úy, chính trị viên Tiểu đoàn 2 bị bom B-52 và khi chứng kiến nhiều chiến sĩ trúng bom, hy sinh ngày 6/1/1968”, ông Thinh bộc bạch.
Những năm tháng chiến đấu hào hùng của Chính ủy Nghiêm Kình và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9b Vĩnh Thái, Sư đoàn 304 ở chiến dịch Đường 9 Khe Sanh đã được nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu khắc họa nhân vật Chính ủy Kinh trong tiểu thuyết “Dấu chân người lính”. Tiểu thuyết ra đời sau khi nhà văn đi thực tế tại chiến trường, khởi thảo năm 1969 và trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1970, khắc họa những người lính yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng trong những phút giây sinh tử của chiến tranh tàn khốc.
Những lá thư từ mặt trận gửi vợ con thấm đẫm tình yêu thương của người chồng, người cha và tràn đầy niềm tin chiến thắng. Trong một lá thư gửi các con, ông viết: “Ba đang trên đường ra mặt trận. Đó là vinh dự của ba và của các con. Giải phóng đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người công dân. Nếu sau này, lớn lên, các con có được vào Đảng thì nhất thiết chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu... Các con là con của ba mẹ, những người đã từng chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, là con của những đảng viên tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các con phải phấn đấu hơn ba mẹ”.
Lá thư cuối cùng Chính ủy Nghiêm Kình viết trước khi hy sinh 2 ngày, hẹn ngày chiến thắng trở về sẽ mang theo một gói ớt Quảng Trị để kỷ niệm nơi vợ chồng nên duyên. Nhưng lời hứa đó không bao giờ ông thực hiện được. Giữa mùa hè đỏ lửa, những trận chiến ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị, ngày 23/8/1972, khi cùng 6 cán bộ, chiến sĩ trên đường đến đơn vị phía trước Mặt trận cánh đông bên kia sông Thạch Hãn, Chính ủy Nghiêm Kình trúng bom B-52 rải thảm và hy sinh. Sư đoàn đã đưa thi hài ông ra xã Vĩnh Hiền, khu Vĩnh Linh an táng, sau đó gia đình quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà để ông yên giấc ngàn thu.
Hòa chung niềm hân hoan, phấn khởi trong ngày đất nước toàn thắng, vợ con Chính ủy Nghiêm Kình thoáng chút chạnh lòng vì ông đã nằm lại nơi chiến trường. Nhưng họ tự hào bởi suốt cuộc đời ông đã tận hiến, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do cho dân tộc.