Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)

Như đỉnh non cao tự giấu hình

“Như đỉnh non cao tự giấu hình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh...” là hai câu trong bài thơ dài Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu. Trọn cuộc đời “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của Bác Hồ, lòng nhân ái, bao dung, đức tính khiêm tốn, giản dị của Người cũng chính là lẽ sống, là bài học lớn cho các thế hệ người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5 năm nay, chúng ta kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta. Xa vắng lâu ngày nhưng hình bóng, tư tưởng, những lời nói ân cần của Người như vẫn ở bên chúng ta, vô cùng lớn lao, vô cùng gần gũi. Ở Người hội tụ nhiều phẩm chất quý báu, không chỉ các nhà nghiên cứu trong nước mà nhiều học giả nước ngoài đã bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh. Giáo sư Yoo Tae Hyun từng làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, sau đó ông tình nguyện ở lại làm giảng viên tại khoa Đông phương, Đại học Đà Lạt, đã viết bài: “Vì sao tôi kính yêu Người-Hồ Chí Minh”. Ông cho rằng: “Trong một chừng mực nào đó, có thể nói Bác Hồ là người thầy đã đánh thức lại một cách sâu sắc tư tưởng triết học phương Đông”.

Đương nhiên, Hồ Chí Minh sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, kể từ khi người thanh niên yêu nước ấy rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911 ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã “đi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi” để học cái “túi khôn” của nhân loại, tìm đường đi cho dân tộc theo đi. Thế nhưng văn hóa phương Đông vẫn là cái nôi nuôi dưỡng Bác từ tấm bé nơi Làng Sen quê cha, Hoàng Trù quê mẹ, nơi Cố đô Huế thân thương, cho đến sau này là các chân trời mới bên ngoài núi sông bờ cõi đất Việt. Ở Bác, tinh túy triết học phương Đông thấm đẫm trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhưng được gạn lọc, chưng cất và thoát khỏi cái bóng của những “Ông đồ Mácxit”. Chính là từ thực tiễn đất nước, từ mạch nguồn lịch sử, văn hóa Việt Nam chung đúc nên.

Một trong những tư tưởng nổi bật của Bác về đạo đức cách mạng là tư tưởng về “cần, kiệm, liêm, chính”. Bác nói: “Chính nghĩa là không , nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là . Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”.

Bác giải thích rõ hơn về Chính. Trong bài viết trên báo Cứu Quốc ngày 2/6/1949, Người viết: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc chính và việc . Làm việc chính, là người thiện. Làm việc , là người ác”. Theo Người, hoạt động của con người trong xã hội có ba mặt: Với mình, không được tự kiêu tự đại, phải luôn cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó nhọc, nguy hiểm...

Các nhà nho xưa kia cũng có những tư tưởng khác nhau. Mạnh Tử cho rằng Nhân chi sơ tính bản thiện (con người sinh ra tính vốn thiện) - đây là bài học mở đầu trong cuốn Tam Tự Kinh. Thế nhưng, Tuân Tử lại nói Nhân chi sơ tính bản ác. Còn Bác Hồ thì viết giản dị: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Sinh thời Bác thường nhắc các nhà lý luận, các văn nghệ sĩ cần kế thừa các giá trị truyền thống nhưng phải cải tiến, phải làm mới nhưng đừng làm hỏng, “chớ có gieo vừng ra ngô”.

Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đi vào đời sống, đã làm bừng dậy kinh tế, khoa học, văn hóa của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đất nước chuyển mình mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên mới, những tư tưởng lớn của cha ông ta, của Bác Hồ vẫn đang được nghiên cứu, kế thừa và phát triển, ở những góc độ mới, tầm cao và chiều sâu mới. Trong bối cảnh hiện nay khi công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng, xã hội thay đổi từng ngày, phẩm chất chính của người cán bộ, nhất là người lãnh đạo, không những không thay đổi mà còn cần được rèn luyện, bồi đắp và thích nghi với thời đại mới.

Một cán bộ được coi là chính thời này, không chỉ giới hạn ở sự chính danh, chính nghĩa, chính trực, liêm chính, có chính kiến, mà theo chúng tôi, cần nhấn mạnh một số điều sau: Đó là sự chính trực trong hành động và minh bạch trong công việc. Thời kinh tế số, xã hội số, cần minh bạch thông tin. Một cán bộ chính trực không chỉ lo sao bản thân làm đúng mà còn cần giúp người dân, đồng nghiệp và tổ chức thấy được điều đó một cách rõ ràng. Chẳng hạn, kịp thời, minh bạch trong việc ra quyết định, trong quan hệ công tác, tránh để xảy ra dị nghị, mất niềm tin. Đó là thái độ thẳng thắn nhưng khéo léo, thuyết phục trong điều hành công việc, trong giao tiếp. Chính không có nghĩa là rập khuôn, cứng nhắc, như quá nhấn mạnh tập trung mà “quên” dân chủ, biết lắng nghe và phân tích ý kiến nhiều chiều. Đó là, gương mẫu trong công cuộc “Bình dân học vụ số”, luôn tìm hiểu, nâng cao kiến thức mà mình đã có. Người không theo kịp thời đại, không hiểu công nghệ thì rất dễ bị tụt hậu. Thời nay người có tài là người được đào tạo cơ bản, tự học suốt đời, biết quản lý và sử dụng công nghệ để làm việc tốt, để phục vụ nhân dân.

Chính ngược với nghĩa là người có tài năng, đức độ không sa vào danh lợi cá nhân, không tham nhũng, quan liêu, lãng phí; tỉnh táo, không lung lay trước những cám dỗ, “không nói không, không nói khó”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi” trong điều kiện gấp gáp phải làm nhiều công việc lớn. Đương nhiên, khi nói tiến-lùi là về mặt tư tưởng, còn trong hành động, trong giải pháp thì có khi vẫn phải chấp nhận giải pháp tình thế, tạm lùi một bước để tiến hai bước. Thế là chính vậy.

Như đỉnh non cao tự giấu hình ảnh 1

Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”.

Thời gian qua chúng ta thường nói tới một cuộc cách mạng lớn, hay là những chuyển động mang tính lịch sử - cuộc cách mạng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị. Điều này trước đây đã bàn đến, đã làm nhưng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Tinh gọn là tước bỏ, thay thế, điều chỉnh, không tránh khỏi đụng chạm, cho nên có khi phải chịu mất mát, chịu đau. Không ít cán bộ trong diện dôi dư, xuống chức. Lại nhớ đến yêu cầu liêm chính mà Bác Hồ mong muốn từ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ. Yêu cầu phẩm chất, tư cách trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng” như thế nào? Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh rằng, tinh gọn bộ máy là để mạnh lên, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, phục vụ dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Không có một quyết định nào có thể vừa lòng hết thảy mọi người. Việc xây dựng nhân sự cấp ủy các tỉnh thuộc diện hợp nhất, và sáp nhập, thành lập mới các xã sẽ không tránh khỏi tâm tư, băn khoăn, lo lắng, nhưng không vì sự điều chuyển của tổ chức, sự sắp xếp bố trí cán bộ chưa phù hợp năng lực, nguyện vọng mà nảy sinh tâm lý tiêu cực, phát ngôn tùy tiện, gây mất đoàn kết nội bộ. Chính cũng có thể hiểu rằng, khi sắp xếp tổ chức không để xảy ra tình trạng cục bộ địa phương, chạy chức chạy quyền, “bắt tay chia ghế”, mà sẵn lòng “treo ấn từ quan” khi thấy mình không còn phù hợp với tình hình mới, không đáp ứng yêu cầu cao của thời kỳ mới. “Rút lui đúng lúc” không phải là “thất thế”, có khi còn được mọi người trân trọng, yêu quý hơn. Sự “chính trực” thể hiện ở chỗ, biết thoát ra khỏi cái bóng của mình, nói theo ngôn ngữ hiện đại là biết ứng xử và hành xử khôn ngoan trong cạnh tranh và thay đổi.

Đại hội Đảng các cấp là một dịp kiểm nghiệm và thử thách dũng khí, đạo đức. Mong sao người được lựa chọn tham gia cấp ủy phải là người có đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín, không để lọt những cán bộ cơ hội, quá đam mê quyền lực. Quy hoạch, đánh giá, lựa chọn, không chỉ là việc đánh giá năng lực, mà còn là cuộc sát hạch về đạo đức, lý tưởng và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bác Hồ nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” vừa khẳng định bản chất của Đảng và những yêu cầu cốt lõi nhất, càng về sau, xã hội càng phát triển, tổ chức đảng càng phải văn minh hơn, đạo đức hơn. Người lãnh đạo liêm chính, chính trực được quần chúng thừa nhận, tin yêu sẽ tỏa sáng. Nhưng không cao vời, không chói lóa, choáng ngợp, “tự giấu hình” để hòa vào mọi người, vào cuộc sống.