Hòa bình chỉ thật sự bắt đầu từ ngày đoàn tụ

Ðã 50 năm trôi qua kể từ khi kết thúc chiến tranh. Ðối với một sự kiện lịch sử thì nửa thế kỷ là khoảng lùi vừa đủ để đánh giá, chiêm nghiệm. Năm 2000, khi ý tưởng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” vừa được manh nha từ những câu chuyện ly tán trong cuộc chiến, tôi đã nghĩ đến dấu mốc 2025 này, và mong vết thương chiến tranh mau lành, ngủ yên trên những trang sử.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Trần Thị Dung (tên cha mẹ đặt là Nguyễn Thị Tám) xúc động khi đoàn tụ với anh, chị mình.
Bà Trần Thị Dung (tên cha mẹ đặt là Nguyễn Thị Tám) xúc động khi đoàn tụ với anh, chị mình.

18 năm đi theo những nẻo đường đất nước, đội ngũ tìm kiếm và đoàn tụ thân nhân “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) đã ghi nhận những thay đổi lớn lao của đất nước một cách tỉ mỉ và thực tế. Trên những chiến địa xưa, cuộc sống đã hồi sinh, quê hương đã thay da đổi thịt thật diệu kỳ, xóm làng trù phú, no ấm. Nhưng, nơi nơi chúng tôi vẫn còn gặp nhiều người chưa thoát ra khỏi cuộc chiến đã qua nửa thế kỷ trước.

Chiến tranh đánh vào nguồn sống

NCHCCCL đang tiến hành một chiến dịch nhỏ có tên là “Đoàn tụ kết thúc chiến tranh”. Bất ngờ là trong đa số hàng chục cuộc tìm kiếm cho kết quả vừa qua, chúng tôi đều tìm thấy quê hương cho những người lưu lạc ở những vùng đất lành và đẹp quá đỗi, vùng đất của những cánh đồng lúa xanh hồi đầu chiến tranh mà nhiều cựu binh Mỹ đã ngợi ca trong hồi ký của họ.

Vì sao chiến tranh lại xảy ra ở những nơi tươi đẹp, và biến nó thành chiến trường đẫm máu nhất? Và vì sao những người nông dân lành như đất lại trở nên ngoan cường chống ngoại xâm?

Ở xã Đại Quang (trước là Lộc Quang), huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có gia đình còn 2 chị em, bà Nguyễn Thị Năm và ông Nguyễn Hữu Sáu, gốc nông dân nhiều đời. Năm 1968, hầu hết người dân trong huyện chạy tản cư ra Đà Nẵng, nhưng gia đình bà Năm nhất quyết ở lại, vì quý đất, thứ nguồn sống mỡ màng phù sa của con sông Vu Gia mà mấy đời mải miết trồng lúa, thuốc lá để mưu sinh. Họ bám đất, nhưng cuối cùng mẹ bà Năm đành gửi đứa con út Nguyễn Thị Tám ra nhà em gái ở Đà Nẵng để bảo toàn tính mạng, không may đi lạc mất tích luôn. Tháng 3/1975, hòa bình vừa về với Đại Lộc, người cha ra đồng buổi đầu tiên, vừa nhấc quang gánh lên thì mìn nổ.

NCHCCCL vừa đưa được bà Tám trở về đoàn tụ sau 57 năm lưu lạc. Trải qua ba chìm bảy nổi, đứa trẻ lạc đã trở thành một trong những thanh niên xung phong khai phá vùng đất bazan màu mỡ tận Gia Lai. Nếu không có chiến tranh, gia đình họ hẳn đã được sống bên nhau, quây quần làm ăn trên mảnh đất quê hương.

Điều thiêng liêng nhất là gia đình

Cũng những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cùng hoàn cảnh giống như bà Tám, là sống trong vùng chiến sự, mẹ phải đem gửi cho dì đang tản cư ở thành phố, rồi đi lạc cho đến khi ngoài 60 tuổi, bà Lê Thị Cúc không hề biết quê mình là Cẩm Thanh, Hội An (Quảng Nam). Bà càng không biết việc gửi mình đi là một cách đối phó với chiến tranh của người cha, là “phân tán để bảo toàn lực lượng”. Gạo giấu dưới đất, chỗ này một ít, chỗ kia một nắm. Tiền bạc có bao nhiêu cũng chia cho họ hàng. Cả chục đứa con, trừ vài đứa lớn đã thoát ly, thì mỗi người cậu, người dì, người quen thân đều cưu mang một đứa - tản mát như cách người ta giữ hạt giống giữa bão giông chiến tranh.

Xem những hình ảnh tư liệu có cảnh giặc đốt nhà, bắt đàn bà, trẻ em xảy ra vào năm 1969 ở Hội An và cảnh du lịch ở đô thị cổ này ngày nay mà chương trình chiếu trong ngày đoàn tụ, bà Cúc bật khóc nức nở: “Đó, chị đã sống qua cảnh này rồi!”. Tuy không nhận ra khung cảnh Cẩm Thanh hôm nay, nhưng bà không quên nỗi ám ảnh của những chiếc mũ sắt, dù chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ.

Đưa được một người lạc lúc lên 6 về với nguồn cội, dù không nhớ tên cha tên mẹ, không nhớ gì hết là nhờ điều thiêng liêng nhất: truyền thống gia đình, họ tộc. Niềm tin càng được củng cố vững chắc khi NCHCCCL tiếp cận với bảng gia phả tộc Lê - phái 16 đời sống tại Cẩm Thanh, ở hàng gần cuối có ghi tên “Lê Thị Cúc - thất lạc” trong dòng 9 cái tên anh chị em khác. 54 năm mất tích giữa cuộc chiến, cô gái nhỏ vẫn không bị lãng quên.

Hòa bình chỉ thật sự bắt đầu từ ngày đoàn tụ ảnh 1

Ông Trần Cu (sau này tên là Nguyễn Văn Hai) về quê hương, chỉ cách nơi ông ở 20 km mà phải mất 54 năm.

Ông Nguyễn Văn Hai hiện sống ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), là nơi cha mẹ nuôi đưa ông về từ trại mồ côi ở Đà Nẵng ngay sau ngày đất nước hòa bình. Ông nhớ mình là con út, gọi là Cu. Cha vào du kích sau khi ông bà nội bị giết hại vô cớ. Một ngày khi đội du kích đang họp ở nhà thì bị phục kích. Cậu bé bị gãy chân, được đưa lên trực thăng chở về Bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng) chữa trị, đến khi lành lặn thì không còn ai quen chung quanh. Mất dấu quê hương, người thân, ông Hai chỉ nhớ được hình ảnh sau nhà có núi, trước nhà có sông. NCHCCCL đưa ông đi chỉ đúng 20 km là về tới quê hương, ngay ở xã Quế Phụ, huyện Quế Sơn bên cạnh. Hẳn là ông Hai đã nhiều lần đi theo đoạn Quốc lộ 1 đó, ngang qua nhánh con sông Mông Nghệ, nhìn thấy Gò Da, vậy mà phải mất 54 năm mới về tới cội nguồn.

Ông Hai may mắn còn gặp được người chị năm nay đã 90 tuổi từng chăm em trai út cho cha đi chiến đấu. Những người ruột thịt còn lại, ông gặp trong nghĩa trang. Sau cuộc đoàn tụ “không thể tin”, hằng ngày ông Hai vẫn đi biển, chỉ khác là giờ đây đã có gia đình, con cháu có dòng họ tổ tiên. Vài hôm ông lại sang thăm chị một lần. Ông chuẩn bị đưa bàn thờ của cha mẹ và các anh chị về Thăng Bình thờ cúng và việc này là diễm phúc trong cuộc đời.

Hành trình kỳ diệu

Những người chịu cảnh ly tán vì chiến tranh năm nay cũng đã xấp xỉ hoặc ngoài 60 tuổi. Một cuộc đời chông chênh là cụm từ mô tả sát nhất khi nói về từng người trong số họ. Bà Tám, bà Cúc sau cả cuộc đời gắng sống sót, tần tảo chăm chồng con, từng trải qua phút giây hy vọng rồi vô vọng, đã tính chuyện buông xuôi. Nay có được gia đình ruột thịt, họ đều có chung suy nghĩ, rằng phải sống lâu hơn nữa, để sum vầy với chị, với anh. Và động lực sống của họ bây giờ là hơn 50 năm qua, cha mẹ và người thân nhớ thương da diết. Ba chị em nhà bà Tám không nỡ rời nhau. Người anh bảo đến giờ mới thật sự chấm dứt chiến tranh trong lòng chị em họ.

Chiến tranh cũng vừa im tiếng trong lòng một người phụ nữ tuổi 50. Tháng 4/1975, gia đình chị Trịnh Thị Kim Thu theo dòng người chạy loạn lên tàu từ Đà Nẵng vào Cam Ranh. Chị Thu mới mấy tháng tuổi, còn chị gái Kim Tuyến lên 5 bị lạc tại bãi biển Mỹ Ca. Suốt 50 năm, cha mẹ chị đau đáu nỗi niềm khôn nguôi, không ngừng nhắc về người con gái mất tích. Năm 2008 chuyển về sống gần bãi biển năm xưa, chị Thu lại đưa cha mẹ đi tìm suốt dọc vùng duyên hải. Hơn chục năm qua, NCHCCCL đồng hành tìm kiếm với gia đình, đã từng 4 lần hy vọng, nhưng kết quả thử ADN lại không phải.

Hòa bình chỉ thật sự bắt đầu từ ngày đoàn tụ ảnh 2

Chị Meilee Dozier gặp lại người em út Trịnh Thị Kim Thu cùng 3 người anh.

Tròn 50 năm sau ngày chia lìa, NCHCCCL đã tìm được chị Kim Tuyến. Chị may mắn được một ân nhân đưa lên tàu sang Guam và được nhận nuôi ở Mỹ, đặt tên là Meilee Dozier.

“Hồi học đại học, có lần thấy trăng non trên bầu trời, tôi ngước lên, nhìn thật lâu rồi tự nhủ: Hãy thử ước một điều gì đó. Và điều ước là một ngày nào đó, tôi sẽ gặp lại bố mẹ, anh em mình và biết được sự thật về những gì đã xảy ra. Đối với tôi, hành trình đi tìm câu trả lời về cuộc đời mình là một điều kỳ diệu. Một hành trình để hiểu được tôi đã đến đây như thế nào, và vì sao lại có mặt trên cõi đời này”. Ước mơ biến thành hành động, Meilee tới Việt Nam mở nhà hàng và tiến hành tìm kiếm suốt 13 năm ròng, sau đó trở về Mỹ học thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học John Hopkins, quan tâm nghiên cứu về Đông Nam Á.

“Cả cuộc đời, tôi tin rằng mình đã bị bỏ rơi” - chị Meilee bộc bạch. “Cuối cùng tôi đã gặp lại gia đình mình và biết rằng họ đã nỗ lực kiếm tìm ngay sau khoảnh khắc tôi mất tích. Việc tôi được sang Mỹ đã là điều khó tin, nhưng chúng tôi được đoàn tụ càng kỳ diệu hơn. Trước khi có thể xác nhận bằng ADN, manh mối duy nhất họ có là “xoáy trâu” trên đầu tôi. Khi gặp lại anh chị em mình và lắng nghe họ kể lại chuyện tôi bị thất lạc, tôi nhận ra họ đã sống với ký ức về tôi suốt 50 năm”. Chị Kim Thu trải lòng: “Phải chăng ba má còn sống chắc là hạnh phúc lắm. Khi chị gái xuất hiện, dường như tất cả hờn giận, rắc rối trong gia đình đều được giải quyết. Mọi người yêu quý nhau hơn, cảm nhận được tình cảm máu mủ thiêng liêng trong cùng huyết thống”.

Nửa thế kỷ không còn mưa bom bão đạn, nhưng chiến tranh dường như đã in dấu trong lòng người Việt Nam. Và việc tìm lại người thân, gia đình, nguồn cội cho những người bị ly tán là việc cần làm để hòa bình thật sự được trọn vẹn. Điều ấm áp khi nhìn lại cuộc chiến đã qua từ dấu mốc 50 năm này, chính là cảm giác sống động về dòng chảy thiêng liêng của cội nguồn, của tình thương yêu và bao dung, cũng như tinh thần rộng mở, cầu tiến trong huyết quản của người Việt, ít nhất là trong cả trăm nghìn người từng chia ly vì chiến tranh mà chúng tôi đã gặp.