Ngày 4/11/1968, tôi đang ngồi trong phòng làm việc viết bài “Phá bĩnh và láo xược” bình luận thái độ của chính quyền Sài Gòn với Hội nghị Paris thì dừng bút, đi ra gốc đa trong khuôn viên tòa soạn thư giãn. Đang loanh quanh hít thở không khí trong lành, xe chở Tổng Biên tập Hoàng Tùng tiến vào. Tổng Biên tập xuống xe, tới bắt tay tôi, nói: Chuẩn bị đi Paris nhé. Tôi hỏi: Đi làm gì anh? Tổng Biên tập trả lời: Làm phụ tá cho bà Nguyễn Thị Bình. Khi đó, tôi đang là Trưởng Ban miền nam của Báo Nhân Dân”, nhà báo Hà Đăng hồi tưởng.
Hơn 50 năm đã qua, ký ức về những ngày tháng tham gia đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris, đảm nhiệm vai trò phụ tá của Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam vẫn trở đi trở lại trong tâm khảm nhà báo Hà Đăng: “Ở Hội nghị có nhiều câu chuyện vui, như cái bàn ngồi đàm phán cũng đấu tranh mãi mới ra được bàn tròn. Hội nghị có 4 bên tham gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Đoàn Mỹ muốn ngồi bàn hình chữ nhật, vì họ coi chỉ có hai bên mà không công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Tranh luận mãi, cuối cùng mới quyết định dùng bàn tròn”. Ông nhớ lại: “Suốt thời gian diễn ra Hội nghị, thường mỗi tuần họp một lần. Sau phiên họp, các thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đều ngồi lại với nhau, đưa ra đường lối chung, kiểm điểm về phiên họp vừa qua xem chất lượng thế nào, các lập luận đưa ra có tốt không, nếu chưa tốt phiên họp tới cải thiện ra sao. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, trên nữa có cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Tôi là người được giao chấp bút các bài phát biểu cho bà Nguyễn Thị Bình”. Theo quan điểm của nhà báo Hà Đăng, bà Nguyễn Thị Bình là một người phụ nữ đẹp: “Đấy là vẻ đẹp hiện thân của người phụ nữ Việt Nam. Truyền thông và dư luận phương tây ca tụng bà là: “Bà hoàng Việt cộng” và thường gọi Madame Bình. Bà Bình làm việc không hề máy móc, luôn giữ được vai trò độc lập của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam sau đó”. Nhà báo Hà Đăng giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp, cũng như nhiều thành viên phái đoàn Việt Nam thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tuy nhiên Hội nghị Paris có quy định: Phái đoàn nước nào dùng ngôn ngữ của nước ấy và ngôn ngữ làm việc của Hội nghị là tiếng Pháp. Đoàn Mỹ nói tiếng Anh, các đoàn Việt Nam đều dùng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Bên cạnh đó, các cuộc trò chuyện bên lề đều có thể thoải mái lựa chọn ngôn ngữ theo ý thích. Luôn tự nhận mình chỉ là “người chấp bút”, viết các bài phát biểu cho bà Nguyễn Thị Bình, nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh rằng: “Trong các buổi đàm phán, lời lẽ đối thoại có thể thoải mái tự nhiên hơn, nhưng trong các văn bản chính thức, bao giờ cũng lịch sự. Thí dụ, đoàn ta gọi Chính quyền Sài Gòn là bù nhìn, là tay sai của Mỹ, tuy nhiên khi thành văn bản chỉ nói lý lẽ, ôn hòa”. Sau hơn 4 năm đàm phán ròng rã, bức ảnh bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được báo chí Pháp và phương tây đăng tải (vẫn được truyền tụng đến ngày nay) chính là một trong những khoảnh khắc biểu tượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước của quân dân ta. Thành công của Hội nghị Paris dẫn tới việc ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 cũng góp phần dẫn tới thắng lợi cuối cùng hơn hai năm sau đó, trưa ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải…
![]() |
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh | TL |
Bắt đầu làm báo từ năm 1950 với cương vị “thư ký tòa soạn tạp chí Miền Nam” tại chiến trường Liên khu V trong kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chuyển sang báo Nhân Dân Liên khu V, đến khi tập kết ra bắc năm 1955 chính thức thành phóng viên Báo Nhân Dân và trở thành Tổng Biên tập, nhà báo Hà Đăng đã có một sự nghiệp báo chí lẫy lừng. Sinh năm 1929 tại Phú Yên, đến giờ đã cận kề tuổi 100 nhưng nhà báo Hà Đăng vẫn minh mẫn, sáng suốt. Đảm trách nhiều cương vị quan trọng, mà như ông tổng kết vui: “Cuộc đời tôi gói gọn trong 5 cái hai: Hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ”, rồi ông diễn giải: “Hai trung là hai khóa Ủy viên Trung ương Đảng (VI, VII); Hai đại là hai khóa đại biểu Quốc hội (VIII, IX); Hai Tổng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (1987-1992) và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1996-2001); Hai Trưởng là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1992-1996) và Trưởng Ban chỉ đạo văn kiện Đảng toàn tập; Hai trợ là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984-1986) và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2001-2006). Dù làm gì, ở vị trí nào, ông vẫn luôn giữ sự tỉnh táo, điềm tĩnh của một nhà báo, sự hài hòa của một nhà ngoại giao.
Thỉnh thoảng, trong những dịp hội ngộ các thành viên từng tham gia đoàn đàm phán Hội nghị Paris, nhà báo Hà Đăng có dịp gặp lại bà Nguyễn Thị Bình, cùng ôn cố tri tân, nhớ về những năm tháng không thể quên... Tháng 1 năm 1973, Hội nghị Paris kết thúc, nhà báo Hà Đăng vẫn còn ở lại Pháp, cùng tham dự Hội nghị hai bên của miền nam Việt Nam mãi đến tháng 6 mới trở về. Tháng 3 năm 1975, sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, nhà báo Hà Đăng nhận nhiệm vụ trở lại Pháp, làm việc đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Trong bài viết để lưu giữ lại “Những mẩu chuyện về cuộc đời làm báo”, ông kể: “Vào đêm 29/4/1975 (lúc ấy ở Việt Nam đã là ngày 30/4/1975), họ (các nhà báo phương tây - PV) hỏi: “Hiện giờ, có phải quân của các ông đã chiếm được Sài Gòn không?”. Với tư cách là người phát ngôn của Đoàn, lẽ ra tôi phải đưa ra một lời khẳng định dứt khoát. Nhưng vì chưa nhận được tin chính thức từ nhà nên trả lời chung chung: “Chúng tôi đang giải phóng Sài Gòn và tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam”. Ba tiếng sau, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, họ lại hỏi: “Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, bây giờ chính sách của các ông như thế nào?”. Tôi lo quá, lỡ trả lời không đúng ý của bên nhà thì gay. Nhưng cũng nói: “Chính sách của chúng tôi là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và tiến tới thống nhất nước nhà”. Ngay sau đó, báo nước ngoài đưa tin đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam nói về chính sách, nhấn mạnh ý thống nhất nước nhà. Quả thực tôi lo mãi đến khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc bài diễn văn ngày 1/5 trong nước thì mới yên tâm”.
Luôn giữ được tâm thế lạc quan, bình ổn, lúc nào cũng thường trực điệu cười hiền từ, nhà báo Hà Đăng luôn khiêm nhường và đầy hóm hỉnh: “Ngày xưa các cụ nói treo ấn và từ quan, giờ mình không có chức quan cũng làm gì có ấn. Mình là người làm báo nên chỉ có ngòi bút và ngôn từ. Vì vậy giờ là mình gác bút và từ ngôn. Gác bút và từ ngôn có nghĩa là: không viết bài mang tính lãnh đạo; không nói những lời những câu mang tính chỉ đạo. Mình hết nhiệm vụ rồi, không còn biết được điều anh em đang làm, vậy thì không nên nói gì, sẽ làm khó cho anh em”.