Người lính hồi sinh đất bằng hoa thiên lý

Nơi miền quê xa xôi ấy có một người lính vẫn thầm lặng nuôi giấc mộng rất riêng và rất lạ: trồng hoa thiên lý trên vùng đất trũng. Vốn không biết chút gì về nông nghiệp, vậy mà anh đã tìm về vùng đất Nam Sách nghèo khó để làm nên một mô hình rau sạch mang thương thiệu Trang trại hoa thiên lý hữu cơ: Vụ Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày nào anh Thơ cũng dành thời gian chăm sóc khu vườn hoa thiên lý của mình.
Ngày nào anh Thơ cũng dành thời gian chăm sóc khu vườn hoa thiên lý của mình.

Đó là người lính Nguyễn Như Thơ. Và nơi vùng quê ít ai biết đến ấy là xã Hồng Phong, thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Muốn tìm đến trang trại của anh Thơ, chúng tôi phải đi qua những con đường nhỏ. Từ xa đã trông thấy một khuôn viên thu nhỏ hiện ra trước tầm mắt. Mấy cái lán kiên cố được bao quanh, các hàng rào, thấp thoáng trong khu vườn nhỏ là những bông hoa đang chờ mùa thu hoạch.

Nhưng ấn tượng hơn hết vẫn là mùi hương và sắc xanh quyến rũ nổi bật trên nền trời. Chung quanh là đất đã được đánh luống. Đi vòng quanh một lượt để ngắm nhìn cái cơ ngơi khiêm tốn đó, cảm thấy như lạc vào một miền cỏ hoa tĩnh lặng.

Người lính hồi sinh đất bằng hoa thiên lý ảnh 1

Thiên lý của trang trại Nụ - Thơ được bón phân từ đỗ tương và không dùng thuốc trừ sâu.

Liều dấn thân cho đồng đất

Trước mặt chúng tôi lúc này là người đàn ông ngoài 50 tuổi với khuôn mặt vuông vức của một người từng trải, quả quyết. Những năm tháng của cuộc đời người lính nơi đầu sóng ngọn gió như đã hằn in lên con người này. Anh Thơ đã mở đầu câu chuyện: “Khi tôi thử nghiệm với trang trại rau sạch này cũng có muôn vàn khó khăn, nhưng tôi không nản. Và thế là tôi thử một lần...”.

Nguyễn Như Thơ, từ khi ôm giấc mộng làm giàu với “hoa thiên lý” đã có những năm tháng lặn lội trên vùng đảo Cô Tô, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm giàu vì biết gì về “kinh tế”. Anh tâm sự: “Ruộng thì nhiều nhưng chẳng có ai muốn làm. Thôi thì “cấy cày giữ nghiệp nông gia” vậy! Gọi là “năng nhặt chặt bị” cũng được. Bởi nhiều cán bộ nông nghiệp đã “đánh giá” trang trại rau sạch mà anh Thơ đang làm là: “làm chơi ăn thật”. Nhưng cũng chính từ mô hình nhỏ bé này, đã thay đổi cả vùng quê nghèo gian khó.

Năm ấy, 1983-1984, khi là một người lính trở về quê hương, anh cũng bỡ ngỡ không biết làm gì để sống. Thời gian đầu hai vợ chồng đi làm thợ xây nhưng cuộc sống cứ mãi khó khăn. Trước nhà có trồng một giàn hoa thiên lý để cho bóng mát. Có ý tưởng, nhưng phải chờ đến rất nhiều năm sau anh mới thực hiện được “giấc mộng”. Chúng tôi hỏi: “Gọi là đất hoang hóa nhưng chỉ toàn cỏ cây và bùn đất, lại nhận một lúc cả mấy ha, anh không sợ mình “quá sức” hay sao?”. Anh Thơ tủm tỉm: “Khi nhận đất để làm trang trại này, nói thực nhiều người cũng không tin là tôi sẽ làm được một “cái gì ra trò” đâu. Bởi ngay cả bản thân tôi cũng có lúc cảm thấy “bất lực” chứ. Những năm 90, ở Hải Dương này làm gì có ai nghĩ đến chuyện trồng hoa thiên lý để bán bao giờ. Thế là tôi quyết định “liều!”.

Ngay khi bắt đầu, việc đầu tiên của anh là cải thiện mảnh ruộng phía trước nhà, nhờ những người có chuyên môn ở TP Hải Dương phân tích, góp ý... Dưới lớp đất cằn khô qua phân tích cho kết quả là khả quan: Hoa thiên lý là giống cây dễ trồng, sinh trưởng mạnh vào mùa xuân và mùa thu, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau... Vấn đề còn lại là làm thế nào để biến lớp đất cằn cỗi trên đồng ruộng để làm lộ ra cái “kho báu” với hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Kỳ thực rất khó...

Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn mướt mát bóng cây, chỉ vào “cơ ngơi” bạt ngàn hoa cỏ, anh Thơ tấm tắc: “Những vườn hoa thiên lý rộng lớn như thế này đã tiêu tốn của tôi hàng nghìn ngày công”. Năm đầu tiên, anh Thơ trồng được 5 sào hoa. Năm sau, cũng chừng đó diện tích. Và cứ thế làm. Cho đến lúc này, trong số 2 ha đất ruộng cằn cỗi, “ông khai hoang” (như cách gọi thân thiết của người dân vùng này dành cho Nguyễn Như Thơ) đã đạt 500 - 800 kg/ngày, bao tiêu 50 hộ dân, 180 công nhân tại vùng Hải Dương trù phú có việc, xuất khẩu đi 18 quốc gia và nhiều nước trên thế giới, và bây giờ còn canh tác thêm rau súp-xanh, trắng...

Người lính hồi sinh đất bằng hoa thiên lý ảnh 2

Nụ cười của chị Nụ - vợ anh Thơ trên cánh đồng thiên lý.

Đơn giản tôi là nông dân!

Chúng tôi dừng chân bên những luống hoa thiên lý rộng mênh mông nơi những nụ hoa, chùm hoa, cùng ngắm nhìn và thán phục. Đôi chân của người đàn ông sau những giờ làm việc mệt nhoài trên cánh đồng nắng gió dừng lại dưới bóng râm của những giàn hoa đã 20 năm tuổi. Chủ trang trại chậm rãi... “bật mí, rằng có các chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu đưa ra lời khuyên về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng quá trình cải tạo đất, trồng hoa, lên luống, và việc bỏ ra tiền tỷ để làm một công việc mà phải rất nhiều năm tháng sau mới nhìn thấy thành quả, cũng không hề dễ dàng chút nào! Nó đòi hỏi những đêm trăn trở thức trắng, những lần quả quyết “không lùi bước”. Nó cũng đòi hỏi chút phiêu lưu mạo hiểm và niềm lạc quan cần có của một người lính từng trải...

Anh nhớ lại: “Hồi ấy, hoa nở chậm, xoắn ngọn, vàng lá, dễ bị rụng, nước ngập làm cây mục ruỗng, mưa trái mùa khiến hoa chết rũ và không có thuốc đặc trị... Đêm xuống cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên. Có những đêm không ngủ, tôi dò dẫm cầm đèn soi từng gốc cây xem như thế nào, nó... đã lớn chưa. Nhưng lần bắt tay vào làm đầu tiên với 5 sào đất hoa thiên lý đã nếm mùi thất bại. Thì ra hoa thiên lý chỉ để cải thiện bữa ăn chứ chẳng kinh doanh, lời lãi gì. Càng thất bại càng làm, làm nữa! Dù chỉ để thỏa nỗi lòng của một người nông dân yêu cây cỏ. Và cuối cùng thì đất đã nở hoa. Cánh đồng hoa thiên lý rộng mênh mông đã hiện ra trước mắt.

Chúng tôi nhẩm tính: Cứ mỗi vụ hoa thiên lý như thế này thu chừng 3 tạ/sào; năm sau, năm sau nữa ba công chăm sóc đạt bình quân 8 tạ đến 1 tấn/năm thì trên 10 ha này, sau đúng 5-7 năm, đã đưa về cho “ông chủ” mỗi năm hàng trăm triệu đồng chứ chẳng ít. Rồi nữa, hằng ngày anh phải “nuôi quân” trên dưới hàng chục lao động thường xuyên, đến mùa thì con số này tăng hàng chục người, lúc cao điểm có đến những 50 người là chuyện thường. Lại bỏ ra một khoản tiền kha khá để làm giàn, mua thêm giống, phân bón, thuê nhân công và bảo quản hoa, tìm đầu ra...

Trở lại “khu vườn” với cái mầu xanh hanh vàng của thiên lý tươi, mặt trời đổ bóng xuống. Cô con gái và chị Ngô Thị Nụ - vợ anh Thơ, đã sẵn sàng chiêu đãi chúng tôi bằng món canh hoa thiên lý và mấy món chiên giòn, xào thịt bò. Trong khi ngồi trò chuyện, một câu hỏi được đặt ra: Vì sao một người Hải Dương giữa bao công việc lớn lao không làm lại quyết định trồng hoa thiên lý trên đồng đất Nam Sách nhọc nhằn để rồi biến một vùng đất trũng thành một mầu xanh? Anh Thơ trầm ngâm và nụ cười như vang cả cánh đồng: “Bí mật của tôi chẳng có gì phải giấu giếm cả: “Tôi gốc Hải Dương! Từng có những năm tháng đi bộ đội ở đảo Cô Tô, khi về quê nhà cũng thử làm nhiều việc nhưng mọi thứ bế tắc, nhìn đất rộng mà chẳng ai làm, xót xa lắm. Không ngờ cái tình yêu với đất, cái “chất lính” với quê hương Nam Sách vẫn chảy ngầm trong người nên tôi đã làm. Không vì một cái gì khác. Thế thôi!”.

Vẫn chưa hết: Để tăng năng suất cho rau, tạo màu xanh tươi cho hoa thiên lý, anh Thơ chủ động bón phân là đỗ tương và không dùng thuốc trừ sâu... “Cứ mỗi mùa thu hoạch như thế này tôi thu về mỗi sào khoảng 15-20 triệu đồng, sau 20 năm, tôi cũng có một số tiền rủng rỉnh!”, anh Thơ như muốn nhấn mạnh để chúng tôi dễ hình dung cái khó của một người yêu đất, yêu hoa...