Đổi mới cách làm
Anh Lê Duy Lân, Giám đốc Nhà hàng ẩm thực ven biển Quy Nhơn cho biết, hơn 10 năm nghiên cứu và làm du lịch, động lực để anh xây dựng mô hình mới không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn tạo ra giá trị mới cho cộng đồng, giúp mọi người có không gian thưởng thức biển theo cách văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được sự thư thái. Thực tế hiện nay, sở thích của khách hàng về du lịch biển đã thay đổi. Họ không chỉ muốn tìm đến những chỗ có view đẹp mà còn muốn trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao, được tận hưởng biển một cách đúng nghĩa. Do vậy, mô hình quán bar ven biển không đơn thuần là một điểm vui chơi về đêm. “Chúng tôi muốn biến nó trở thành một không gian cộng đồng, nơi mọi người có thể đến để tận hưởng cảnh biển, trò chuyện, thưởng thức những món ăn địa phương. Quan trọng nhất, du khách được hòa mình vào không khí thư giãn của vùng biển Bình Định”, anh Lân nói.
Điểm độc đáo của những quán bar ven biển do người trẻ sáng lập là không phân biệt đối tượng khách hàng, tạo điều kiện để cả khách du lịch và người địa phương đều có cơ hội trải nghiệm. Tại đây, không gian được thiết kế mở, không gian tạo cảm giác thoải mái và gần gũi. Bên cạnh đó, mô hình quán cũng tích hợp các dịch vụ du lịch như tổ chức sự kiện ngoài trời, các buổi biểu diễn âm nhạc sống động, hoặc những bữa tiệc BBQ ven biển. Điều này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp người dân địa phương cảm thấy gắn bó hơn với quê nhà, biến du lịch thành một phần của cuộc sống thường ngày chứ không phải là một ngành công nghiệp xa lạ.
Kết hợp nhiều yếu tố
Một trong những hướng đi mới mà các đơn vị tổ chức tour theo đuổi là kết hợp văn hóa bản địa vào mô hình du lịch, giúp du khách có trải nghiệm sâu hơn về vùng đất họ đến. Anh Bùi Mạnh, Quản lý cơ sở vui chơi Bai Rang Beach (xã Nhơn Lý) cho biết, thay vì chỉ tham quan thắng cảnh rồi rời đi, khách có thể tham gia các hoạt động cộng đồng, khám phá văn hóa địa phương qua các dịch vụ du lịch mới. Không dừng lại ở đó, các sự kiện văn hóa như đêm nhạc truyền thống, workshop làm đồ thủ công, hay thậm chí là các chương trình dạy nấu ăn đặc sản địa phương cũng được đưa vào chương trình để du khách thật sự hòa mình vào nhịp sống của người Bình Định.
Đặc biệt, trong thời đại số hóa, những doanh nghiệp lữ hành trẻ Bình Định đã tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kết nối. Các ứng dụng điện thoại, nền tảng đặt chỗ trực tuyến, bản đồ trải nghiệm số khám phá các điểm đến đang dần trở nên quen thuộc. Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống đặt chỗ không giấy, giúp khách du lịch dễ dàng tìm kiếm địa điểm, đặt chỗ trước và thanh toán mà không cần dùng tiền mặt. Việc số hóa các dịch vụ này không chỉ giúp quá trình trải nghiệm trở nên tiện lợi hơn mà còn góp phần giảm rác thải, thúc đẩy mô hình du lịch xanh. Ngoài ra, công nghệ cũng giúp tạo ra những mô hình du lịch cá nhân hóa, nơi khách có thể tùy chỉnh hành trình của mình dựa trên sở thích cá nhân. Nếu trước đây, một tour du lịch luôn có sẵn các điểm đến cố định, thì nay khách có thể lựa chọn tham gia các hoạt động phù hợp nhất với nhu cầu thông qua các nền tảng số.
Ý thức rõ về trách nhiệm với môi trường nên phần lớn các doanh nghiệp lữ hành trẻ trên địa bàn tỉnh Bình Định đều chủ động tìm cách kết hợp yếu tố xanh vào mô hình kinh doanh. Một số tour du lịch đã có chính sách dành riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường. Các quán bar ven biển phần nhiều sử dụng vật liệu tái chế, hạn chế nhựa, khuyến khích khách hàng dùng cốc tái sử dụng. Từ những cam kết thể hiện qua các mô hình du lịch mới, các doanh nhân trẻ đang góp sức quảng bá để vùng “đất võ” trở thành điểm đến hấp dẫn, từ đó tạo ra môi trường du lịch bền vững, gắn kết cộng đồng và bảo vệ môi trường.