Hỏi & Đáp

Bạn đọc:
0:00 / 0:00
0:00

Hiện nay, lời kêu gọi đóng góp, ủng hộ từ thiện thông qua mạng xã hội ngày càng nhiều. Xin hỏi Thời Nay, cá nhân kêu gọi từ thiện, ủng hộ bằng tài khoản cá nhân của mình thì có vi phạm pháp luật không? (Trần Thị Kim Chi, quận Ba Đình, Hà Nội).

Thời Nay

Theo quy định tại Nghị định số 93/2021 của Chính phủ, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện. Pháp luật không cấm cá nhân kêu gọi ủng hộ đối với các trường hợp bị bệnh nặng, tai nạn giao thông, chạy thận, hoàn cảnh nghèo khó... bằng tài khoản cá nhân của mình thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo với mục đích nhân đạo. Tuy nhiên phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng và thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 93/2021 của Chính phủ.

Trường hợp có hành vi gian dối (dựng chuyện, giả mạo thông tin, giả danh nạn nhân) nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng tiền ủng hộ sai mục đích hoặc chiếm hưởng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, dư luận xã hội thì căn cứ tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của BLHS như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175…

Việc kêu gọi ủng hộ bằng tài khoản cá nhân, được thực hiện theo quy định tại Mục 2, Mục 4, Nghị định số 93/2021 của Chính phủ. Theo đó, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ số tiền đóng góp tự nguyện; có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ. Đồng thời, công khai kết quả sử dụng để chứng minh toàn bộ số tiền đã vận động và sử dụng.