Cứu lấy di sản nhà dài Ê Đê

Trong nhịp đô thị hóa, nhà dài dần vắng bóng tại các buôn làng Ê Đê. Có ngôi nhà dài gần như nguyên bản, nhưng ông Y Jui Êban ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang lo có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà dài của ông Y Jui Êban ngày càng xuống cấp nhưng chưa được tu sửa.
Ngôi nhà dài của ông Y Jui Êban ngày càng xuống cấp nhưng chưa được tu sửa.

Nhìn ngôi nhà đang xuống cấp, ông Y Jui Êban cho biết: Ngôi nhà được dựng khoảng năm 1900, hồi ông nội tôi còn sống. Đây từng là không gian sinh hoạt chung của đại gia đình nhiều thế hệ. Qua hơn một thế kỷ tồn tại, ngôi nhà đã bị mối mọt, hư hỏng nhiều phần, không giữ được kết cấu vững chãi vốn có.

Năm 1983, ngôi nhà được tu sửa, từ chiều dài gần 100 m được thu gọn còn khoảng 35 m, rộng 6 m. Sàn tre nứa được thay bằng ván gỗ, mái tranh lợp lại bằng tôn. Dù hiện diện như biểu tượng đặc trưng quen thuộc của buôn làng Ê Đê, nhưng căn nhà dài đang đóng cửa, nằm lặng lẽ bên cạnh ngôi nhà mới hiện đại, nơi gia đình ông Y Jui Êban đang sinh sống. Thỉnh thoảng có khách ghé thăm, muốn chụp hình lưu niệm, ông vui vẻ đồng ý.

Sở hữu di sản quý của buôn, nhưng ông Y Jui Êban không có ý định kinh doanh dịch vụ homestay vì sàn nhà và các trụ gỗ đã mục ruỗng, không an toàn. Chính quyền địa phương có đến vận động, dặn dò gia đình giữ gìn nếp nhà dài, có kế hoạch, chủ trương hỗ trợ kinh phí tu sửa, bảo vệ nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được khoản tiền nào. Gia đình không đủ điều kiện sửa chữa căn nhà. Thỉnh thoảng có nhóm bạn trẻ hoặc du khách đi ngang qua dừng lại chụp ảnh, ông Y Jui Êban lại thấy buồn, người già trong buôn tiếc nuối khi văn hóa truyền thống đang dần phai nhạt. Cô con gái út ở chung cùng bố mẹ chia sẻ, nếp nhà dài hiện tại không đáp ứng điều kiện sinh hoạt cũng như khai thác du lịch cộng đồng. Năm sau, khi con đường 16 m chạy trước nhà làm xong, gia đình sẽ sửa sang căn nhà dài và kết hợp làm homestay. Dự định, ngôi nhà sẽ được dỡ ra và phục dựng, làm lại như nếp nhà dài hiện tại.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), ngôi nhà dài của người Ê Đê được phục dựng, tu sửa do chính nhóm nghệ nhân cộng đồng Ê Đê đến từ TP Buôn Ma Thuột. Cách đây chưa lâu, tỉnh Đắk Lắk cũng phục dựng thêm một ngôi nhà dài đúng khuôn mẫu kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào Ê Đê trong khuôn viên bảo tàng tỉnh… Nhìn rộng ra, một hướng đi hợp xu thế hiện nay là gắn bảo tồn nhà dài với phát triển du lịch cộng đồng. Tại một số buôn làng, người dân đã giữ lại kiến trúc truyền thống kết hợp khai thác kinh doanh du lịch, tạo sinh kế bền vững. Tuy nhiên, con số này còn hạn chế. Chính quyền và cộng đồng cư dân cần phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng các ngôi nhà dài còn lại để bảo tồn. Trong quá trình tu sửa, phục dựng, rất cần sự tham gia của các nghệ nhân am hiểu, nắm vững kỹ thuật và kiến trúc nhà dài truyền thống.