- Quy định chặt chẽ chính sách hỗ trợ, thu hút, trọng dụng nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Các chính sách trong dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các chính sách này nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định chất lượng giáo dục”; kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập về chất lượng và hoạt động nghề nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn quản lý nhà giáo.
So với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật lần này bỏ quy định về xét tăng 1 bậc lương đối với nhà giáo được tuyển dụng lần đầu; chỉnh lý quy định về tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở bằng với mức thuê nhà ở công vụ đối với nhà giáo được điều động đến công tác tại khu vực khó khăn; bổ sung đối tượng nhà giáo được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng là nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương. “Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, ông Vinh nói.
Quan tâm đến quy định về chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đây là những chính sách rất quan trọng trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, là chính sách trụ cột để thu hút người tài, thu hút giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy, quy định cần phải chặt chẽ, khả thi nhằm tránh việc trục lợi chính sách. Đại biểu đề nghị, đối tượng cần phải được quy định rõ hơn; các quy định này cần kế thừa các quy định về tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, nên quy định các tiêu chí cụ thể để xác định người có trình độ cao, người tài, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao để xác định đối tượng ưu tiên cho phù hợp.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên có trình độ cao
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi vì điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo quy định của Bộ luật Lao động); đề nghị bổ sung tiêu chí ràng buộc, bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. “Hiện nay, đối tượng giáo viên mầm non không được coi là đối tượng làm việc trong các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, giáo viên mầm non phải thực hiện công việc đặc thù, có áp lực rất lớn về công việc, thời gian lao động; khi tuổi cao sẽ khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, nhiều ý kiến ĐBQH và các cơ quan liên quan đều thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non với các chế độ như quy định trong dự thảo Luật”, ông Vinh nói.
Về đề nghị kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, có chuyên môn sâu ở lĩnh vực đặc thù, ông Vinh cho hay là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần. “Dự thảo Luật quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội thông tin.
Cần quy chế đặc thù để hạn chế dạy thêm, học thêm
Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức (điểm c, khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm được xã hội rất quan tâm và vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư về vấn đề này. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chương trình, lượng kiến thức trong chương trình và cách dạy ở trường giúp người học “nắm” được hết kiến thức và về nhà người học chỉ ôn lại bài cũ thì sẽ không có nhu cầu học thêm, không có chuyện dạy thêm.
“Vấn đề ở đây có phải là do chương trình, lượng kiến thức trong chương trình hiện nay nặng quá không?”. Đặt câu hỏi này, đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại để bảo đảm chương trình và lượng kiến thức trong chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của người học.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhận thấy, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề dạy thêm, học thêm và nêu quan điểm, cần nhìn nhận vấn đề này xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, song cần chống lại hiện tượng tiêu cực là giáo viên ép học sinh tham gia học thêm.
Do vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để tổ chức hoạt động này một cách chính thống như các loại hình dịch vụ khác, có nền nếp, có quy định nhằm hạn chế được tiêu cực. Luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết và cần giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế về dạy thêm, học thêm theo hướng công khai; xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí và không cần thiết.
Theo dự kiến chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Luật Nhà giáo sẽ được biểu quyết thông qua vào chiều 11/6/2025.