Những viên gạch đầu tiên
TP Hồ Chí Minh mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.
Mở rộng không gian thành phố là bước then chốt để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm sản xuất, trung tâm trung chuyển..., vừa là trung tâm dịch vụ biển Đông Nam Á. Việc hợp nhất với Bình Dương (có thế mạnh về công nghiệp - đô thị - logistics) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng biển nước sâu - du lịch biển) tạo cơ hội để thành phố sau khi sáp nhập có thể vươn ra biển một cách thực chất. Chuỗi đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ liên hoàn, tương tự mô hình Thượng Hải - Trung Quốc, Singapore hay Bangkok - Thailand đang áp dụng.
Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu, việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính không chỉ là sắp xếp địa giới mà còn là bước đi quyết đoán để thành phố vươn mình trở thành siêu đô thị biển Đông Nam Á, nơi hội tụ biển cả, công nghiệp, logistics, tài chính và con người sáng tạo.
Để hiện thực hóa “siêu” đô thị biển, ngày 19/4, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nhấn mạnh, dự án Khu đô thị lấn biển Vinhomes Green Paradise là công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai phát triển của thành phố. Thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu mang tính chiến lược về không gian đô thị, mô hình kinh tế và chất lượng sống. Việc phát triển đô thị sinh thái ven biển là một trong những hướng đi đột phá phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển.
Chưa dừng lại ở đó, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2025 sau thời gian dài chuẩn bị. Dự án nằm trên địa bàn xã Thạnh An, có vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, diện tích 570 ha, chuyên khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ liên quan.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, việc TP Hồ Chí Minh hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện để thành phố phát triển kinh tế biển, bao gồm du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo để sản xuất điện gió, điện mặt trời..., kể cả năng lượng tái tạo từ thủy triều và sóng biển.
Từ đó, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh có một vị trí rất đặc biệt, một bên là vùng công nghiệp cực lớn (Đông Nam Bộ), một bên là vùng nông nghiệp trọng yếu (Đồng bằng sông Cửu Long). Do đó có thể thấy tiềm năng phát triển dịch vụ của thành phố rất lớn. Nổi bật cho lợi thế phát triển kinh tế biển đó là Bà Rịa - Vũng Tàu đang sở hữu các cảng nước sâu hiện đại, có thể tiếp nhận những tàu lớn quốc tế. Trong khi, TP Hồ Chí Minh có hệ thống cảng quốc tế với lợi thế lớn về dịch vụ logistics và vị trí giao thương thuận lợi. Các yếu tố này giúp thu hút các tuyến vận tải quốc tế cập cảng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics và kinh tế biển.
Phát triển đồng bộ hạ tầng
Để hiện thực hóa, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98) cho hay, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau, tính toán và xây dựng chiến lược cụ thể để hiện thực hóa tiềm năng này, dựa trên nguyên tắc phân tích địa kinh tế. Trong đó là câu chuyện về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách đến kết nối đồng bộ. Cần có sự phối hợp và lập kế hoạch chiến lược để TP Hồ Chí Minh khai thác tối đa lợi thế của vùng biển mới.
Theo ông Lê Duy Hiệp - chuyên gia logistics, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hệ thống cảng biển của TP Hồ Chí Minh đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là cảng Cát Lái, cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuy vậy, cảng Cát Lái đang đối mặt tình trạng quá tải kéo dài, đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc điều chỉnh quy hoạch và phân bổ hợp lý luồng hàng hóa. Trong khi, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần khẳng định vị thế là cảng nước sâu cửa ngõ quốc tế của phía nam.
Trong dài hạn, đây sẽ là điểm đến chính cho các tuyến vận tải container quốc tế, góp phần giảm tải cho hệ thống cảng TP Hồ Chí Minh và nâng cao năng lực xuất nhập khẩu của cả khu vực phía nam. Khi TP Hồ Chí Minh hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tiềm năng tăng trưởng logistics và vận tải hàng hóa sẽ rất lớn.
Còn PGS, TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, khi cảng nước sâu Cần Giờ hình thành và các hệ thống logistics phụ trợ được đồng bộ, cùng với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành trung tâm logistics và xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển hàng đầu Việt Nam. Mặt khác, các dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo nên hệ sinh thái logistics hiện đại, tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa tiềm năng đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần chủ động lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng để xây dựng chiến lược phát triển logistics và hệ thống cảng biển phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng quốc tế. Việc này không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển mà còn góp phần đưa vùng kinh tế trọng điểm phía nam trở thành động lực phát triển của cả nước trong kỷ nguyên vươn mình.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, trong bối cảnh hạ tầng giao thông liên vùng đang được đầu tư mạnh mẽ, nhất là các tuyến đường vành đai, tuyến cao tốc, hệ thống giao thông công cộng được phát triển đồng bộ sẽ giúp kết nối đồng bộ các đô thị vệ tinh của ba địa phương sau sáp nhập, tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia, sự liên kết giữa cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải không chỉ thúc đẩy kinh tế biển TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, mà còn là động lực phát triển cho nền kinh tế quốc gia trong dài hạn. Khi đó, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là đô thị hướng biển, mà là một đô thị cảng biển với hệ sinh thái logistics hiện đại, tích hợp đầy đủ dịch vụ và có sức cạnh tranh quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2025. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong nước, thu hút các tập đoàn logistics, thương mại, tài chính quốc tế đặt trụ sở. Đồng thời, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ hàng hải khu vực, trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế.