Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quý I/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong quý I bốn năm gần đây.
Khởi sắc nhưng chưa trọn vẹn
Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Môi trường, ngành nông nghiệp Việt Nam bước vào năm 2025 với những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng vẫn còn nhiều gam màu trầm. Một trong những động lực quan trọng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang đối mặt với không ít thách thức. Nhiều mặt hàng chủ lực chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về giá trị xuất khẩu: Gạo giảm 19,7% do giá xuất bình quân giảm tới 20,1%; rau quả giảm 11,3%, riêng thị trường Trung Quốc giảm gần 39%.
Không chỉ vậy, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh gần 5% so với cùng kỳ năm trước đang bào mòn lợi nhuận và gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Những rủi ro mới từ việc Mỹ điều chỉnh chính sách thuế quan, đang khiến không ít doanh nghiệp phải tính lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh.
Công ty CP Woodsland, một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn ghi nhận mức tăng đơn hàng 20% trong quý I, nhưng không giấu được sự lo ngại. “Nếu như đầu năm, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng 20-25%, thì giờ đây, với nguy cơ áp thuế cao, mục tiêu đó đang lung lay. Chúng tôi chắc chắn phải đối mặt với việc giảm thị phần từ thị trường Mỹ, điều này đồng nghĩa với giảm đơn hàng và doanh thu,” bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch chia sẻ.
Toàn bộ chuỗi xuất khẩu nông sản chủ lực như thủy sản, trái cây, chăn nuôi… cũng đều có thể chịu ảnh hưởng dây chuyền nếu thị trường lớn nhất “xoay trục”. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt buộc phải thích nghi nhanh hơn, linh hoạt hơn nếu không muốn tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.
Song song với đó, các thị trường lớn như EU, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á cũng đang siết chặt các tiêu chuẩn về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh.
“Doanh nghiệp phải đương đầu với rào cản thuế quan, các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe. Từ nay đến cuối năm, tình hình sẽ rất căng thẳng, đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện và linh hoạt”, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết.
Nhận thức được những khó khăn đường dài, nhiều doanh nghiệp không chờ đợi mà nhanh chóng hành động. Trong đó, giải pháp được đánh giá quan trọng nhất hiện nay là đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào những thị trường lớn nhưng nhiều rủi ro.
“Chúng tôi đang tập trung mở rộng tệp khách hàng, giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhằm tăng năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu”, đại diện Công ty CP Woodsland chia sẻ.
Thích ứng linh hoạt để giữ vững mục tiêu 65 tỷ USD
Để thích ứng với nguy cơ thị trường Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng nông sản Việt, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) đã xây dựng ba kịch bản để chủ động ứng phó.
Theo đó, trong trường hợp thuế suất 10% được duy trì trong suốt năm và áp dụng đồng đều với các quốc gia thì tác động đến tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ không đáng kể. Trường hợp thuế tăng lên 20% sau thời gian hoãn và được duy trì sau đàm phán, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm 20%, tăng trưởng toàn ngành cũng đồng thời giảm xuống còn khoảng 3,8 - 3,85% (tương đương 0,15 - 2 điểm phần trăm). Nếu Mỹ áp mức thuế 46% sau giai đoạn hoãn, xuất khẩu sẽ giảm tới 40% trong nửa cuối năm, kéo tăng trưởng ngành giảm còn 3,6 - 3,8%.
Từ những dự báo trên, Viện đề xuất cần khẩn trương đẩy mạnh đối thoại với phía Mỹ, nhằm hướng tới việc cùng giảm thuế hoặc xây dựng cơ chế miễn trừ thuế đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược. Đi đôi với đó là bảo đảm tính minh bạch trong xuất xứ hàng hóa - yếu tố sống còn để giữ niềm tin với thị trường.
Đặc biệt, những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cũng cần được triển khai kịp thời. Dù có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng chúng phải đủ mạnh để giúp doanh nghiệp và nông dân xoay chuyển tình thế. Những chính sách như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hoãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho hộ sản xuất nông lâm thủy sản, hay hỗ trợ lãi suất tín dụng cho nhóm bị ảnh hưởng… cần được cân nhắc thực hiện ngay. Cùng với đó, chiến lược dài hạn vẫn là nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học - công nghệ và chuyển đổi số cần được cụ thể hóa vào từng ngành hàng. Chỉ có đổi mới và ứng dụng công nghệ mới giúp hạ giá thành, tăng giá trị, mở rộng thị trường. Việc cơ cấu lại ngành hàng thủy sản (trong đó có tôm và cá tra) cũng là bài toán cấp thiết.
“Không thể tiếp tục đi theo cách cũ. Muốn cạnh tranh được với các nước như Ấn Độ hay Ecuador, phải đổi mới công nghệ, giảm chi phí và tạo ra giá trị gia tăng thật sự”, Thứ trưởng NN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Một hướng đi khác cũng cần được chú trọng là mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, EU hay Mỹ, Việt Nam cần tích cực khai thác các thị trường tiềm năng như nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ), Mỹ latin, châu Phi và đặc biệt là thị trường Halal, nơi nhu cầu thực phẩm an toàn, chất lượng cao đang không ngừng tăng.
Dù những con số trong quý I rất đáng khích lệ với GDP ngành nông nghiệp tăng 3,74%, cao nhất trong bốn năm nhưng thách thức còn ở phía trước. Để đạt được mục tiêu 65 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2025, ngành nông nghiệp cần một chiến lược tổng thể: Linh hoạt trước biến động, bản lĩnh trước áp lực và kiên định với mục tiêu dài hạn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất siêu gần 4,4 tỷ USD - mức cao hiếm thấy giữa bối cảnh toàn cầu vẫn đang hồi phục chậm sau đại dịch và xung đột địa chính trị.