Trở về Việt Nam năm 2018, GS, TSKH Nguyễn Xuân Thính, Đại học Kỹ thuật Dortmund (CHLB Đức), là một trong số 100 nhà khoa học gốc Việt tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tư vấn cho Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ mới như công nghệ 4.0, công nghệ môi trường, công nghệ xanh… Ông nhận thấy những áp lực rất lớn tại các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. Cũng từ đây, ý tưởng về “Dự án Khu đô thị thông minh giải pháp phát triển cho khu đô thị bền vững (SUA)” được hình thành.
Năm 2020, GS Nguyễn Xuân Thính đã kêu gọi nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Đức cùng tham gia xây dựng dự án và nhận được tài trợ của Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu để triển khai tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã có được những phát hiện quan trọng về các yếu tố tác động tới vi khí hậu tại các đô thị và công nghệ bản sao kỹ thuật số trong việc xây dựng các mô hình đô thị thông minh.
Đô thị thông minh bắt đầu từ tòa nhà, khu phố
Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 44,3% vào năm 2024, ngành xây dựng tăng trưởng mạnh với tốc độ 7-8% mỗi năm, và dân số đã vượt qua mốc 101 triệu người. Tuy vậy, Việt Nam phải đối mặt với áp lực gia tăng dân số, hệ thống hạ tầng quá tải triền miên, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên hiệu quả, bảo đảm môi trường xanh, sạch và bền vững.
Ngay tại Hà Nội, GS Thính cùng với nhóm nghiên cứu luôn trăn trở với câu hỏi đến bao giờ Thủ đô mới trở thành thành phố đáng sống nổi tiếng, nơi mà người dân và du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành ngay giữa trung tâm sôi động hòa chung với mầu xanh của thiên nhiên cây cỏ và sông hồ?
Chính vì vậy, trong suốt 3 năm (từ năm 2020), “Dự án Khu đô thị thông minh giải pháp phát triển cho khu đô thị bền vững (SUA)” đã tập trung triển khai nghiên cứu tại ba mô hình thí điểm tại Hà Nội. Từ đây, nhiều kết quả nghiên cứu đột phá đã được công bố. Theo đó, lần đầu tiên, bản sao kỹ thuật số (digital twin) được triển khai để tối ưu hóa quản lý tòa nhà, từ việc sử dụng bơm hiệu suất cao của Wilo cho hệ thống tưới tiêu đến kỹ thuật phủ xanh tường và mái nhà, tái sử dụng nước mưa hiệu quả.
Đáng chú ý, mái xanh tại tòa tháp Tonkin 2, Vinhomes Smart City, được thiết kế theo phương pháp Akira Miyawaki, đã tạo ra một “khu rừng lửng” thúc đẩy đa dạng sinh học, thu hút chim tự nhiên làm tổ chỉ sau 9 tháng. Hệ thống cảm biến thời tiết DAVIS Instruments và mạng LoRaWAN quy mô lớn lần đầu tiên được áp dụng tại một tòa nhà 40 tầng, cung cấp dữ liệu giá trị về tương tác giữa tòa nhà và vi khí hậu. Các chuyên gia đánh giá, những thành tựu này không chỉ thể hiện sự đổi mới công nghệ mà còn là mô hình thực tiễn xuất sắc, có tiềm năng chuyển giao cho các thành phố trên thế giới.
GS, TSKH Nguyễn Xuân Thính cho biết, mục tiêu cao nhất của xây dựng một đô thị thông minh là giúp đô thị đó phát triển theo chiều hướng bền vững, tiết kiệm năng lượng, trung hòa carbon, đồng thời làm cho người dân và du khách yêu thích gắn bó với đô thị đó.
Từ kinh nghiệm triển khai dự án, ông cho rằng, yếu tố quan trọng nhất chính là tầm nhìn và sự quyết tâm của chủ đầu tư cũng như chính quyền. Đô thị thông minh là một xu hướng mang tính toàn cầu. Nhiều đô thị trên thế giới đã và đang triển khai mô hình thông minh trên nhiều khía cạnh.
Chẳng hạn, Singapore nổi tiếng với Dự án Cooling Singapore giải quyết nguy cơ ngày càng tăng từ nắng nóng khắc nghiệt ở Singapore khi thành phố phát triển. Quốc gia này cũng đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng số. Đáng chú ý là dự án xây dựng bản sao kỹ thuật số cho toàn bộ đất nước hướng tới xây dựng thành phố thành đô thị thông minh từ nhiều năm nay.
“Bài học phát triển đô thị thông minh trên thế giới có rất nhiều. Đó không phải là việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, cao cấp nhất mà quan trọng nhất là việc lựa chọn xây dựng những mô hình thí điểm hiệu quả. Đô thị thông minh hãy bắt đầu từ khu phố thông minh như cách mà Indonesia đang làm với khu phố Cara Bay rất nổi tiếng”, GS Thính chia sẻ.
Cải thiện hạ tầng số bước đi quan trọng
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý chưa thuận lợi cho hợp tác công - tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các địa phương đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số. Hiện tại, dữ liệu vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là những rào cản khiến việc triển khai mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn chưa hiệu quả như kỳ vọng. Theo GS Thính, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, phát triển mạng băng rộng đặc biệt là công nghệ 5G có ý nghĩa lớn. Đây là yếu tố quan trọng để số hóa dữ liệu.
“Cần có những tiêu chuẩn về dữ liệu, một cơ chế trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan, tỉnh, thành phố bảo đảm nhanh chóng, thông suốt và chất lượng. Việc ra quyết định dựa trên phân tích và mô phỏng dữ liệu không những giúp tối ưu hóa các dịch vụ đô thị, giảm bớt tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm năng lượng mà còn giảm được rủi ro và tránh được vỡ quy hoạch”, GS Thính phân tích.
Cùng chung nhận định này, GS, TS Dietwald Gruehn, Đại học Kỹ thuật Dortmund cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải hướng tới nâng cao nhận thức trong việc ứng dụng đô thị thông minh. Mô hình này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giảm chi phí vận hành cho chính quyền trong quản lý đô thị, nâng cao và cải thiện trải nghiệm sống cho người dân, thúc đẩy phát triển xã hội.
“Việt Nam đang xây dựng rất nhanh các khu đô thị mới. Quá trình này cần được bảo đảm bởi các tiêu chuẩn về công trình xanh, kết nối cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông. Điều này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và dài hạn”, GS, TS Dietwald khuyến nghị.
Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều tính năng khác của đô thị thông minh, trong đó có việc cần đẩy mạnh mô hình chính quyền điện tử. Mô hình này bảo đảm cho người dân có thể tham gia tương tác và truy cập dữ liệu cập nhật, giúp giảm bớt thời gian phải đi lại giải quyết các thủ tục hành chính. Từ đó cũng giảm áp lực giao thông gây tắc nghẽn đường.
Theo bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024 của Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO), Hà Nội xếp thứ 88 và TP Hồ Chí Minh xếp thứ 101 trong tổng số 146 thành phố trên thế giới. Thứ hạng này cho thấy, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện bộ mặt đô thị theo hướng thông minh và hiệu quả.
Dự án “Đô thị thông minh - giải pháp phát triển đô thị bền vững” (SUA) trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến xuất khẩu môi trường của Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức.
Trường đại học Kỹ thuật Dortmund (Đức) cùng Tập đoàn WILO (Đức), Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM)... đã phối hợp triển khai dự án với mục tiêu là theo dõi và thử nghiệm khoa học các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng mới tại Việt Nam thông qua việc triển khai các công nghệ thông minh, phép đo cảm biến và sử dụng bản sao tòa nhà kỹ thuật số.