Số hóa định hình lại ngành ngân hàng

Các ngân hàng tiên phong như Techcombank, MB, TPBank và ACB đã thể hiện rõ sự vượt trội nhờ sự đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ. Techcombank là thí dụ điển hình, khi duy trì chỉ số CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) thấp nhất hệ thống dưới 30%, nhờ vào việc số hóa toàn diện quy trình phê duyệt, chăm sóc và xử lý giao dịch.
Nhiều ngân hàng đã tiên phong số hóa và đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để đem đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Nhiều ngân hàng đã tiên phong số hóa và đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để đem đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà là điều kiện cần thiết để các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.

Theo ông Michael Arenata, chuyên gia dịch vụ tài chính ngân hàng của Tập đoàn Amazon Web Services, từ năm 2025, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn đổi mới mạnh mẽ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc số hóa, phát triển tài chính toàn diện và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đây sẽ là cú huých lớn giúp các ngân hàng Việt Nam nắm bắt cơ hội, hướng tới tương lai đầy tiềm năng.

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Quyết định 810/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mục tiêu lớn đặt ra là đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn và 70% giao dịch khách hàng thực hiện qua các kênh số. Đây là cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy ngành ngân hàng tiến xa hơn trong kỷ nguyên số.

Bước chuyển mình này không chỉ mang lại những kết quả tích cực về mặt dịch vụ khách hàng mà còn giúp các ngân hàng gia tăng hiệu quả kinh doanh. Kênh ngân hàng số đã mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng mới, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Những tiện ích vượt trội mà ngân hàng số mang lại đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành tài chính. Hơn nữa, nhờ khả năng tối ưu hóa quy trình, các ngân hàng đã có thể gia tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho khách hàng, đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Chia sẻ về sự thành công trong việc áp dụng chuyển đổi số, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, cho biết: “Trong 5 năm qua, mỗi năm MB đã thu hút thêm 5-7 triệu khách hàng mới. Doanh thu từ chuyển đổi số của MB đã tăng gấp 3 lần so với trước”. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngân hàng số không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn tối ưu hóa hoạt động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Cùng với MB, nhiều ngân hàng khác như ABBank, TPBank, VIB, NCB, VPBank cũng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng khách hàng mạnh mẽ nhờ vào chuyển đổi số. Tại ABBank, 88% khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chuyển sang sử dụng nền tảng ngân hàng số mới. Sự chuyển mình này không chỉ nâng cao hiệu quả dịch vụ mà còn giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Điều này thể hiện rất rõ qua tổng mức đầu tư vào công nghệ của ngành ngân hàng trong 10 năm qua đã tăng gấp 5 lần, từ 6.300 tỷ đồng năm 2014 lên gần 32.000 tỷ đồng vào năm 2024. Sự gia tăng đầu tư này đã giúp chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) toàn ngành duy trì xu hướng giảm, phản ánh hiệu quả trong quản lý chi phí.

Các ngân hàng tiên phong như Techcombank, MB, TPBank và ACB đang có sự vượt trội nhờ đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình như phê duyệt tín dụng, định danh điện tử eKYC và tự động hóa quy trình đã rút ngắn thời gian xử lý khoản vay từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ. Thậm chí có ngân hàng 97% giao dịch khách hàng được thực hiện qua nền tảng số, đang giảm tải cho các kênh giao dịch truyền thống, đồng thời duy trì CIR ổn định ở mức 30-35%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành.

Lối ra của các ngân hàng yếu kém

Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các ngân hàng trong kỷ nguyên số. Nghiên cứu từ McKinsey & Company chỉ ra rằng, việc ứng dụng AI và big data trong quản trị tài chính có thể giúp các ngân hàng giảm đến 30% rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng phát hiện gian lận.

Các hệ thống ngân hàng số hiện đại có thể giám sát giao dịch trong thời gian thật, phát hiện ngay lập tức những dấu hiệu gian lận, điều mà trước đây nhiều ngân hàng, nhất là nhóm yếu kém không thể làm được do các lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát rủi ro.

Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hơn 60% giao dịch tài chính hiện nay đã được thực hiện qua ngân hàng số, điều này cho thấy các ngân hàng thiếu nền tảng số vững mạnh sẽ khó duy trì lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, với đối tượng khách hàng trẻ, nhóm chủ yếu sử dụng ngân hàng số, các ngân hàng cần nhanh chóng chuyển mình để giữ vững vị thế. Theo đó, việc chuyển đổi số được xem là lối ra cho các ngân hàng yếu kém, không chỉ giảm thiểu chi phí vận hành mà còn mở rộng thị trường một cách hiệu quả mà không cần gia tăng các chi phí truyền thống.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đối với các ngân hàng thương mại, phát triển ngân hàng số không chỉ là một chiến lược dài hạn mà là điều kiện tiên quyết để duy trì sự cạnh tranh. Ngân hàng số giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm chi phí nhân sự và vận hành, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các chi nhánh vật lý. Thay vì mở rộng điểm giao dịch, ngân hàng số giúp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ linh hoạt và tối ưu hiệu suất hoạt động.

“Chuyển đổi số không chỉ có ý nghĩa trong việc cải thiện hoạt động ngân hàng mà còn là cơ hội lớn để các ngân hàng yếu kém tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống bằng nền tảng công nghệ hiện đại”, ông Thịnh nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng tốc, sẽ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và Blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên internet, cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox.

Nhấn mạnh sự cấp thiết của chuyển đổi số, Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, đã khẳng định: "Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là lẽ sống còn". Đồng thời, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh quá trình "chuyển đổi kép", vừa số hóa, vừa phát triển tín dụng xanh, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà là điều kiện cần thiết để các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ tài chính và hành vi người tiêu dùng, ngành ngân hàng phải thích ứng nhanh chóng để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua cạnh tranh.