Dù khẳng định là chủ trương rất đúng đắn, song các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần hỗ trợ cụ thể cho hộ kinh doanh và có lộ trình triển khai phù hợp.
Số liệu từ Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến hết tháng 3, có hơn 1,97 triệu hộ và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán với mức nộp thuế khoán bình quân là hơn 672 nghìn đồng mỗi hộ/cá nhân. Trong khi đó, dù chỉ có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai, chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng số hộ nộp thuế nhưng mức thuế bình quân theo phương pháp kê khai đạt 4,6 triệu đồng/hộ, cá nhân/tháng.
Không phản ánh đúng năng lực tài chính và quy mô thực tế
Với mức chênh lệch gần bảy lần giữa hai hình thức, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc áp dụng mức thuế khoán không phản ánh đúng năng lực tài chính và quy mô thực tế của người nộp thuế. Trước đây, khi hạ tầng công nghệ thông tin và năng lực quản lý thuế quốc gia còn nhiều hạn chế, chính sách thuế khoán đã được áp dụng nhằm đơn giản hóa quy trình quản lý và thu thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ, vốn gặp khó khăn trong việc ghi chép sổ sách và kê khai thuế chi tiết.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như không khuyến khích minh bạch doanh thu, bởi hộ kinh doanh có thể khai thấp hơn doanh thu thực tế để giảm mức thuế khoán, gây khó khăn trong việc kiểm soát doanh thu dẫn đến thất thu ngân sách.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp. Nếu tiếp tục áp dụng hình thức thuế khoán thì chắc chắn các hộ kinh doanh sẽ không muốn chuyển lên doanh nghiệp vì chỉ phải đóng mức thuế thấp và thủ tục đơn giản. Vì vậy, việc yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán là một chủ trương đúng đắn.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu thực tế, có những cửa hàng thuốc hay phòng khám của tư nhân, spa,… có doanh thu lên đến 100 triệu đồng/tháng nhưng số thuế phải nộp ở mức rất thấp, từ 4-5 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy mức thuế khoán theo doanh thu kê khai là chưa chính xác.
Nguyên nhân là trước đây cơ quan thuế không đủ công cụ để nắm được doanh thu của hộ kinh doanh. Nếu yêu cầu hộ kinh doanh kê khai thì họ kê khai rất thấp, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn thuế khoán, cho nên bắt buộc phải áp dụng thuế khoán. Tuy vậy, hiện nay, với công nghệ hiện đại như máy tính tiền, hóa đơn điện tử... không có lý do gì để duy trì thuế khoán.
“Việc chuyển đổi sang các phương pháp quản lý dựa trên dữ liệu và giao dịch thực tế không chỉ bảo đảm sự công bằng giữa người nộp thuế, thúc đẩy các hộ kinh doanh minh bạch hóa hoạt động và tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chính thức, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, phù hợp xu thế phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số”, bà Cúc khẳng định.
Trước mắt, nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, tránh thất thu thuế, Chính phủ đã ban Nghị định 70/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Theo đó, từ ngày 1/6, cả nước sẽ có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu hơn một tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Giảm gánh nặng chi phí thực hiện
Dù đồng tình với việc xóa bỏ thuế khoán, song Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, phần lớn hộ kinh doanh của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, quen với kê khai thuế hằng tháng. Thí dụ, một hộ kinh doanh quen đóng 5-7 triệu đồng/tháng không phụ thuộc doanh thu, không cần tính đầu vào và đầu ra. Do đó, nếu áp dụng hệ thống thuế kê khai hoặc hóa đơn điện tử thì các hộ kinh doanh sẽ phải tìm hiểu lại hệ thống công nghệ trong lĩnh vực thuế.
Bên cạnh đó, trước đây, nhiều hộ kinh doanh lớn đóng thuế khoán rất nhỏ nhưng nay áp dụng thuế kê khai và hệ thống hóa đơn điện tử thì phải trả một số tiền rất lớn. Không chỉ vậy, họ cũng phải đầu tư trang thiết bị công nghệ. Còn các kinh doanh có doanh thu lớn thì sẽ phải thuê thêm bộ phận kế toán và áp dụng các phần mềm công nghệ mất tiền để tính toán đúng với thực tế. Đây chắc chắn là những lo lắng của các hộ kinh doanh hiện nay.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế theo từng lĩnh vực hoạt động, các cán bộ cơ quan thuế sẽ phải có các buổi tập huấn và giải thích để các hộ kinh doanh hiểu và áp dụng.
“Trong giai đoạn đầu, các hộ có thể có những sai sót. Cơ quan thuế không nên áp dụng hình thức xử phạt mà hướng dẫn, khuyến khích chuyển sang hình thức này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai nộp thuế mới. Cụ thể, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) thống nhất với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp thuế khoán và thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tuy vậy, để thực hiện điều này, đại biểu cho rằng Nhà nước không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê mua các nền tảng số, phần mềm kế toán để cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể mà cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng việc sử dụng các nền tảng số, phần mềm cho các hộ kinh doanh cá thể để có thể thực hiện kết nối liên thông, kê khai việc nộp thuế. "Để chuẩn bị cho việc kê khai nộp thuế không áp dụng hình thức khoán, tôi đề nghị cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và đề nghị lùi thời gian thực hiện sau ngày 1/7/2026".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn khi bỏ thuế khoán nhằm bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang cho thực hiện thí điểm kê khai nộp thuế tại một số địa bàn, thấy rằng chính sách này rất tốt, rất hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện, nhất là điều kiện về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất cũng như các quy định để chúng ta sớm triển khai.
Để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh. Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.
“Chính phủ cũng xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là hai triệu doanh nghiệp và đến 2045 là ba triệu doanh nghiệp, cũng như đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.