Trăm năm lừng danh Chợ Lớn

Danh từ Chợ Lớn xuất hiện từ thế kỷ thứ 17, theo nghĩa đen là một cái chợ lớn hơn những cái chợ khác trong khu vực. Theo quá trình lịch sử, Chợ Lớn từng là tên của tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn, đô thành Sài Gòn- Chợ Lớn. Và trung tâm huyện lỵ của tỉnh Chợ Lớn xưa, là vùng Trung Huyện. Hiện nay, địa danh phường Chợ Lớn là khu vực thuộc các phường trung tâm của Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Lớn hôm nay có vị trí thông thương thủy bộ rất quan trọng với Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh HOÀNG VIỆT TRUNG)
Chợ Lớn hôm nay có vị trí thông thương thủy bộ rất quan trọng với Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh HOÀNG VIỆT TRUNG)

Đồng chí Thanh Bình, Phó ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Bến Lức cho biết, Nhà Long Hiệp (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là nơi đồng chí Lê Quang Sung chủ trì Hội nghị thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn tháng 11/1930 và trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng không ngừng phát triển, nhiều cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn. Khi bị địch bắt, ông tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng bí mật ngay trong nhà tù.

Theo ghi chép, tỉnh Chợ Lớn xưa gồm một phần đất của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An hiện nay, gồm địa bàn các quận 5, 6, 8, 10, 11, Bình Tân, huyện Bình Chánh (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức (thuộc tỉnh Long An). Và trong tỉnh Chợ Lớn, còn có đơn vị cấp huyện, quận, đơn cử như là Trung Huyện, gồm toàn bộ huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức bây giờ. Không chỉ đánh giặc, nhân dân Chợ Lớn-Trung Huyện còn diệt giặc dốt, làm kinh tế để tạo kinh tài cho Nam Bộ và toàn quốc kháng chiến trường kỳ.

Theo hồi ức của ông Phan Văn Sít, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Trung Huyện, cuối tháng 11/1946, tại Căn cứ Vườn Thơm đã diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Hội nghị đã được nghe Trung ương Đảng chỉ thị cho Nam Bộ “phải kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh của quần chúng; bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng ở nông thôn, thành thị; đoàn kết tôn giáo. Ông Sít còn làm Trưởng Bình dân học vụ xóa mù chữ cho tá điền, dù năm đó ông chỉ mới học hết lớp nhất. Còn theo hồi ức của ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, trong tình thế căng thẳng, công tác phát triển và củng cố cơ sở Đảng vẫn được thực hiện tốt. Năm 1947, có 20 xã có chi bộ hoặc chi bộ ghép, để phát triển cơ sở, hầm bí mật được xây dựng cả trong vùng địch chiếm. Công tác phá tề, diệt tề đạt kết quả cao, nhiều ban hội tề bị giải tán hoặc buộc phải giải tán, nhiều tên tề ác bị trừng trị. Việc huy động vật chất trong dân cũng đạt kết quả lớn, riêng số nguyên liệu đồng đóng góp cho quân giới đã được hơn 20 tấn, trong đó có cả những mâm đồng, lư thờ... để chế tạo vũ khí.

Tại lần họp mặt truyền thống lần thứ 39, năm 2025 đồng chí Nguyễn Đô Lương, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chợ Lớn- Trung Huyện cho rằng, vì chỉ cách Sài Gòn khoảng 10 km đường chim bay, từ năm 1946, Huyện ủy Trung Huyện thuộc Tỉnh ủy Chợ Lớn đã xây dựng làng căn cứ đầu não kháng chiến của tỉnh Chợ Lớn. Đây còn là nơi đặt Trường Mác- Lênin đầu tiên của tỉnh. Còn theo đồng chí Nguyễn Đăng Minh Xuân, Bí thư Huyện ủy Bến Lức, do vị trí tiếp giáp Đồng Tháp Mười (là căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ lúc đó), Vườn Thơm trở thành “trạm” đón tiếp, trung chuyển. Từ tháng 5 đến tháng 9/1948, quân Pháp đã mở hai cuộc càn quét lớn vào đây, đến ngày 28/9/1948, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Văn Sĩ đã hy sinh cùng 87 cán bộ, chiến sĩ khác.

Những ngày đầu kháng chiến ở mảnh đất phương nam này không chỉ có đạn pháo, hy sinh mà còn có những cuộc tình rất thật, rất đẹp. Từ sự vun đắp của đồng chí Lê Văn Sĩ (trước lúc hy sinh), cô gái Ngô Thị Huệ đã nên duyên với chàng thanh niên Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta). Bà Huệ kể trong hồi ký: “Tháng 4/1947, tôi được triệu tập về dự Hội nghị cán bộ Thành ủy Sài Gòn (tổ chức tại Căn cứ Vườn Thơm thuộc Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn). Tại đây, anh Ba Duẩn (nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn) và anh Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nhắc nhở chúng tôi phải hết sức thông cảm với đồng bào “hồi cư” sau khi “tiêu thổ kháng chiến” vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng nhưng tuyệt đại đa số đều giữ trọng lòng yêu nước”. Theo bà Ngô Thị Huệ, sau đó một năm, đồng chí Nguyễn Văn Linh và bà nên duyên chồng vợ. Quà cưới là 100 trái gòn dùng để làm gối nằm tân hôn. Phòng hoa chúc cũng được bố trí trong căn cứ. Lễ cưới nơi bưng biền vô cùng hạnh phúc…

Mới đây, tại kỳ họp thứ 22 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố. Trong đó, phường Chợ Lớn hôm nay sẽ bao gồm các phường 11,12,13,14 của Quận 5. Phường có diện tích 1,67km2, có lẽ là phường có nhiều chợ nhất cả nước như: Chợ Đồng Khánh, Chợ Đại Quang Minh, Chợ Kim Biên, Chợ Tân Thành, Chợ Vật tư, Chợ Phùng Hưng, Chợ Hà Tôn Quyền, Chợ Vật liệu xây dựng, Chợ Xã Tây; là phường có mật độ bệnh viện dày nhất trong cả nước như: Chợ Rẫy, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Truyền máu huyết học, Răng hàm mặt Trung ương, Đại học Y dược, Công an Thành phố; là phường có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Hội quán Hải Nam, Hội quán Ôn Lăng, Đình Minh Hương, Hội quán Nghĩa Nhuận, Hội quán Lệ Châu, Hội quán Hà Chương, Hội quán Quỳnh Phủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ cho biết, sau nửa thế kỷ, khi cả nước chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Chợ Lớn hết sức tự hào có các đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận đạt danh hiệu “50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh” là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Hùng Vương và Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex. Với những dấu ấn vàng son về lịch sử, văn hóa, kinh tế, những người con vùng Chợ Lớn có thể yêu và tự hào vì mình đã sinh ra, lớn lên hoặc đã từng cư trú, từng học tập, công tác ở nơi này.