Ngăn ngừa sớm xung đột giữa voi rừng và người dân

Gần đây, đàn voi rừng thường xuyên xuất hiện tại khu dân cư ở Đồng Nai, phá hoại tài sản hoa màu, gây lo lắng cho người dân. Cơ quan chức năng địa phương đang tăng cường các biện pháp chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất xung đột giữa voi rừng và người.
0:00 / 0:00
0:00
Hơn một tháng trở lại đây, đàn voi rừng bảy con thường xuyên ra gần khu dân cư tại ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.
Hơn một tháng trở lại đây, đàn voi rừng bảy con thường xuyên ra gần khu dân cư tại ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.

Đầu tháng 5, trong lúc tìm kiếm thức ăn tại khu dân cư ở ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, một cá thể voi con đã chết khi chẳng may bị rơi xuống giếng. Sự việc đáng tiếc này một lần nữa cảnh báo vấn đề bảo vệ đàn voi rừng quý hiếm đang trở nên cấp thiết.

VOI RA KHU DÂN CƯ NGÀY CÀNG NHIỀU

Những ngày này, anh Võ Văn Ngầu Anh, khu Suối Tượng, ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu rất lo lắng khi đàn voi rừng thường xuyên ra khu dân cư. Đàn có khoảng 7 con hay lưu lại khá lâu vào ban đêm, tại khu vườn 1 ha của gia đình anh để tìm kiếm thức ăn. “Nhiều hôm tôi không dám ở lại trong chòi ban đêm vì sợ voi tấn công. Các loại cây chuẩn bị đến kỳ thu hoạch như mía, đu đủ, xoài gần như bị phá hoại hoàn toàn”, anh Ngầu Anh nói.

Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mã Đà cho biết: Từ đầu năm đến nay, đàn voi rừng nhiều lần xuất hiện ở khu dân cư ấp 4, ấp 5, gây thiệt hại cây trồng cho hàng chục hộ dân. Các trường hợp này đang được chính quyền lập hồ sơ kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu hỗ trợ. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã Mã Đà phối hợp cùng các ngành của huyện Vĩnh Cửu và Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai triển khai các biện pháp nhằm tránh xung đột giữa voi và người.

Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, đàn voi rừng từ 7 đến 8 con đã một số lần quật ngã cây đè lên hàng rào điện để di chuyển ra bên ngoài. Khi băng qua đường ĐT 761, đường Chiến khu Đ đến lâm phần Trạm kiểm lâm khu di tích Khu ủy, đàn voi đã làm hỏng 8 biển báo giao thông tại vị trí Km số 7, Km số 4, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, đàn voi này sinh sống ở khu bảo tồn và Vườn quốc gia Cát Tiên trong môi trường rừng liền mạch. Nhận định bước đầu cho rằng, đàn voi xuất hiện dày đặc do được bảo vệ tốt, mở rộng sinh cảnh; do thay đổi thời tiết vì năm nay mùa khô ở Đồng Nai mưa nhiều. Để bảo đảm an toàn cho người dân và đàn voi, khu bảo tồn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu tái thành lập đội phản ứng nhanh, ngay khi người dân phản ánh voi xuất hiện phải có mặt kịp thời xử lý. Về phía khu bảo tồn đang tiến hành rà soát, thống kê các giếng đào bỏ hoang để có phương án lấp lại, tránh lặp lại tình huống voi rơi xuống chết như vừa qua. Đồng thời, đào hố nước lớn để voi và các loài thú khác thuận lợi ra khu vực này uống. Hiện nay, nguồn nước ở hồ Bà Hào, chung quanh hồ Trị An thuộc phạm vi đất giao khoán cho người dân sản xuất, voi phải đi qua đây mới tiếp cận được nguồn nước: “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình di chuyển của đàn voi rừng và phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai khắc phục các sự cố xảy ra trên hàng rào điện nhằm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân”, ông Hảo cho biết.

Về sự việc một cá thể voi con bị rơi xuống giếng chết vào ngày 4/5, cơ quan chức năng Đồng Nai xác định đây là con voi đực, hơn 3 tuổi. Nguyên nhân voi chết do bị rơi xuống giếng nhỏ, sâu (rộng 1,8m, sâu 4m), cá thể voi con cố gắng leo lên dẫn đến mất sức. Trong khi đó, muốn cứu voi con, voi mẹ và 4 con voi còn lại trong đàn đạp đất rơi xuống giếng đè lên voi con làm ngạt thở, dẫn đến chết.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ

Chi cục trưởng Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh cho biết: Những năm qua, voi rừng ra khu dân cư nhiều lần ở các xã Mã Đà, Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu và xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, khiến hàng trăm hộ dân bị thiệt hại về tài sản, hoa màu. Năm 2023, một người dân ấp 3, xã Thanh Sơn bị voi rừng tấn công chấn thương nặng, một con bò bị quật chết. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ người dân bị voi rừng phá hoại hàng tỷ đồng để góp phần khôi phục sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, số lượng voi rừng sinh sống trên địa bàn ước khoảng 27 con (đứng thứ hai cả nước) và đang có xu hướng nhân lên về số lượng, nhiều voi con được sinh ra.

Để bảo vệ đàn voi rừng quý hiếm, tránh xung đột giữa voi và người dân sinh sống, canh tác ven rừng, từ năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi, giai đoạn 2014-2020. Đến nay, bốn mục tiêu của dự án đã đạt được, gồm: bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi.

Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 75 km hàng rào điện ngăn voi vào những khu vực có mặt người dân. Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, 108 lần voi rừng đạp đổ cột và quật cây vào tuyến hàng rào điện để đi ra ngoài.

Trước tình hình trên, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 và đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nói chung và voi rừng nói riêng đến người dân.