Phát huy vai trò kinh tế tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong hành trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trước những giới hạn hiện hữu về không gian, thể chế và dân số, thành phố đang cần một tầm nhìn phát triển mới mang tính bứt phá. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng không gian phát triển và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp thiết, gắn liền với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, trên nền tảng ấy, Thành phố Hồ Chí Minh khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có điều kiện hình thành vùng siêu đô thị tích hợp công nghiệp-tài chính-cảng biển-đổi mới sáng tạo. Trong cấu trúc phát triển đó, kinh tế tư nhân không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực, mà còn là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 280.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp khoảng 70% GRDP và gần 55% tổng thu ngân sách. Bình Dương với hơn 65.000 doanh nghiệp, là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ công nghiệp hóa-đô thị hóa, với gần 80% GRDP đến từ khu vực tư nhân. Bà Rịa-Vũng Tàu mặc dù có quy mô dân số nhỏ nhưng cũng sở hữu gần 17.000 doanh nghiệp, chiếm hơn 60% GRDP, đặc biệt trong các lĩnh vực cảng biển, logistics, dịch vụ dầu khí. Tổng cộng, ba địa phương quy tụ gần 370.000 doanh nghiệp tư nhân, tương đương 45% cả nước, tạo hàng triệu việc làm và đóng góp gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng phía nam.

Tuy nhiên, số lượng lớn chưa phản ánh được chất lượng và chiều sâu phát triển. Phần lớn doanh nghiệp vẫn thuộc nhóm nhỏ, siêu nhỏ; vốn mỏng; năng lực quản trị và công nghệ hạn chế. Theo thống kê, hơn 94% số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt chuẩn xuất khẩu còn thấp. Đây cũng chính là những điểm nghẽn được Trung ương chỉ rõ trong Nghị quyết số 68.

Để tháo gỡ những hạn chế nêu trên, cần có một chiến lược phát triển vùng mang tính hệ thống, trong đó vai trò điều phối thể chế và chính sách giữa các địa phương đóng vai trò quyết định. Mỗi tỉnh, thành phố có lợi thế riêng: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, nhân lực chất lượng cao; Bình Dương là “công xưởng” sản xuất; Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm cuối xuất khẩu với cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Việc liên kết chặt chẽ ba cực phát triển này sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu-sản xuất-logistics-tiêu thụ quốc tế, với kinh tế tư nhân là trung tâm.

Trên tinh thần “cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện thể chế”, cần sớm thành lập cơ chế điều phối vùng đặc thù; điều phối chính sách thuế, đầu tư, tín dụng và hạ tầng; đơn cử như việc các doanh nghiệp hoạt động xuyên địa bàn Thủ Đức-Dĩ An-Tân Thành được tiếp cận cơ chế thuế liên thông, thủ tục đầu tư một cửa, ưu tiên tiếp cận đất đai và tín dụng thống nhất.

Hạ tầng logistics kết nối vùng cũng là yếu tố sống còn. Các tuyến vành đai 3, 4, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cùng hệ thống đường thủy, đường sắt vùng Đông Nam Bộ cần được đẩy nhanh triển khai. Cùng với đó là việc quy hoạch các khu công nghiệp vệ tinh với hạ tầng sẵn sàng, cơ chế thuê linh hoạt, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia chuỗi giá trị. Một “trục công nghiệp-logistics-cảng biển” nối Thành phố Hồ Chí Minh-Cái Mép sẽ là xương sống kinh tế tư nhân vùng.

Cần đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp địa phương quy mô lớn. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng chỉ chiếm dưới 5%. Thiếu vắng doanh nghiệp dẫn dắt khiến chuỗi ngành thiếu liên kết chiều sâu, thiếu môi trường học hỏi. Việc thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp vùng Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đối ứng và xã hội hóa sẽ là giải pháp thiết thực để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và logistics xuyên biên giới.

Từ góc độ chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, hai địa phương còn lại vẫn còn dư địa lớn. Việc hình thành các trung tâm chuyển đổi số tại khu công nghiệp, gắn kết trường đại học và hạ tầng số, sẽ tạo môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, fintech, dịch vụ số xuyên biên giới.

Một hướng đi quan trọng khác là chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 500.000 hộ kinh doanh nhưng tỷ lệ chuyển đổi hằng năm chỉ đạt khoảng 1,5%. Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cũng trong tình trạng tương tự. Để khuyến khích chuyển đổi, cần hoàn thiện pháp lý, giảm thuế trong 2-3 năm đầu, hỗ trợ tín dụng vi mô, đào tạo quản trị và pháp lý. Mỗi hộ kinh doanh, nếu được “ươm mầm” đúng cách, sẽ là lực lượng kế cận cho nền kinh tế tư nhân.

Quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy phát triển. Không thể trông chờ vào đầu tư công hay doanh nghiệp nhà nước để xây dựng một siêu đô thị tích hợp hiện đại. Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, khu vực tư nhân là động lực linh hoạt và hiệu quả nhất. Khi không gian phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng, thì vai trò, quyền năng và cơ hội của kinh tế tư nhân cũng cần được mở rộng tương xứng. Phải tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, nơi doanh nghiệp tư nhân được cạnh tranh sòng phẳng trong tiếp cận đất đai, tín dụng, thông tin và cơ hội kinh doanh.

Khát vọng lớn không thể thực hiện bằng tư duy cũ và giải pháp ngắn hạn. Muốn xây dựng một “tam giác tăng trưởng” hội tụ sức mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, phải có một chiến lược phát triển dài hơi, với trục xoay là doanh nghiệp tư nhân địa phương, những doanh nghiệp có tầm nhìn, làm chủ công nghệ, tuân thủ pháp luật và sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò của Nhà nước không phải là làm thay doanh nghiệp, mà là tạo điều kiện để họ phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Vùng Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế sáng tạo-công nghiệp-dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á. Điều cần lúc này là một cú huých chính sách đủ mạnh, một tầm nhìn hành động đủ xa và một niềm tin đủ lớn vào sức bật của doanh nghiệp tư nhân. Khi đó, siêu đô thị vùng sẽ không chỉ là một viễn cảnh, mà sẽ hiện hữu như một biểu tượng mới của phát triển tự chủ và bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.