Lan tỏa phong trào sáng tạo trong công nhân, người lao động ở Bình Dương

Tại tỉnh Bình Dương, ngày càng lan tỏa nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất với nhiều giải pháp, sáng kiến, sáng tạo giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc này vừa giúp làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ của công nhân, lao động Việt Nam trong hội nhập và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu dương, khen thưởng công nhân, lao động có sáng kiến, sáng tạo tại tỉnh Bình Dương.
Biểu dương, khen thưởng công nhân, lao động có sáng kiến, sáng tạo tại tỉnh Bình Dương.

NHỮNG SÁNG TẠO LÀM LỢI TIỀN TỶ

Là công nhân vận hành làm việc gần bốn năm tại Công ty TNHH Tombow Việt Nam ở Bình Dương, mới đây anh Trịnh Hoài Ân (sinh năm 2001) đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật với đề án “Tiết giảm chi phí linh kiện máy đóng gói gôm trong lao động”. Trước cải tiến, dây belt hút Sleeve của máy đóng gói đặt hàng từ Nhật Bản được sử dụng dây bố để kết nối lại với nhau. Khi sử dụng khoảng ba tháng thì hiện tượng dây bố bị giãn ra làm các kết cấu của dây bị đứt, không còn sử dụng được. Chi phí dây belt hút Sleeve của một máy là 684 USD và thay bốn lần mỗi năm, với 15 máy tại công ty thì mỗi năm chi phí 41.040 USD. Với sáng kiến của Trịnh Hoài Ân, dây belt hút Sleeve được gia công tại Việt Nam sử dụng bằng dây kẽm để kết nối lại với nhau. Dây sử dụng được năm tháng vẫn chưa xảy ra hiện tượng giãn hay đứt gãy. Hơn nữa chi phí gia công tại Việt Nam chỉ 120 USD, nếu thay bốn lần cho 15 máy mỗi năm chỉ 7.200 USD. Sáng kiến của Trịnh Hoài Ân giúp công ty tiết kiệm được 33.840 USD/năm, tương đương hơn 864 triệu đồng, chưa kể thời gian sử dụng lâu hơn.

Là kỹ sư làm việc 10 năm tại Công ty TNHH East West Industries Việt Nam, chị Nguyễn Thị Kim Huỳnh (sinh năm 1995) đã sáng tạo đề án “Giảm mẫu kiểm tra đối với vật tư đầu vào”. Trước cải tiến, công ty áp dụng kiểm tra nguyên liệu nhập vào cùng mức độ số mẫu kiểm cho toàn bộ vật tư đầu vào không phân loại vật tư đơn giản hay phức tạp. Sau cải tiến, số lượng mã vật tư được áp dụng giảm 22,5% trong tổng số mã vật tư nhập vào. Việc giảm mẫu kiểm đã tiết kiệm đáng kể thời gian làm việc giúp công ty tiết kiệm chi phí nhân công. Trong ba năm từ 2022 đến 2024, chị Huỳnh giúp công ty tiết kiệm 2,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giảm mẫu kiểm đối với những vật tư có chất lượng ổn định, giúp nhóm kiểm tra vật tư đầu vào tập trung thời gian và nguồn lực vào những vật tư phức tạp có nguy cơ lỗi cao, giúp bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm của công ty, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân lao động tại Bình Dương có sức lan tỏa, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút nhiều đoàn viên công đoàn ở các doanh nghiệp tham gia. Cụ thể như tại Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam, anh Đinh Sum (sinh năm 1990) sáng tạo với đề án “Làm kệ nâng, cấp liệu tự động tăng UPH chuyền tổng lắp ráp mô-tơ hút bụi”. Phương án cải thiện theo đề án là thiết kế kệ để hàng chờ sản xuất với cơ chế cảm biến tự động nâng, cấp liệu giúp người phát liệu thao tác dễ dàng và giảm thời gian thao tác, làm lợi cho doanh nghiệp gần 14 tỷ đồng/năm. Anh Trần Phước Huy (sinh năm 1995) có đề án “Cải thiện tăng hiệu suất dập nắp chụp gió chuyền tổng lắp ráp mô-tơ máy hút bụi” giúp công nhân thao tác nhanh, tăng sản phẩm, làm lợi cho công ty gần 12 tỷ đồng/năm. Nhân viên thiết bị Phạm Tấn Tài (sinh năm 1998) có đề án “Cải thiện lắp biến tần giảm lượng điện năng tiêu thụ trên máy dập OCP”, giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ làm lợi cho doanh nghiệp hơn 537 triệu đồng/năm. Anh Đặng Ngọc Khoa (sinh năm 1989) có sáng kiến với đề án “Cải thiện tăng hiệu suất linh kiện nắp trên chuyền tráng men” giúp giảm chi phí nhân công và chi phí điện năng tiêu thụ hơn 1,5 tỷ đồng/năm…

PHÁT HUY TINH THẦN SÁNG TẠO CỦA CÔNG NHÂN

Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động đang ngày đêm miệt mài góp sức trên những công trường, nhà xưởng. Chỉ riêng năm 2024 đã có hơn 3.200 sáng kiến của công nhân, người lao động giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 400 tỷ đồng. Nhưng giá trị lớn nhất không phải nằm ở những con số, mà là ở niềm tin rằng người lao động tại Bình Dương không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ và không hề e ngại AI. Đây còn là sự khẳng định, trong kỷ nguyên này, công nhân không chỉ cần đôi tay khéo léo, mà còn cần trí tuệ số hóa, ý chí thích nghi và bản lĩnh, khát vọng vươn lên làm chủ.

Chia sẻ về sáng kiến, sáng tạo của công nhân lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phạm Trọng Nhân cho biết: Trong thời đại hội nhập sâu rộng, giá trị Việt Nam không chỉ nằm ở hàng hóa hay vật trang trí ngoài thân, mà nằm ở tinh thần biết vươn lên, biết học hỏi, biết đổi mới và biết ước mơ. Với đức tính cần cù, chịu khó, nghiên cứu, sáng tạo đã luôn nằm trong huyết quản của mỗi công nhân, tinh thần “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” sẽ tiếp tục lan tỏa để Bình Dương không chỉ là vùng công nghiệp trọng điểm, mà còn là cái nôi của sáng kiến, là nơi khơi dậy khát vọng vươn lên không ngừng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đánh giá cao lực lượng công nhân cần cù, sáng tạo góp phần đưa địa phương vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bùi Thanh Nhân cho rằng: “Những năm qua, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã và đang thấm sâu vào từng phân xưởng, nhà máy, trở thành động lực để công nhân thể hiện năng lực, cống hiến tài năng. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ công nhân lao động trực tiếp đã giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát huy trí tuệ của người lao động càng trở nên cấp thiết”.

Nhằm tạo thuận lợi cho phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng lan tỏa, đi sâu và phát huy hiệu quả thiết thực, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bùi Thanh Nhân đề nghị các cấp Công đoàn cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sáng kiến, sáng tạo trong thời đại công nghệ số. Cần xác định đây không chỉ là phong trào thi đua mà là yêu cầu thực tế trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cần chú trọng đổi mới phương thức tổ chức phong trào thi đua, sát với thực tiễn từng ngành, từng doanh nghiệp, tạo điều kiện để mọi người lao động đều có thể tham gia, đóng góp sáng kiến và được hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tăng cường phối hợp giữa công đoàn và doanh nghiệp để xây dựng môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp và sáng tạo… Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phong trào thi đua sáng tạo phát triển bền vững; đồng thời hỗ trợ tổ chức Công đoàn phát hiện, kết nối, đào tạo và tôn vinh các gương sáng kiến tiêu biểu.