Nghi lễ tôn giáo thể hiện khát vọng hòa bình

Du lịch Tây Ninh đã “hưởng lợi” từ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2025 khi hàng nghìn đại biểu và hàng triệu du khách, Phật tử thập phương đã hành hương về núi Bà Đen để tham dự loạt nghi lễ thiêng liêng trong khuôn khổ đại lễ… Đây không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là sự kiện văn hóa mang đậm tính nhân văn, thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam và Phật tử trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo Phật tử gần xa hành hương về núi Bà Đen tham dự các nghi thức trong đại lễ Vesak 2025.
Đông đảo Phật tử gần xa hành hương về núi Bà Đen tham dự các nghi thức trong đại lễ Vesak 2025.

Di chuyển theo đoàn đại biểu Vesak 2025, xuất phát từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh về núi Bà Đen, du khách thập phương đã choáng ngợp và bái phục khi hơn 1.200 đại biểu quốc tế đến từ Ấn Độ, Bhutan, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Anh, Mỹ, Thái Lan…, cùng hơn 800 đại biểu trong nước đã rất tôn kính, trang nghiêm thực hiện nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật di chuyển 100 km. Suốt dọc quốc lộ, các Phật tử đứng kín hai bên đường, tất cả mọi người đều rất trật tự và trong tư thế vái lạy trang nghiêm làm cho sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng GS, TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) cùng các chư vị tăng thống, tăng vương, các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ;… rất hài lòng và hoan hỷ.

Đầu giờ chiều 8/5, xá lợi Đức Phật được ICDV cùng đại diện chính quyền tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cung rước long trọng đến núi Bà Đen. Theo thông báo, xá lợi Đức Phật là quốc bảo của Ấn Độ và được Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ chấp thuận thỉnh đến Việt Nam với các nguyên tắc an ninh, lễ nghi quan trọng thông qua con đường ngoại giao cấp Chính phủ. Và tại đỉnh núi cao nhất Nam Bộ, xá lợi Phật được tôn trí để Phật tử và công chúng chiêm bái, đảnh lễ bảo vật Phật giáo thế giới và đón nhận hồng ân của Đức Phật.

Chia sẻ tại sự kiện, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “Tây Ninh là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, trong đó núi Bà Đen là điểm đến tâm linh hàng đầu tại Nam Bộ và là trung tâm Phật giáo quan trọng đối với đời sống tín ngưỡng của nhân dân nơi đây. Việc tôn trí xá lợi Đức Phật không chỉ tạo cơ hội cho người dân được đón nhận phước lành từ cái nôi của Phật giáo thế giới, mà với tỉnh Tây Ninh, đây là một sự kiện ngoại giao văn hóa trọng thị có ý nghĩa rất lớn, góp phần lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết giữa các quốc gia; đóng góp quan trọng cho văn hóa và du lịch Việt Nam trong đó có Tây Ninh”.

Còn theo Hòa thượng Maha Veth Masaenai, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Phật giáo Lào, niềm hoan hỷ khi được chiêm ngưỡng xá lợi Đức Phật tại núi Bà Đen đối với phái đoàn của chư tôn nước Lào là niềm vinh dự lớn lao. Bởi sự kiện cung nghinh xá lợi Đức Thế tôn là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong lòng những người con Phật tử, được chiêm ngưỡng chính một phần thân thể của ngài, được mang lại phần phước rất lớn cho cuộc đời mình. Vì Đức Phật đã hiện hữu cách đây hơn 2.000 năm, mà đến bây giờ xá lợi của ngài vẫn còn được cung nghinh về Việt Nam và cho nhân dân Việt Nam được chiêm bái, mang lại phước lành để phát triển chính trị, kinh tế bền vững”.

Thay mặt cho Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, bà Nguyễn Lâm Nhi Thùy, Phó Tổng Giám đốc Sun Group vùng miền nam cho biết: “Sự kiện tôn giáo trọng đại này là một phước duyên lớn lao đối với Phật tử, nhân dân Tây Ninh nói chung và khu du lịch nói riêng. Đại lễ không chỉ là ngày hội thiêng liêng của Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là dịp để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất Tây Ninh, nơi có ngọn núi Bà Đen linh thiêng, một điểm hành hương tâm linh tiêu biểu của người Việt”.

Sau nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật, lễ trồng 108 cây bồ đề được cử hành trên đỉnh núi Bà Đen bởi các cao tăng và lãnh đạo của các phái đoàn Phật giáo trên thế giới. Đây là vườn bồ đề đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam, mỗi cây được đánh số gắn liền với tên một quốc gia tham dự đại lễ Vesak 2025. Trong văn hóa Phật giáo, cây bồ đề chính là loài cây Pippala linh thiêng của người Ấn Độ. Dưới bóng cây ấy, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha tại khu rừng Uruvela bên bờ sông Ni-liên-thuyền, Đức Phật đã thành đạo. Và tại Tây Ninh năm 2025, 108 cây bồ đề thỉnh từ Ấn Độ được trang trọng trồng xuống, là sứ giả của hòa bình, trí tuệ và tỉnh thức, kết nối các quốc gia; là dấu ấn linh thiêng và di sản quý báu gửi gắm cho các thế hệ mai sau. Chứng kiến sự kiện, Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đang xảy ra xung đột và con người còn nhiều khổ đau. 108 cây bồ đề được những vị cao tăng, những vị lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới vun trồng với lòng hiếu kính. Do đó, 108 cây như đại diện cho ước nguyện mọi người phải cùng thương yêu lấy nhau, hãy bảo vệ lấy nhau và hãy xây dựng hạnh phúc bằng từ bi và trí tuệ”.