“Tái sinh” đồ chơi nhựa cũ, nhắc bảo vệ môi trường

Sau 3 tuần khai mạc, triển lãm sắp đặt “Kỷ nguyên nhựa” (Plastic Dinoland) ở Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn thu hút rất đông khách tham quan mọi lứa tuổi. Dịp cuối tuần, từng hàng dài khách xếp hàng trật tự và kiên nhẫn chờ xem các tác phẩm làm từ… rác.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em hào hứng tương tác với đồ chơi cũ tại triển lãm.
Trẻ em hào hứng tương tác với đồ chơi cũ tại triển lãm.

1/Tác giả triển lãm là nghệ sĩ người Nhật nổi tiếng quốc tế Fuji Hiroshi, từng sáng tạo với vật liệu tái chế từ năm 1997 và có nhiều tác phẩm trưng bày gây tiếng vang ở Nhật Bản, Australia, Thailand… Ông hiện là Giáo sư Nghệ thuật liên ngành, Đại học Nghệ thuật Akita, Chủ tịch của Trung tâm Nghệ thuật Akita và Giám đốc điều hành của fujistudio.

Triển lãm “Kỷ nguyên nhựa” gồm không gian trong phòng kín và ngoài trời, với những cụm mô hình khủng long và các loài động vật khổng lồ, những cánh cổng, chuông gió… được ghép từ hàng vạn mảnh đồ chơi nhiều mầu sắc, kiểu dáng. Tất cả là đồ chơi cũ được thu thập chủ yếu từ Nhật Bản. Nhiều mảnh ghép là nhân vật truyện tranh và hoạt hình là biểu tượng trong văn hóa đại chúng xứ Phù Tang đã phổ biến khắp thế giới như Doraemon, Pikachu, Pokemon, Hello Kitty. Số khác là những đồ chơi quen thuộc của tuổi thơ như búp bê, xe hơi, máy bay, bộ đồ dùng đầu bếp, bác sĩ… và tất cả đều làm bằng nhựa. Triển lãm còn chinh phục công chúng với độ tỉ mỉ, chính xác rất cao ở từng chi tiết ráp nối, tạo hình.

2/Khi biến đồ chơi tưởng như vô dụng thành tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ đã gửi một thông điệp trực tiếp và sâu sắc về thực trạng của chủ nghĩa tiêu dùng và hệ luỵ đến môi trường. Có mặt tại triển lãm để giao lưu, tác giả Fuji Hiroshi cho biết, ông cùng vợ mình đã sáng lập và vận hành dự án trao đổi đồ chơi với tên gọi Kaekko Bazaar tại Nhật, tiếp nhận khoảng 50 nghìn đồ chơi đã qua sử dụng. Ban đầu, mục đích của họ là giảm số lượng rác thải nhựa xả bừa bãi ra môi trường, nhưng sau đó nghệ sĩ nhận thấy mình cần làm gì đó ý nghĩa hơn, để nhiều người có thể nhận thức vấn đề rác thải nhựa và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau cùng chung tay bảo vệ hành tinh này. “Lượng rác thải khổng lồ mà chúng ta tạo ra vẫn luôn tồn tại, chỉ là khuất khỏi tầm mắt. Qua tác phẩm của mình, tôi muốn khiến vấn đề “vô hình” này trở nên to lớn đến mức không thể phớt lờ - để người xem phải dừng lại và suy ngẫm”, nghệ sĩ Fuji Hiroshi nhấn mạnh. Ông chọn thể hiện hình ảnh những loài khủng long bởi sinh vật cổ đại này dễ gây ấn tượng và được nhiều trẻ em quan tâm, thích thú. Mặt khác, chất liệu phổ biến để sản xuất đồ chơi là nhựa, có mối liên hệ chặt chẽ với nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ thời tiền sử - bao gồm cả khủng long, làm nổi bật tính chất tuần hoàn của tiêu thụ và lãng phí.

Qua đây, trẻ em tuy chưa thể ý thức rõ những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường, nhưng ít nhất các em cũng cảm nhận được “vẻ đẹp” của đồ chơi đã bỏ đi và chú ý hơn đến việc giữ gìn, tái sử dụng, tái chế, quyên góp… hay nói chung là mọi hình thức kéo dài vòng đời của đồ chơi nhựa. Còn với người lớn, triển lãm khuyến khích họ quan tâm, cân nhắc hơn mức độ sử dụng nhựa trong đời sống hằng ngày.

Phòng trưng bày mô hình khủng long giới hạn 15 khách tham quan mỗi lượt, tối đa 5 phút. Bên cạnh đó là một khu vực trải nghiệm mở, nơi các vị khách nhí có thể tương tác trực tiếp với đồ chơi nhựa, tự tưởng tượng và lắp ghép các mảnh nhựa thành tác phẩm mới. Sự kiện cũng bao gồm hoạt động trao đổi đồ chơi, đố vui có thưởng… sôi động và hấp dẫn, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em và các gia đình. Triển lãm mở cửa miễn phí từ 9 giờ đến 18 giờ hằng ngày đến hết ngày 1/6.

Đến xem triển lãm, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, các tác phẩm tại triển lãm là một hình thức nghệ thuật đương đại đầy sáng tạo, tiếp cận được đại đa số công chúng bởi sự thân thuộc, gần gũi từ chất liệu được sử dụng.