Những ai từng gặp cụ Hữu Ngọc sẽ không quên được phong thái ấy: ung dung, tinh tế, từ tốn và luôn biết lắng nghe. Một con người văn hóa đúng nghĩa, không ồn ào, không hô hào khẩu hiệu, mà lặng lẽ gieo mầm bằng trang sách, từng cuộc đối thoại, từng cuộc đời gắn bó với con chữ và sứ mệnh “xuất nhập khẩu văn hóa”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc, quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, sinh ngày 22/12/1918 tại phố Hàng Gai, Hà Nội, là một nhà trí thức lớn, trọn đời nghiên cứu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu về văn hóa của cụ có thể kể đến là “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp,” “Mảnh trời Bắc Âu,” “Văn hóa Thụy Điển,” “Hồ sơ văn hóa Mỹ,” “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, “Khám phá văn hóa Việt Nam”...
Tôi nhớ rõ buổi sáng đầu xuân ấy, khi chúng tôi đến thăm cụ. Trong cái se lạnh đặc trưng của tiết trời Hà Nội sau Tết, cụ Hữu Ngọc, lúc ấy đã 105 tuổi, vẫn minh mẫn một cách kỳ lạ. Cụ đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, ánh mắt sáng và giọng nói vững vàng, không một chút mỏi mệt. “Lên đây, lên đây các cháu”, cụ mời, rồi cụ đưa tay cầm cuốn sách “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, lật trang đầu, ký tên bằng nét chữ nắn nót, chậm rãi. “Mến tặng bạn trẻ…”, cụ viết, rồi khẽ mỉm cười.
Buổi đầu xuân ấy, giữa ánh sáng sớm tràn qua khung cửa, cụ say sưa kể chuyện, giọng chậm rãi nhưng đầy hào hứng như thể những năm tháng ấy vẫn còn rất gần. Những trang sách hiện về qua lời cụ kể: từ “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, đến “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, “Đồng hành cùng thế kỷ lịch sử - văn hóa Việt Nam”… Những tác phẩm ấy không chỉ là những nghiên cứu công phu mà còn là biểu tượng của tinh thần đối thoại, của tấm lòng rộng mở và cái nhìn vượt lên trên hận thù.
Tôi nhìn vào mắt cụ. Và kỳ lạ thay, tôi thấy hình như trong ánh mắt ấy có một chút long lanh, như giọt nước mắt chưa kịp rơi. Là giọt lệ của một người từng đi qua những tháng năm bom đạn, từng mất mát, từng chứng kiến bao chia lìa, mà vẫn giữ được một niềm tin vẹn nguyên vào con người, vào tình hữu nghị, vào văn hóa như chiếc cầu vĩnh cửu nối liền các bờ xa cách. Hôm đó cụ “khoe” nhà xuất bản lại sắp in thêm một bộ mang tên “Ngẫm chuyện xưa nay”. Ở tuổi mà nhiều người đã khép lại mọi thứ, cụ vẫn mở ra, vẫn tiếp tục viết, vẫn tiếp tục yêu con chữ như yêu chính cuộc đời mình.
Tôi nhớ ánh mắt cụ nhìn về phía cửa sổ sáng hôm ấy, nơi nắng tràn vào như những mảnh ghép ký ức. Chia tay hôm ấy, cụ chúc chúng tôi: “Chúc các cháu một năm nhiều may mắn, vì may mắn cũng là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người. Nhưng để gặp may, cũng phải cố gắng nhiều”.
Ở đâu đó giữa tầng không, cụ vẫn ngồi bên chiếc bàn gỗ, vẫn viết, vẫn đọc, vẫn nghĩ suy về những mối quan hệ giữa con người và con người, giữa quốc gia và quốc gia.