Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Cách người trẻ kể câu chuyện văn hóa

Trong thời đại internet toàn cầu, khi một cú click chuột có thể đưa người ta vượt qua các đường biên giới, quốc gia nào biết kể chuyện hay sẽ chinh phục được khán giả thế giới. Đó là một cuộc chạy tiếp sức “sức mạnh mềm” bằng ngôn từ, hình ảnh, biểu tượng để tạo nên thứ được gọi là “câu chuyện quốc gia” (national narrative). Và kể chuyện cũng là một cách để xây dựng thương hiệu quốc gia - một khái niệm tưởng chừng dành cho marketing, nhưng lại là yếu tố cốt lõi để một nước cạnh tranh trên thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Các bảo vật, hiện vật quý của đất nước là những gợi ý hay cho sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật của thế hệ mới hôm nay. Ảnh: HOÀNG HOA
Các bảo vật, hiện vật quý của đất nước là những gợi ý hay cho sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật của thế hệ mới hôm nay. Ảnh: HOÀNG HOA

Tự sự của những cường quốc hấp dẫn cả thế giới

Trên thế giới có nhiều trường hợp điển hình về câu chuyện quốc gia thành công rực rỡ. Đó là nước Mỹ với nghệ thuật kể chuyện bậc thầy đã đem “Giấc mơ Mỹ” lan truyền rộng rãi, khiến người dân ở bất cứ đâu cũng cảm nhận được sự gần gũi: Tự do, cơ hội, cá nhân tỏa sáng. Nước Mỹ như một “miền đất hứa”, nơi mọi người đều có cơ hội đổi đời nếu nỗ lực. Hollywood, giải Oscar, âm nhạc đại chúng, McDonald’s, Apple, Silicon Valley…, tất cả là những chương của một câu chuyện lớn American Dream. Câu chuyện xuyên suốt ở đây là bất kể bạn là ai, từ đâu đến, nếu nỗ lực bạn sẽ thành công. Họ bán không chỉ sản phẩm mà bán giá trị sống, khiến thế giới yêu thích và học theo. Họ xuất khẩu câu chuyện này như một lối sống, khiến người ta tin rằng, cái gì từ Mỹ là đỉnh, là cool, là hiện đại. Chính vì thế mà văn hóa Mỹ len vào đời sống toàn cầu.

Đó còn là Trung Quốc với “Giấc mộng Trung Hoa” - phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Quốc, tiến vào trung tâm của vũ đài thế giới. Trung Quốc kể câu chuyện của một một siêu cường đang trỗi dậy. Họ lồng vào đó niềm kiêu hãnh của một nền văn hóa hơn 5.000 năm với nhiều thành tựu rực rỡ qua các thời kỳ khác nhau, khẳng định tính liên tục lịch sử và truyền đi thông điệp rằng, Trung Quốc đang trên hành trình trở về vị trí vốn thuộc về mình. Từ sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) đến phim ảnh cổ trang, từ nghệ thuật cổ truyền đến khẩu hiệu “Trung Hoa mộng”, họ đang kể một đại tự sự vừa hiện đại, vừa hoài cổ, vừa nhân bản, vừa quyết đoán.

Liên minh châu Âu (EU) với sự hội nhập của 27 nước thành viên luôn đề cao phương châm “Thống nhất trong đa dạng”, biến sự phức tạp của quá trình hội nhập những bản sắc riêng thành một lợi thế đa văn hóa trên một nền tảng bản sắc chung (shared identity). Họ kể chuyện bằng di sản, bằng đa văn hóa, bằng những sáng kiến kết nối vượt qua biên giới của khối. Đó là sáng kiến “Thủ đô văn hóa châu Âu”, nơi tôn vinh những giá trị và di sản văn hóa riêng và chung, là chương trình giáo dục như Erasmus và Erasmus+, chương trình hỗ trợ công nghiệp văn hóa và sáng tạo Creative Europe… Chiến lược của EU mềm hóa hình ảnh một khối phức tạp thành một không gian chia sẻ giá trị: Hòa bình, dân chủ, nhân quyền, sáng tạo... Một bản sắc châu Âu chung được kiến tạo nên trong thời hiện đại như là chất kết dính cho dự án chính trị châu Âu. Do vậy, câu chuyện của một EU thống nhất trong đa dạng được kể kỹ, kể dài và có tầng lớp.

Cũng có thể nhắc đến Vương quốc Anh với niềm kiêu hãnh “Xứ sở mặt trời không bao giờ lặn” và bản sắc Anh quốc thời hiện đại. Việc rời khỏi EU (Brexit) có làm suy giảm vị thế của nước này, do vậy Anh quốc đang đẩy mạnh câu chuyện đáng ngưỡng mộ của mình. Quý tộc, học thuật, sáng tạo, Hoàng gia, Oxford, Cambridge, ban nhạc Beatles… tất cả đều là sản phẩm của một Vương quốc Anh như một “biểu tượng văn hóa”. Với Brexit, Anh nỗ lực làm mới câu chuyện quốc gia: Từ “một phần của châu Âu”, nước Anh độc lập định hướng trở thành một trung tâm hàng đầu về công nghệ và sáng tạo.

Gần gũi hơn và thật sự ấn tượng, đó là Hàn Quốc. Quốc gia này đã đem lại cho thế giới một câu chuyện rung động về sự vươn lên mạnh mẽ. BTS, Blackpink không chỉ là những nhóm nhạc thần tượng mà đã trở thành biểu tượng cho một quốc gia từng nghèo khổ, vươn lên nhờ giáo dục, ý chí và công nghệ. Phim và MV ca nhạc Hàn Quốc đậm đặc yếu tố văn hóa, đó là kiến trúc nhà truyền thống (Hanok), trang phục truyền thống (Hanbok), món ăn dân dã kim chi, tín ngưỡng, mỹ học truyền thống và cuộc sống hiện đại, năng động. Nhờ đó, các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang Hàn Quốc, những thắng cảnh, địa điểm phim trường được quảng bá rộng rãi và thu hút người tiêu dùng khắp châu Á và rộng hơn. Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu gen 1, 2, 3) trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ sự hấp dẫn văn hóa, nghệ thuật kết hợp với sức mạnh của truyền thông đại chúng và mạng internet toàn cầu.

Thành công của các nước trên nhờ họ có chiến lược quyền lực mềm (soft power) bài bản, có nhà nước hậu thuẫn và tạo sân chơi cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Họ xây dựng hình ảnh nước lớn không chỉ bằng sức mạnh quân sự, kinh tế mà còn bằng nội dung văn hóa đánh vào cảm xúc, thẩm mỹ, tự hào dân tộc.

Những “đại sứ văn hóa” kể câu chuyện Việt Nam

Việt Nam có câu chuyện rất độc đáo: Từ một đất nước nhỏ, nghèo, từng là thuộc địa, chiến đấu kiên cường giành lại độc lập và nay đang bứt phá trong vai trò mới của một quốc gia năng động, gìn giữ hồn cốt mà vẫn vươn ra khu vực và thế giới. Bạn bè quốc tế nhận diện Việt Nam qua một số biểu tượng quen thuộc như phở, cà-phê, nón lá, áo dài, xe máy, phố cổ Hội An... trong khi câu chuyện Việt Nam lại phong phú vô vàn: Khả năng phục hồi mạnh mẽ từ chiến tranh và thiên tai, sự sáng tạo, nền tảng văn hóa nông nghiệp, tiểu thủ công, tình cảm gia đình, xóm làng, lòng hiếu học, sự bền bỉ và thế hệ trẻ đang chuyển động và hội nhập cực nhanh.

Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ và các bạn trẻ đã kể câu chuyện dân tộc Việt Nam bằng âm nhạc, hình ảnh, thời trang, sân khấu biểu diễn. Họ biến câu chuyện dân gian, lịch sử, văn hóa thành cảm xúc hiện đại. Một bài hát, một MV, một bộ ảnh cũng có thể thúc đẩy người nước ngoài gõ các cụm từ Vietnam, Vietnam culture trên công cụ tìm kiếm Google. Hoàng Thùy Linh khuấy động với những MV đậm chất dân gian đương đại. Gần đây hơn, Hòa Minzy đã kết hợp với nghệ sĩ chèo danh tiếng Xuân Hinh và “người kể chuyện âm nhạc” Tuấn Cry làm nên siêu phẩm “Bắc Bling”.

Đó còn là chàng trai người Đức gốc Việt (S)TRONG Trọng Hiếu. Sinh ra và lớn lên tại Đức, (S)TRONG là mang năng lượng của một thanh niên châu Âu và tâm hồn Việt Nam. Trọng Hiếu từng giành được những giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc ở Đức và châu Âu (Eurovision), cũng như trong nước. Hiện nay, anh hoạt động song song tại thị trường Việt Nam và Đức. Trọng Hiếu không ngừng kết hợp những yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam như nón lá, áo dài, âm nhạc, vũ đạo có chất dân gian với những yếu tố hiện đại, như phục trang, vũ điệu hiphop trong các màn trình diễn của mình. Thậm chí, trong tour diễn tại Đức đang diễn ra, Hiếu tự tin hát tiếng Việt cho khán giả tại Đức nghe.

Chúng ta còn có thể kể đến các dự án độc lập như sách tranh “Việt sử diễn họa” của Thanh Huyên, hay Tác phẩm “Hà Nội Rong” của Đặng Thái Tuấn đạt giải nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…” do UNESCO tổ chức năm 2022, hay các nhóm làm nhạc dân gian remix, nghệ sĩ indie, visual artist trẻ… Tất cả hào hứng từng bước tái định nghĩa hình ảnh đất nước qua một lăng kính rất mới.

Chiến lược công nghiệp văn hóa đưa câu chuyện Việt Nam lan rộng

Các cường quốc văn hóa đều có câu chuyện, đều biết “bán” bản sắc của mình một cách tài tình, thông qua nghệ thuật, công nghiệp giải trí và truyền thông. Việt Nam ta đang bắt đầu kể câu chuyện của mình. Tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ đề cao. Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển. Chiến lược khẳng định, quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Kể câu chuyện đất nước không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà là của mỗi cá nhân: Từ nhà ngoại giao đến nhà thiết kế, từ nghệ sĩ đến du học sinh, từ đầu bếp đến TikToker. Nếu mỗi người kể một đoạn nhỏ bằng tiếng nói, hình ảnh, món ăn, nụ cười, thì hình ảnh Việt Nam sẽ mở rộng độ bao phủ; thế giới sẽ biết và yêu Việt Nam như một quốc gia biết kể chuyện hay. Hãy để câu chuyện Việt sống động trong từng sản phẩm văn học, âm nhạc, thời trang, phim ảnh, ứng dụng, kiến trúc, thiết kế... Vì một ngày nào đó, khi công chúng quốc tế tìm kiếm từ khóa “Vietnam”, ta muốn họ tiếp cận được không chỉ cảnh đẹp, mà là tâm hồn, bản sắc Việt Nam sống động.