Giải pháp làm sạch bằng nguồn nước sạch
Sau hội thảo cùng chủ đề về giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước phía tây Hà Nội cách đây chưa lâu với sự tham gia của đại diện các hội chuyên ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng TP Hà Nội…, và trước đó, vấn đề này đã được bàn luận tại nhiều diễn đàn, mới đây nhất, một cuộc sinh hoạt khoa học diễn ra tại Trường đại học Xây dựng với đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học…, tiếp tục nhắc đến việc cứu những dòng sông Thủ đô.
Không chỉ mong “cứu” các sông Nhuệ, sông Đáy, góp phần cải tạo sông Tích nằm ở khu vực bên ngoài trung tâm, gắn với khu vực nông thôn và các hoạt động canh tác, tưới tiêu, các chuyên gia, nhà khoa học đặt “tham vọng” rõ hơn vào việc làm sạch, phục hồi các sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu đã từ lâu ở giữa lòng đô thị Hà Nội sầm uất. Và giải pháp mang tính tổng thể dẫn nước sông Đà về góp phần bồi bổ nguồn nước, làm sạch hơn cho hệ thống sông nằm phía tả ngạn sông Hồng này tiếp tục được nhấn mạnh như một đáp án phù hợp điều kiện địa hình, lưu lượng nước, có ưu thế thiên về vận hành dựa theo tự nhiên và tiết kiệm về chi phí đầu tư, vận hành lâu dài.
Tiếp tục trình bày về các đề xuất làm đập dâng trên sông Đà ở khu vực huyện Ba Vì, cải tạo cống Thuần Mỹ, kết nối các hệ thống kênh, cống thủy lợi, đường dẫn nước từ sông Đà qua các sông Tích, Đáy, Nhuệ về đến nội đô, kỹ sư Nguyễn Trường Duy, Phó Chủ tịch Hội cơ học Hà Nội đưa ra những phân tích bảo đảm lượng nước phân bổ giữa các con sông. Liên thông tốt và giữ cho dòng chảy thuận lợi trên hệ thống sông phân bổ trên các huyện, thị xã từ phía tây vào đến nội thành, chính là một yếu tố bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ hiệu quả cho tưới tiêu, canh tác và du lịch đường thủy, du lịch văn hóa, sinh thái hai bên bờ sông.
Và làm đẹp bằng văn hóa, du lịch
Những gợi ý này nhận được mối quan tâm của nhiều diễn giả. Trong đó, TS Lê Thị Thu Hương, Viện trưởng Hà Nội học và đào tạo quốc tế thuộc Trường đại học Thủ đô nhấn mạnh vào yếu tố văn hóa, lịch sử của các dòng sông cổ. Theo đó, những vùng văn hóa sông nước đã được hình thành quanh các con sông vừa kể trên từ thời gian hàng nghìn năm trở lại đây. Và đáng tiếc thay khi sự ô nhiễm, thu hẹp dòng chảy, khuất lấp dần dẫn đến “làm chết” những con sông, đoạn sông cũng kéo theo sự mai một của đời sống văn hóa các địa phương, suy giảm nhiều giá trị truyền thống. Các sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu đều gắn với những lễ hội lâu đời, nghi lễ thờ cúng bản địa đặc sắc và một số làng nghề thủ công truyền thống, TS Hương dẫn giải, nếu được khơi thông, phục hồi dòng chảy một cách “thuận thiên”, phục vụ cho du lịch văn hóa, tham quan di tích, trải nghiệm lễ hội… nơi các con sông đó chảy qua, thì sẽ tạo thêm sinh kế cho người dân, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.
Khơi dòng cơ chế, quy hoạch cho việc cứu các dòng sông
Và để chạm tới được khát vọng có một ngày các con sông cổ Hà Nội đều trở lại viễn cảnh như trong câu ca xưa “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, các chuyên gia đưa ra những đề xuất cụ thể từ các khía cạnh văn hóa, tự nhiên, kỹ thuật. Đó là phải tôn trọng quy luật tự nhiên; chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho công tác điều phối dòng chảy, cho phát triển du lịch văn hóa. TS Vũ Quốc Vương, Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng - Trường đại học Thủy lợi đề nghị ứng dụng công nghệ cho việc làm sạch nguồn nước, thí dụ như đã có dự án áp dụng tại hồ Mai Dịch thuộc quận Cầu Giấy, dùng điện mặt trời bơm nước lên, luân chuyển qua màng lọc; hoặc học tập nước ngoài sử dụng rô-bốt hình thuyền chạy trên mặt nước vớt rác.
Cho rằng, việc khai thác nước từ sông Đà về tới sông Tô Lịch là giải pháp bền vững, lâu dài, PGS, TS Phạm Văn Quốc, nguyên Giám đốc Văn phòng Tư vấn Thẩm định thiết kế và Giám định chất lượng công trình, giảng viên Bộ môn Thủy công - Trường đại học Thủy lợi gợi ý thêm về việc có thể làm thêm đập trên sông Đà, nghiên cứu các vị trí cấp nước cho các sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ. Với các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, cần phát triển các trạm bơm tiêu úng, giữ vệ sinh môi trường. PGS Quốc đề nghị, vấn đề này cần được xây dựng thành đề tài cấp thành phố, cấp Bộ, cấp Nhà nước; đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, quy hoạch cấp nước và tiêu thoát nước thành phố và triển khai thành dự án cấp nước-tiêu thoát nước trên địa bàn.
Phải huy động được các chuyên gia thủy lợi, thủy văn, thủy lực, thủy công, cửa van và cơ khí vào cuộc. Cũng như nghiên cứu hệ thống ống cấp nước cho hệ thống sông, kênh. Cùng với phương thức, cơ chế quản lý, vận hành hệ thống đó… Đây cũng là những trao đổi cụ thể về chuyên môn, nhân sự, chương trình hành động cho việc cứu lấy các con sông cổ của Hà Nội bao gồm từ phía tây vào đến nội thành. Tiếp đó là việc làm cho chúng hồi sinh, tươi xanh, tốt đẹp lên bằng tái tạo tự nhiên, kiến tạo hoạt động văn hóa. Bởi theo các chuyên gia, nhà khoa học, thì rất rõ ràng, rất cụ thể, là thực tế ô nhiễm, suy giảm sông ngòi vẫn ngày ngày đập vào mắt, và việc xử lý, giải quyết thì đã kéo dài rất lâu rồi.
TS Vương liên hệ, mới đây Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó có định hướng đẩy mạnh phát triển điện mặt trời. Trong tương lai, có thể khai thác tiềm năng điện mặt trời cho việc làm xanh, sạch các con sông.