Tái chế đến tái sinh

Tại một xưởng nhỏ nằm sâu trong vùng ngoại ô Bình Định, tiếng nói cười rộn ràng luôn tràn ngập giữa không gian xanh mát của cây trái tạo nên một không khí đầy sức sống. Điều đặc biệt ở đây, những bàn tay chế tác không thuộc về những công nhân bình thường mà của những người khuyết tật - những con người kiên cường đang từng ngày vượt qua giới hạn để sống, để lao động và khẳng định giá trị bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga hướng dẫn học viên tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga hướng dẫn học viên tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo.

Hơn cả tái chế

Cơ sở tái chế rác thải mang tên “Vườn tái chế - NNC” (xóm 2, thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) hoạt động dựa trên nguyên tắc 3R - nghĩa là tiết giảm (Reduce), tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) - đang ngày càng trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách quan tâm. Nơi đây có những bàn tay khéo léo của những người khuyết tật đang miệt mài bên từng sản phẩm, biến những vật liệu tưởng chừng bỏ đi thành đồ thủ công tinh tế, hữu ích.

Chúng tôi gặp anh Phan Huỳnh Anh Toan, một người khuyết tật vận động từ nhỏ nhưng chưa bao giờ khuất phục số phận. Bên chiếc bàn nhỏ với đủ loại vật dụng tái chế, anh cười hiền hậu và kể lại hành trình đặc biệt đưa anh đến với nghề tái chế. “Từ nhỏ, tôi đã thích thủ công, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình có thể sống với nó. Chỉ khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi mới bắt đầu thử nghiệm, sáng tạo với các vật liệu bỏ đi. Lúc ấy chỉ nghĩ làm chơi thôi, nhưng rồi tôi nhận ra rằng, những thứ bỏ đi ấy có thể tạo ra những đồ vật hữu dụng”, anh nói.

Những sản phẩm đầu tiên của anh Toan được làm trong những ngày rảnh rỗi nên anh không có ý định kinh doanh hay sản xuất chuyên nghiệp. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi bạn bè, người thân, thậm chí các tổ chức xã hội đã bày tỏ sự quan tâm, đồng hành cùng anh và những người khuyết tật khác, giúp họ biến sáng tạo nhỏ thành một mô hình sản xuất. Nhìn vào những tác phẩm của nhóm, khó ai có thể nghĩ rằng, chúng được tạo ra từ rác thải nhựa, giấy bìa các-tông bỏ đi, vải vụn… Một bộ tranh treo tường tinh xảo, một chiếc túi xách làm từ nắp chai hay một mô hình xe ô-tô, tàu thủy… đều là kết quả của những tháng ngày sáng tạo không ngừng nghỉ. “Tôi không làm theo khuôn mẫu, chỉ dựa vào cảm hứng. Thí dụ như hôm nay, tôi nhìn thấy một mầu sắc, một hình dạng đẹp nào đó, tôi sẽ bắt tay vào làm. Có sản phẩm mất ba ngày, có sản phẩm chỉ vài giờ, nhưng mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện riêng”, anh Toan chia sẻ.

Nhờ có công việc, anh Toan tự tin hướng dẫn các em nhỏ đến tham quan xưởng. Khi các bé học cách làm những món đồ thủ công từ vật liệu tái chế, anh thấy mình có thể truyền cảm hứng, giúp thế hệ sau có ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, mỗi sản phẩm tái chế anh tạo ra không đơn thuần là một món hàng để bán mà còn tái sinh một câu chuyện, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc giảm thiểu rác thải và tận dụng tài nguyên tái chế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, người khởi xướng mô hình này chia sẻ, đây không đơn thuần là nơi sản xuất, đây còn là một không gian giáo dục trải nghiệm, nơi người khuyết tật có thể lao động để tự lập và truyền đi những thông điệp mạnh mẽ khác. Mô hình đặc biệt cùng những nhân lực đặc biệt giúp Vườn tái chế trở thành điểm tham quan của không ít đoàn khách. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định du lịch chỉ là một phần để mọi người đến đây tham quan, chụp ảnh. Ngoài những điều đó ra, chúng tôi muốn mỗi du khách đến đây cảm nhận được những giá trị giáo dục. Làm sao để mọi người hiểu về tái chế, rác thải có thể được phân loại thế nào, làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường?”, bà Nga nhấn mạnh. Trải nghiệm tại đây khác với du lịch đại trà, không phải là nơi đơn thuần đến để thư giãn rồi rời đi, mà là nơi để mỗi người tham gia học hỏi về tái chế, về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều đó giúp mô hình này thu hút sự quan tâm của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và những tổ chức giáo dục từ khắp nơi trên cả nước. Ngoài ra, đây cũng là mái nhà chung, nơi những con người cùng cảnh ngộ nương tựa vào nhau, cùng tạo ra các sản phẩm thủ công từ rác thải nhựa.

“Ban đầu, mọi người chỉ coi rác là thứ vứt đi, nhưng khi nhìn vào những chiếc túi, hộp bút được làm từ nhựa tái chế, họ mới nhận ra rằng, chúng có thể có một vòng đời mới”, bà Nga nói. Bởi thế, công cuộc của những người thợ thủ công, dường như là một sự tái sinh có ý nghĩa cho những món đồ.

Tái chế đến tái sinh ảnh 1

Từ những vật dụng bỏ đi, các thành viên của Vườn tái chế đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc

đáo, hữu ích.

Nhân rộng mô hình hay

Không giới hạn trong khuôn khổ một cơ sở tái chế, mô hình này còn mở rộng ra các chương trình cộng đồng với sự tham gia của người dân, học sinh và cả khách du lịch. Hằng tuần, bà Nga và các cộng sự tổ chức chương trình “Một cây số xanh”, nơi mọi người cùng nhau đi dọn rác trên một đoạn đường bất kỳ nào đó. Ban đầu, khi thấy nhóm người khuyết tật đi làm vệ sinh, nhiều người dân chung quanh ngạc nhiên và có phần e ngại. Nhưng rồi chính những hành động ấy đã khiến mọi người thay đổi nhận thức. “Lúc đầu, hàng xóm hỏi sao lại để mấy đứa khuyết tật lê la đi nhặt rác thế này! Nhưng rồi họ nhìn thấy sự quyết tâm của tụi nhỏ, họ tự hỏi lại mình. Vậy là từ chỗ thắc mắc, họ bắt đầu tham gia, cùng nhau nhặt rác, cùng nhau giữ gìn cảnh quan môi trường sạch sẽ”, bà Nga nhớ lại.

Sự lan tỏa của mô hình này đã thu hút sự tham gia của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các trường quốc tế trên cả nước. Nhiều đoàn sinh viên từ Trường đại học FPT, Trường đại học Quy Nhơn, các trường học từ mầm non đến đại học đều tìm đến đây tham quan, học cách bảo vệ môi trường, trực tiếp tham gia hoạt động tái chế và làm sạch môi trường. Bên cạnh đó, việc đưa yếu tố giáo dục gián tiếp vào du lịch cũng được bà Nga và nhóm cộng sự đặc biệt chú trọng. Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn cách phân loại rác, khách tham quan đến đây còn được học cách lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến cộng đồng. “Khi một đứa trẻ hiểu được giá trị của tái chế, nó có thể về nhà nói với cha mẹ, giúp gia đình mình thay đổi. Đó chính là cách chúng tôi muốn giáo dục gián tiếp từ những điều nhỏ nhất nhưng có sức ảnh hưởng lớn”, bà Nga cho biết.

Làm thế nào để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có thu nhập ổn định và cơ hội hòa nhập xã hội tốt hơn là điều chủ cơ sở này mong muốn nhân rộng, để có thể có nhiều hơn nữa những cơ sở tương tự có thể tồn tại và phát triển? Đó là điều bà Nga cùng các cộng sự cùng trăn trở về tương lai của mô hình. Hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực tài chính để duy trì và mở rộng mô hình. “Đến nay, cơ sở vẫn hoạt động dựa trên sự đóng góp tự nguyện, nhưng nếu muốn làm lớn hơn và để tiếp cận được nhiều người hơn, chúng tôi cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề môi trường”, bà Nga chia sẻ.

Chúng tôi rời xưởng tái chế khi những tia nắng cuối ngày đang dần tắt. Những người khuyết tật vẫn đang miệt mài với công việc của mình, đôi tay và ánh mắt vẫn toát lên niềm tin và nghị lực. Anh Toan và những đồng nghiệp ở đây dù đã có công việc ổn định, song luôn hy vọng cộng đồng sẽ ngày càng quan tâm hơn đến những người như anh. “Chúng tôi không mong được thương hại, chúng tôi chỉ mong có cơ hội để chứng minh rằng, chúng tôi cũng có thể cống hiến, cũng có thể làm nên những điều tốt đẹp”, anh nói.

Hành trình vươn lên của người khuyết tật Bình Định không chỉ dừng lại ở việc khẳng định bản thân, mà còn góp phần thay đổi nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường. Từ những hoạt động nhỏ, mô hình giáo dục cộng đồng này đang dần tạo ra sự lan tỏa, giúp mọi người hiểu rằng, bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là của tất cả mọi người.