Tuy nhiên, đi dọc một số con đường ven sông, hoặc ra phía ngoại thành thì người dân lại đối mặt nỗi “đau khổ” mới trên những con đường đã được thảm nhựa phẳng phiu. Đó là tình trạng ùn ứ nhiều đống vật liệu xây dựng và rác thải sinh hoạt lẫn rác thải từ các làng nghề, gây mất mỹ quan, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đi dọc một số tuyến đường ven sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, dễ dàng nhận thấy rác thải vẫn là thực tế đáng báo động. Những dòng sông này từng là nguồn nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ một phần cho đời sống sinh hoạt của người dân, nay lại trở thành nơi ô nhiễm, nước đen đặc bốc mùi. Việc xử lý rác thải và bảo vệ môi trường nước đang trở thành thách thức lớn với chính quyền thành phố. Hay trên một số con đường liên xã ở huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai…, không khó để bắt gặp những bãi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, khiến người đi qua vô cùng khó chịu.
Ngay ở nội thành, tuyến phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), dù được thảm nhựa phẳng phiu nhưng những ngày gần đây đang đối mặt tình trạng rác thải xây dựng và vật liệu thi công ngổn ngang trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân chung quanh. Nhiều người phải đi xuống lòng đường, gây nguy cơ va chạm cho cả người đi bộ và các phương tiện giao thông.
Nhiều tuyến đường khác cũng đang gặp phải tình trạng tương tự như Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, đường Lê Duẩn đoạn đối diện Công viên Thống Nhất hay ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn (thuộc quận Thanh Xuân) đều có rác thải xây dựng bị đổ trộm, vỉa hè xuống cấp, hoặc các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè…
Cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Người dân cần được thông tin đầy đủ về tác hại của việc xả rác bừa bãi và lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chương trình giáo dục môi trường trong trường học và cộng đồng có thể giúp nâng cao ý thức của người dân từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Các hoạt động tình nguyện, chiến dịch làm sạch đường phố và các chương trình cộng đồng có thể giúp tạo ra một môi trường sống sạch đẹp và an toàn hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt do đó là vô cùng cần thiết và cần thực hiện sớm, đồng bộ.
Đừng để những con đường phẳng phiu, những khu vực đã có danh hiệu nông thôn mới, thậm chí nông thôn mới nâng cao lại xuất hiện những con đường “đau khổ mới”…