Khát vọng thiêng liêng
Kể về hành trình đi tìm mộ em trai là liệt sĩ Nguyễn Thành Sơn (sinh năm 1953, hy sinh ngày 30/4/1974), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh (sinh năm 1949, thôn 3, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, Hà Nam) xúc động chia sẻ: Em tôi hy sinh khi mới ngoài đôi mươi. Giấy báo tử chỉ vỏn vẹn dòng chữ "Hy sinh tại chiến trường miền nam".
Suốt 10 năm, gia đình ông lặn lội qua Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Định… mong tìm được phần mộ. Nhưng phải đến tháng 3/2024, hy vọng mới được thắp lên khi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác nhận em ông hy sinh tại Ấp Cầu, huyện Đất Đỏ. Nhưng vào đến nghĩa trang, cả gia đình lặng đi khi phần lớn mộ liệt sĩ tại đây chưa xác định được danh tính. “Bởi vậy, khi hay tin Công an tỉnh Hà Nam thu nhận mẫu ADN để xác minh danh tính liệt sĩ, tôi vô cùng xúc động. Hơn ai hết, tôi hiểu đây không chỉ là công việc khoa học hay hành chính, mà là hành trình tri ân, của tình nghĩa và khát vọng đoàn tụ thiêng liêng”, ông Tỉnh nói.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hợp, gần 100 tuổi, quê ở xã Tràng An, huyện Bình Lục, lặng lẽ đặt lên bàn tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai con trai là liệt sĩ Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Quang Hạp. Mái tóc bạc trắng, dáng người gầy guộc, mẹ không còn giữ được một bức ảnh nào của các con. Hình bóng hai người con trai chỉ còn trong ký ức mờ nhòe của người mẹ ở tuổi gần đất xa trời với niềm khao khát sớm tìm được hài cốt, đưa các con về lại trong vòng tay gia đình. Và hy vọng ấy đã được thắp lên khi Công an tỉnh Hà Nam về tận nhà, thu nhận mẫu ADN phục vụ xác minh danh tính liệt sĩ. Với mẹ, đó không chỉ là một thủ tục, mà là tia sáng cuối đời của tình mẫu tử chưa trọn.
Công nghệ giúp tìm liệt sĩ
Không ồn ào, lặng lẽ mà rất đỗi thiêng liêng, hành trình đi tìm tên cho những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh đang được triển khai qua ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lần đầu tiên tại Hà Nam cũng như trên cả nước, thông tin về thân nhân liệt sĩ được thu thập một cách chính xác, khoa học. Từ mẫu máu, dữ liệu di truyền đến việc kết nối với hệ thống dữ liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ... Thông qua công nghệ hiện đại, danh tính các liệt sĩ có thể được xác minh một cách chính xác.
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã mở đợt cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã được huy động cho chiến dịch đặc biệt này. Qua đó, hàng chục nghìn mảnh thông tin rời rạc từ sổ hộ tịch, lịch sử cư trú đến những tờ khai cũ kỹ được số hóa, liên kết thành hệ sinh thái dữ liệu liền mạch, mở ra cánh cửa xác minh danh tính liệt sĩ.
Để triển khai hiệu quả đợt cao điểm thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc rà soát, bổ sung thông tin về liệt sĩ, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và tích cực tham gia. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận liệt sĩ được xác định danh tính bằng công nghệ ADN.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau về những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, chưa trở về với gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai. Họ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự trở về của họ, dù chỉ là một nắm đất, một dòng tên vẫn luôn là điều thiêng liêng, là khát vọng đoàn tụ không gì có thể thay thế.
Hà Nam hiện có 9.342 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó hơn 3.000 trường hợp chưa xác định được thân nhân. Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan thu nhận 3.114 mẫu ADN từ thân nhân của 1.846 liệt sĩ. Các mẫu này sẽ được đưa vào ngân hàng gen, phục vụ đối sánh, xác thực danh tính với hài cốt liệt sĩ đang được tìm kiếm, quy tập.