Hiểm họa với sức khỏe cộng đồng

Vấn nạn dược phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) giả ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Liên tiếp các vụ việc gần đây đã phơi bày nhiều “lỗ hổng” lớn trong hệ thống quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Khám xét kho hàng của đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả vừa bị Công an Hà Nội triệt phá. Ảnh: PC03 (Công an Hà Nội) cung cấp
Khám xét kho hàng của đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả vừa bị Công an Hà Nội triệt phá. Ảnh: PC03 (Công an Hà Nội) cung cấp

Hơn một tháng phanh phui bảy vụ

Những ngày qua, dư luận rúng động khi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả. Theo đó, đối tượng Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã cầm đầu đường dây sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng giả rải rác tại nhiều tỉnh, thành phố. Hơn 100 tấn hàng giả trong nhãn mác của hơn 100 mã sản phẩm đã len lỏi vào hàng trăm nhà thuốc, bệnh viện trên toàn quốc.

Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán TPCN, thiết bị y tế giả từ năm 2020. Chúng thành lập 17 công ty, trong đó 6 công ty nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty phân phối hàng hóa trong nước. Là dược sĩ, Phạm Ngọc Tiến tự “bịa” công thức các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trôi nổi trong nước. Công thức được giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài. Các đối tượng này còn duy trì việc nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài để lấy thương hiệu, đánh vào tâm lý người tiêu dùng và hợp pháp hóa giấy tờ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Đây đã là vụ án thứ bảy liên quan đến sản xuất lương thực, TPCN, dược phẩm giả, kém chất lượng bị triệt phá chỉ trong hơn một tháng trở lại đây. Trước đó, có thể kể đến các vụ việc như: sản phẩm kẹo Kera; gần 600 loại sữa giả của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group; 100 tấn TPCN giả của Công ty cổ phần Dược phẩm MegaPhaco; gần 8 tấn sữa, rượu, TPCN không có hóa đơn chứng từ, không giấy phép lưu hành tại Sóc Trăng…

Nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ thuốc giả cũng bị phát hiện. Năm 2023, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất thuốc tẩy giun giả mang nhãn hiệu Fugacar Janssen 500mg. Gần nhất, tháng 4/2025, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 14 người về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”, liên quan 21 loại tân dược và thuốc chữa bệnh xương khớp giả.

Đáng lên án hơn cả là việc các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc và TPCN giả lại nhắm đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như: trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Tội phạm không còn hoạt động nhỏ lẻ mà đã tổ chức thành mạng lưới tinh vi, núp bóng sản xuất, kinh doanh hợp pháp, quảng cáo rầm rộ trên môi trường mạng.

Quyết liệt “siết” quản lý

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác quản lý, giám sát được thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận. Ông Long nhấn mạnh, với 60 nghìn đầu sản phẩm do Cục quản lý và 300 nghìn đầu sản phẩm do các địa phương quản lý, công tác hậu kiểm gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả việc… đọc hồ sơ cũng không đủ thời gian.

Còn theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý dược, Bộ Y tế, dù quy trình thẩm định, hậu kiểm sản phẩm là dược phẩm cực kỳ chặt chẽ, vẫn không tránh khỏi tình trạng một số sản phẩm thuốc giả “len lỏi” vào các nhà thuốc nhỏ lẻ với sự “bắt tay” của đối tượng sản xuất với các trình dược viên. Việc phát hiện, xử lý thuốc giả cũng rất phức tạp. Như vụ thuốc giả ở Thanh Hóa đã có cảnh báo từ năm 2020, phía Bộ Y tế mời các lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế của Bộ Công an, họp bàn với một số sở y tế của các tỉnh, thành phố lớn, nhưng đến năm 2024 mới xử lý được.

Trong khi hoạt động tiền kiểm, hậu kiểm còn nhiều bất cập, việc ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm cùng bốn đồng phạm bị bắt, khởi tố (do liên quan việc “tạo điều kiện” cấp chứng nhận GMP và hậu kiểm cho đường dây 100 tấn TPCN giả) càng khiến người dân hoang mang về “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho mình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành hàng loạt chỉ đạo quyết liệt nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ sức khỏe người dân và khôi phục niềm tin vào hệ thống quản lý. Các chỉ đạo tập trung vào tăng cường phối hợp liên ngành, xem xét sửa đổi một số quy định và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các địa phương. Gần nhất là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5 về việc mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả trên toàn quốc từ 15/5/2025 đến 15/6/2025.

Hy vọng, động thái quyết liệt từ Chính phủ sẽ giúp người dân không phải nơm nớp nỗi lo “tiền mất, tật mang” khi đứng trước quyết định sử dụng một loại dược phẩm hay TPCN.