Trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước, mỗi quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng đều là một mốc son quan trọng, mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 68-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một dấu ấn như thế - không chỉ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn xác lập bước ngoặt thể chế quyết định cho tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân.
Quyết định kịp thời, đúng đắn và mang tầm chiến lược
Hơn ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh, góp phần tạo sinh kế, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng nội lực quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy những rào cản về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính - thậm chí là rào cản từ nhận thức - vẫn còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và công bằng của khu vực này. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68, với tinh thần xuyên suốt là “phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân trên nền tảng pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, là một quyết định kịp thời, đúng đắn và mang tầm chiến lược.
Lần đầu tiên, Đảng ta xác định dứt khoát rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Đây là sự tiếp nối nhất quán tư tưởng đổi mới từ Đại hội VI đến nay, đồng thời thể hiện rõ cam kết của Đảng trong việc phát triển toàn diện các thành phần kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng pháp luật, vì lợi ích chung của nhân dân và đất nước.
Có thể nói, Nghị quyết này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà còn là bản thiết kế cho mô hình phát triển dựa vào nội lực - sáng tạo - và hội nhập chất lượng cao. Nhìn vào tần suất xuất hiện của các từ khóa trong nghị quyết, có thể thấy hai nhóm nội dung nổi bật, đan cài và bổ trợ cho nhau: nhóm thứ nhất là “kinh tế tư nhân”, “doanh nghiệp tư nhân”, “doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “doanh nhân”; nhóm thứ hai là “đổi mới sáng tạo”, “sở hữu trí tuệ”, “chuyển đổi số”, “khoa học và công nghệ”. Đây không đơn thuần là các khái niệm tách biệt mà là hai chân kiềng tạo nên sức mạnh tổng hợp: chủ thể phát triển và phương thức phát triển.
Với 111 lần được đề cập, nhóm từ “kinh tế tư nhân” và các biến thể liên quan thể hiện tư tưởng xuyên suốt: lấy tư nhân làm trung tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Nghị quyết không chỉ khẳng định vai trò, mà còn đưa ra hàng loạt yêu cầu cụ thể: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận công bằng các nguồn lực như đất đai, tín dụng, dữ liệu và cơ hội thị trường. Doanh nhân không còn bị xem là “đối tượng quản lý” mà được xác lập vị trí là “người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, xứng đáng được tôn vinh, bảo vệ và khuyến khích.
Triết lý phát triển hiện đại, tầm nhìn dài hạn
Tuy nhiên, Đảng cũng nhìn rõ: chỉ riêng khát vọng và nỗ lực của khu vực tư nhân là chưa đủ. Trong một thế giới cạnh tranh gay gắt, đổi mới sáng tạo, công nghệ và tài sản trí tuệ mới là các yếu tố phân tầng giá trị. Chính vì vậy, nghị quyết dành 42 lần để đề cập đến nhóm từ “đổi mới sáng tạo”, “sở hữu trí tuệ”, “chuyển đổi số”, “khoa học và công nghệ”. Không dừng ở kêu gọi, Nghị quyết đi vào chính sách cụ thể: cho phép khấu trừ 20% chi phí nghiên cứu - phát triển, miễn - giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về khu vực tư nhân nội địa… Tư duy pháp lý cũng thay đổi: lần đầu tiên đề cập đến sandbox - mô hình thử nghiệm chính sách có kiểm soát đối với công nghệ mới, mở lối cho các mô hình kinh doanh số, tài sản ảo, tài sản vô hình, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử và nền tảng số.
Kết nối hai nhóm chính sách này là một triết lý phát triển hiện đại: tăng trưởng bền vững phải được xây dựng từ nội lực của xã hội mà điển hình là khu vực tư nhân, và phải dựa trên năng lực đổi mới không ngừng - được bảo vệ bằng thể chế sở hữu trí tuệ và hỗ trợ bằng công cụ pháp lý. Một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể vươn xa nếu sở hữu công nghệ lõi, có tư duy sáng tạo, có thương hiệu và biết khai thác tài sản vô hình. Một nền kinh tế có thể hội nhập thực chất nếu doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính ở đây, vai trò của Nhà nước được xác lập lại: không còn là cơ quan “quản lý” mà là “kiến tạo và phục vụ”. Nghị quyết yêu cầu chuyển hẳn từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ các rào cản hành chính, minh bạch hóa và số hóa thủ tục, cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ, và cho phép tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Song song, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, khuyến khích hợp tác công tư, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ khởi nghiệp và khuyến khích tài chính đổi mới.
Điều đáng giá nhất của Nghị quyết 68 là ở tầm nhìn dài hạn. Mục tiêu không chỉ là có hai triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP vào năm 2045. Điều quan trọng là định hình một khu vực kinh tế tư nhân mang bản sắc Việt: năng động, đổi mới, có trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Đó không thể là kết quả của riêng doanh nghiệp hay riêng Nhà nước, mà là sự phối hợp của một hệ sinh thái phát triển - trong đó tư duy chính sách, thể chế pháp lý, nguồn lực xã hội và trí tuệ con người cùng vận hành.
Khi “kinh tế tư nhân” và “đổi mới sáng tạo” không còn được nhắc riêng lẻ mà cùng hiện diện trong một nghị quyết chiến lược, điều đó có nghĩa là chúng đã trở thành không thể tách rời của tương lai kinh tế Việt Nam. Chính sách đúng đắn sẽ không chỉ giúp tư nhân làm giàu - mà còn góp phần làm mạnh đất nước. Và chỉ khi sáng tạo được bảo vệ, tài sản trí tuệ được tôn trọng, đổi mới được khuyến khích thực chất - tư nhân mới thật sự có đất để lớn, có động lực để bứt phá, và có niềm tin để đồng hành lâu dài.