Công trình đường dây 110kV Phú Thuận-Bình Đại dài 22,7 km, gồm 88 vị trí trụ có tổng mức đầu tư 143,427 tỷ đồng. Thực hiện công trình này, 547 trường hợp tại sáu xã của huyện Bình Đại có tài sản bị thiệt hại. Trong đó, dự án đi qua địa bàn xã Định Trung có 49 hộ bị ảnh hưởng; ban đầu, có 21 hộ chưa đồng ý về giá hỗ trợ, 23 hộ còn phân vân...
Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1947 ở ấp Bến Cát, xã Định Trung, huyện Bình Đại cho biết: “Ban đầu tôi cũng băn khoăn vì dự án đi qua phải đốn mấy chục cây dừa là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng khi được cán bộ các ban, ngành vận động, thuyết phục có lý có tình, gia đình tôi tiên phong bàn giao 110m2 đất cho Nhà nước để thực hiện dự án vì sự phát triển chung của quê hương trong đó có mình”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai, trên địa bàn huyện đang triển khai công trình đường dây 110kV Giao Long-Phú Thuận và đường dây 110kV Phú Thuận-Bình Đại, có đến 678 hộ dân nằm trong vùng dự án. Thời gian ngắn, khối lượng giải phóng mặt bằng lại rất lớn theo chỉ đạo của tỉnh để bàn giao cho chủ đầu tư. Địa phương thành lập nhiều tổ vận động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân để tạo sự đồng thuận chung.
Đến nay, công trình 110kV Giao Long-Phú Thuận đã có hơn 95% số hộ đồng thuận, còn công trình đường dây 110kV Phú Thuận-Bình Đại đạt hơn 90%, địa phương cố gắng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong thời gian sớm nhất...
Công trình đường dây 110kV Bến Tre-An Hiệp qua địa bàn huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre có 343 hộ dân bị ảnh hưởng, tất cả đều đồng thuận theo chủ trương chung mặc dù hầu hết diện tích đất của người dân đều trồng cây đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Bùi Tiến Hoàng ở ấp 3, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, mất 600m2 đất khi dự án đi qua. Ban đầu, nhận phiếu khảo sát từ địa phương, ông Hoàng không đồng ý bàn giao đất vì cho rằng giá thấp. Tuy nhiên, sau nhiều lần cán bộ địa phương tới vận động, phân tích, ông đã đồng ý chặt toàn bộ dừa, bưởi để giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án.
Ông Hoàng cho biết thêm: “Gia đình tôi chỉ có hơn 3.000m2 đất chuyên trồng bưởi, dừa. Đây là nguồn thu nhập chính, cho nên khi mất một phần diện tích đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình. Vì lợi ích chung cho nên gia đình tôi đồng ý nhận tiền bồi thường, bây giờ dưới đường dây điện không trồng cây lâu năm được cho nên tôi chuyển qua trồng cỏ nuôi bò để ổn định cuộc sống...”.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre Bùi Văn Bia cho biết, ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ba đợt khảo sát, kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng đường dây 110kV trên địa bàn. Từ đó nắm tình hình, chỉ đạo tháo gỡ cụ thể đối với từng hộ gia đình, từng dự án để tập trung thực hiện nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng. Tỉnh đang đưa việc vận động giải phóng mặt bằng cho các đường dây 110 kV, trạm biến áp thành nội dung “thi đua Đồng khởi mới”...
Năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai thực hiện 6 công trình đường dây, trạm biến áp 110kV với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Các dự án nằm ở hầu khắp các huyện phục vụ nuôi tôm công nghệ cao, các nhà máy tại các khu công nghiệp... có tác động rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre.
Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Nam Lê Xuân Hải cho biết: “Trong năm 2025, EVNSPC đầu tư nhiều dự án trải dài ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre. EVNSPC cam kết với lãnh đạo tỉnh Bến Tre sẽ cung cấp đủ điện cho tỉnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ, cùng đồng hành của địa phương để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Thanh Lâm cho rằng, việc triển khai các công trình đường dây điện 110kV có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của các cấp, các ngành trong tỉnh. Tỉnh Bến Tre có vươn mình, có tăng trưởng hai con số hay không cần phải có hệ thống điện lưới đầy đủ. Thời gian qua, các địa phương đã nắm chắc tình hình, kịp thời thông tin cho người dân về dự án, đồng thời tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cao hơn, bàn giao mặt bằng nhanh nhất cho đơn vị thi công. Trong đó, cần nắm chắc tình hình đời sống của người dân để kịp thời hỗ trợ, nhất là những hộ gặp khó khăn. Cả hệ thống chính trị cần chia ra nhiều tổ để tập trung vận động nhân dân. Đây là những công trình trọng điểm cần phải dốc toàn lực làm ngày, làm đêm để nhanh chóng giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công vì mục tiêu đóng điện sớm nhất có thể để phục vụ sự phát triển của địa phương...