Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay ủng hộ mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân, chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ giúp các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có mái ấm kiên cố mà còn góp phần xây dựng diện mạo nông thôn mới khang trang, bền vững.
NIỀM VUI BÊN NHỮNG NGÔI NHÀ MỚI
Những ngày tháng 4, chúng tôi về xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình. Trong tiết trời oi bức đầu mùa hè nhưng không khí nơi đây vẫn rộn rã tiếng cười, tiếng máy cưa, tiếng gọi nhau dựng cột, lợp mái. Khắp các ấp, các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đang phấn khởi đón nhận những căn nhà mới - thành quả từ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do tỉnh phát động cách đây gần một năm.
Anh Nguyễn Văn Chao, sinh năm 1972, con trai út của liệt sĩ Nguyễn Văn Tố không giấu được xúc động khi chia sẻ về mái ấm sắp hoàn thiện. Gần 40 năm qua, anh cùng vợ con sống nhờ trong căn nhà tình nghĩa do người chị ruột làm chủ hộ. Nhà vốn chật hẹp, đến nay các thanh ván gỗ đã xuống cấp, mái nhà cũng dột nhiều chỗ mỗi khi trời đổ mưa. Mong mỏi có một căn nhà riêng để che mưa, che nắng mãi không thực hiện được vì công việc thợ hồ bấp bênh. Nay nhờ chương trình hỗ trợ 80 triệu đồng, cộng thêm 5 triệu đồng tiết kiệm cùng sự chung tay góp ngày công của người dân lối xóm và lực lượng dân quân, gia đình anh đã dựng được ngôi nhà mái tôn vững chắc 40m².
Cách đó không xa, gia đình anh Võ Tấn Cường cũng chung niềm vui khi ngôi nhà mới vừa hoàn thiện kịp trước ngày 30/4. Cô Phạm Thị Thoa, sinh năm 1951, là mẹ vợ anh Cường cho biết: “Vợ chồng tôi có 5 người con, gia đình Cường sống chung nhà nhiều năm nay. Nhà vốn đã chật hẹp, trong khi em vợ của Cường sắp về ở chung nữa thì gia đình tôi không biết phải làm sao. May là có chương trình xóa nhà tạm cho nên Cường mới có được căn nhà mơ ước”.
Không chỉ riêng anh Chao, anh Cường, những gia đình nghèo như chị Đoàn Kim Sang - người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, trong đó có một bé bị khuyết tật, ngồi xe lăn (do tai nạn) cũng được chính quyền xã Phú Lợi tìm cách vận động hỗ trợ đất và xây nhà, mang lại cuộc sống ổn định hơn cho mảnh đời kém may mắn. Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lợi cho biết, trong đợt 1 của năm 2025, xã đã triển khai xây dựng bảy căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và bảy căn cho gia đình chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, xã còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, huy động ngày công lao động, nấu ăn cho đội xây dựng và hỗ trợ các trường hợp neo đơn về mọi mặt.
PHÁT HUY TINH THẦN ĐOÀN KẾT CỘNG ĐỒNG
Toàn huyện Thanh Bình có 251 hộ cần hỗ trợ nhà ở. Trong đó, giai đoạn 1 đã triển khai xây dựng, sửa chữa 117 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công, đạt tỷ lệ 100% theo tiến độ trước ngày 30/4/2025. Điều đáng ghi nhận là quá trình thực hiện đã xuất hiện những mô hình sáng tạo tại các xã, như: Tân Long, Tân Bình, Tân Huề, thị trấn Thanh Bình…
Các địa phương này chủ động phối hợp vận động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, giúp gia đình đối ứng thêm kinh phí để ngôi nhà trở nên khang trang hơn. Lực lượng cán bộ, đoàn thể cũng trực tiếp hỗ trợ ngày công góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình Nguyễn Văn Hải cho biết, thời gian tới, địa phương tích cực vận động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện.
Không chỉ Thanh Bình, tinh thần quyết tâm xóa nhà tạm còn lan rộng ở huyện Tân Hồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Huỳnh Văn Nhã thông tin, một điểm sáng ở huyện Tân Hồng là có chín hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ, nhường phần cho những hộ khó khăn hơn, thể hiện tinh thần tự lực, tương thân tương ái rất cao. Ngoài ra, nhiều địa phương như xã Tân Hộ Cơ còn chủ động lồng ghép chương trình xóa nhà tạm vào phong trào Tết Quân-Dân 2026 để huy động sức dân rộng khắp.
Theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về phê duyệt tổng hợp nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, toàn tỉnh có 2.311 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, trong đó có 625 hộ gia đình có công với cách mạng, còn lại là hộ nghèo, cận nghèo. Tính đến ngày 24/4/2025, đã tổ chức khởi công 1.593 căn, đạt gần 70% kế hoạch đề ra. Một điểm sáng trong phong trào này là việc thành lập 62 tổ cất nhà từ thiện với 934 thành viên, huy động tổng cộng 2.837 ngày công lao động của đoàn viên, hội viên, lực lượng dân quân tham gia hỗ trợ xây dựng nhà. Những mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng thêm tính cộng đồng, lan tỏa tinh thần nhân ái.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, chương trình vẫn còn một số khó khăn như tiến độ thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương; công tác rà soát đối tượng hỗ trợ tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ; việc giải ngân nguồn kinh phí tạm ứng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Võ Chí Hữu cho biết: “Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực tập trung triển khai thực hiện hoàn thành chương trình đúng theo tiến độ đã đề ra”.
Với cách làm chủ động, sáng tạo, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, những vùng quê như Thanh Bình, Tân Hồng, Châu Thành, Lấp Vò… của tỉnh Đồng Tháp đang từng ngày thay da đổi thịt, thắp lên niềm tin yêu, niềm vui mới trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.