Tỉnh Vĩnh Long hiện có 230 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó có hai sản phẩm đạt 5 sao, 79 sản phẩm đạt 4 sao và 149 sản phẩm đạt 3 sao; với 133 chủ thể gồm: 31 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 30 công ty, 66 hộ sản xuất, kinh doanh.
NÂNG GIÁ TRỊ ĐẶC SẢN MIỀN QUÊ
Năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Long có 98 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó cấp huyện công nhận 63 sản phẩm, cấp tỉnh công nhận 35 sản phẩm. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; nhất là việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng bộ tiêu chí OCOP.
Long Hồ là một trong những huyện có nhiều đặc sản và sản phẩm OCOP, với lợi thế vùng trái cây đặc sản các loại như chôm chôm, nhãn, sầu riêng… Nằm bên những dải cù lao phù sa màu mỡ cùng hoạt động khai thác thủy sản và du lịch homestay, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã nhanh chóng nổi tiếng, như: Sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sáu Ri đạt 5 sao, chôm chôm của Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước đạt 4 sao, dưa ngó lục bình Thạnh Quới đạt 3 sao, du lịch nhà dừa Cocohome của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch nhà dừa Vĩnh Long đạt 4 sao…
Để có sản phẩm được công nhận ở từng mức hạng, bộ tiêu chí, tất cả các chủ thể, hợp tác xã đều đặt lòng tin và tâm huyết vào sản phẩm của mình, thậm chí gắn bó cả cuộc đời với sản phẩm. Nổi bật là sản phẩm OCOP 5 sao sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sáu Ri. Chị Lê Huệ Hân, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Có được sản phẩm chất lượng như hôm nay là một quá trình, thể hiện sự gắn bó và tâm huyết đối với loại trái cây do chính cha tôi lai tạo nên. Để sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến, gia đình chúng tôi đã tham gia vào chương trình xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền, công ty có những sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Long Hồ Hồ Thế Nhu cho biết: Tính đến nay, toàn huyện có 38 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao. Từ năm 2021 đến nay, huyện và tỉnh đã hỗ trợ gần 600 triệu đồng giúp các chủ thể, hợp tác xã tạo dựng và nâng chất sản phẩm của mình. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ Võ Trung Sơn, nhiều năm qua, sản phẩm OCOP là vấn đề huyện quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các hợp tác xã thực hiện. Hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch tạo sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang giá trị kinh tế cao. Với những sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP thì giá trị tăng lên rất nhiều, tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
HỖ TRỢ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
Để chương trình được liên tục và đạt hiệu quả cao, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 và cụ thể hóa bằng kế hoạch hằng năm. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, đây là năm thứ 6 tỉnh thực hiện chương trình và là năm thứ tư của giai đoạn 2021-2025 cho nên nhận được nhiều sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm, tham gia của người dân, các chủ thể OCOP trên địa bàn cho nên số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận đã vượt so với kế hoạch (230/150 sản phẩm). Cùng với đó, các ngành chức năng, địa phương tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể hoàn chỉnh hồ sơ theo tiêu chí đánh giá và quảng bá sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận được tạo điều kiện xúc tiến thương mại thông qua các kỳ Festival, hội chợ, triển lãm; đồng thời được hỗ trợ số hóa thông tin trên sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chính những lợi thế này đã trở thành động lực thôi thúc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh giữ vững, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết: Là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp với những vùng chuyên canh, cây ăn trái đặc sản, Vĩnh Long có điều kiện thuận lợi lựa chọn nông sản đặc trưng để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom… Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế như EU, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc…; điển hình là các sản phẩm từ khoai lang và sầu riêng.
Để nâng cao giá trị và lan tỏa sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ quảng bá sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, hình thành những cơ sở kinh doanh, hướng tới mỗi địa phương xây dựng ít nhất một cơ sở bán sản phẩm. Các chủ thể OCOP dựa trên nền tảng này sẽ phân phối bán hàng, giải quyết đầu ra, còn tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nâng hạng sản phẩm. Đồng thời, vận dụng tối đa các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của Trung ương và địa phương để hỗ trợ các chủ thể OCOP; xây dựng sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm và bảo vệ thương hiệu sản phẩm; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển sản phẩm OCOP với chương trình phát triển, phục hồi các làng nghề truyền thống và phát triển du lịch.