Là một người đam mê kinh doanh, hơn 5 năm trước, chị Đỗ Thị Xuân Diệu ở huyện Thới Lai quyết tâm tìm đường khởi nghiệp. Điều khiến chị luôn trăn trở là làm sao tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Nhờ chồng là kỹ sư công nghệ thực phẩm và một số người tư vấn, chị Diệu quyết định nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm từ quả lê-ki-ma (quả trứng gà), loại quả có nhiều tại địa phương.
Ban đầu là dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê-ki-ma ở Việt Nam”, sau đó, chị Diệu sản xuất đại trà sản phẩm lê-ki-ma sấy dẻo và bán ra thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tiếp đó, chị thành lập Công ty Dika Happy và nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm như bột, trà, bánh từ lê-ki-ma có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Năm 2024, sản phẩm lê-ki-ma sấy dẻo của công ty được thành phố Cần Thơ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. “Xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê loại trái gắn liền với ký ức tuổi thơ lại có giá trị dinh dưỡng cao này, tôi muốn bảo tồn và nâng tầm giá trị trái lê-ki-ma. Hy vọng thời gian tới, sản phẩm sẽ đến tay không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà còn vươn ra thế giới”, chị Diệu chia sẻ.
Cách đây gần 6 năm, chàng trai trẻ Trương Văn Pháp ở huyện Vĩnh Thạnh tốt nghiệp hệ trung cấp ngành Y học cổ truyền ấp ủ kế hoạch dùng những kiến thức đã học để khởi nghiệp. Sau một thời nghiên cứu và đi khắp nơi học hỏi, Pháp quyết định sản xuất trà mãng cầu và thương hiệu trà mãng cầu Diệu Phúc ra đời. Hiện nay, sản phẩm đã trở thành mặt hàng khá nổi tiếng tại nhiều gian hàng không chỉ ở Cần Thơ mà cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2023, sản phẩm trà mãng cầu Diệu Phúc được thành phố công nhận OCOP. Anh Pháp cho biết: “Với thanh niên có mong muốn khởi nghiệp, việc lựa chọn được con đường đúng đắn là rất cần thiết. Ngoài thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức mới tôi còn tham gia các lớp đào tạo về kinh doanh, tìm hiểu cách thức phân phối sản phẩm thông qua các kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống. Mới khởi nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm cho nên việc đưa sản phẩm của mình đến các hội chợ, sự kiện để giới thiệu cũng hết sức cần thiết”.
Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp đang lan rộng trong thanh niên tại Cần Thơ. Hầu hết các bạn trẻ đều thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi. Tuy nhiên con đường khởi nghiệp thường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều người gặp khó khăn về việc kêu gọi nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, do sản phẩm mới đưa ra thị trường cần nhiều thời gian để thuyết phục khách hàng… “Nhân sự, kỹ thuật, máy móc là những trở ngại lớn nhất.
Nếu không tìm được người hỗ trợ sản xuất sẽ không có nhiều thời gian để đầu tư phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được các cơ quan chức năng, địa phương… hỗ trợ về cách quản lý website, quảng bá thông tin sản phẩm”, anh Pháp chia sẻ. Với Đỗ Thị Xuân Diệu, ổn định sản xuất và xa hơn là tìm hướng xuất khẩu, quỹ đất và vùng nguyên liệu bảo đảm vẫn đang là bài toán khó, cần sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và nhà khoa học.
Để đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: “Ngày hội thanh niên Cần Thơ” với chủ đề Khởi nghiệp-Đổi mới- Sáng tạo; cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên Cần Thơ”; hội thảo khoa học “Phát huy ý tưởng thanh niên khởi nghiệp với kinh tế xanh và thích nghi với biến đổi khí hậu”…
Theo Thành đoàn Cần Thơ, quý I vừa qua, Ban Thường vụ Thành đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên; nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên; giới thiệu các khóa đào tạo nghề giúp các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo ông Nguyễn Tấn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên đô thị (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ), mấy năm qua hợp tác xã đã hỗ trợ trưng bày và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên... trong đó có nhiều sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để thành công cần nhiều yếu tố khác, không chỉ dựa hoàn toàn vào nhiệt huyết và sự đam mê của tuổi trẻ. Nhiều bạn trẻ vẫn phụ thuộc các kênh bán hàng truyền thống mà chưa đẩy mạnh bán hàng trực tuyến; hình thức, chất lượng bao bì, nhãn mác cũng chưa được chú trọng cho nên các sản phẩm giảm tính cạnh tranh… Vì thế, để khắc phục những điều còn thiếu, phát triển được mô hình kinh doanh hiệu quả thì sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, chuyên gia có kinh nghiệm và việc có thêm nhiều sân chơi khởi nghiệp là rất cần thiết.