PHÁT TRIỂN KHÁ NHANH
Nghề nuôi chim yến tại tỉnh Tiền Giang phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 199 nhà yến thì đến giữa năm 2025 đã tăng lên 1.782 nhà yến. Số lượng nhà yến đã đi vào khai thác là 1.216. Địa phương cũng có 20 cơ sở chuyên sơ chế tổ yến, sản lượng bình quân 20 tấn/năm, tập trung nhiều ở thành phố Gò Công, thị xã Cai Lậy và các huyện: Gò Công Tây, Gò Công Đông, Chợ Gạo, Cai Lậy.
Nhà nuôi yến được các doanh nghiệp và hộ dân đầu tư xây dựng mỗi căn giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng (chưa tính tiền đất). Vài năm gần đây, sản lượng tổ yến sụt giảm do nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Bảy, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy đầu tư nhà nuôi yến được hơn ba năm cho biết: "Trước đây yến về khu vực này nhiều, hàng loạt nhà nuôi yến cũng “mọc lên”, mọi người cho biết thu hoạch khoảng chục kg/nhà/tháng. Thấy vậy, gia đình tôi đã mua đất và xây nhà yến hết hơn 3 tỷ đồng. Vậy mà từ khi xây dựng đến nay chỉ thu được trên 200 triệu đồng từ tiền bán tổ yến; không đủ tái đầu tư vào điện, nước và sửa chữa lại nhà do không thu hút được yến vào ở. Nếu tình trạng này kéo dài hai đến ba năm nữa, gia đình phải bỏ để chuyển sang công việc khác”.
Khu vực Gò Công là nơi xuất phát nghề nuôi yến của tỉnh Tiền Giang. Trước đây, vào lúc chiều tối, yến bay về trú ngụ ở các nhà yến rất nhiều, nhưng gần đây rất ít. Ông Lê Văn Hùng, hộ nuôi chim yến lâu năm tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây chia sẻ: “Hiện nay, đàn yến tại khu vực thành phố, các huyện phía đông của tỉnh giảm khoảng 60% so với những năm trước. Điều này dẫn đến sản lượng tổ yến thu hoạch giảm mạnh. Trước kia nhà yến của tôi tại ngã ba Hòa Đồng (huyện Gò Công Tây) mỗi tháng thu hoạch hơn 30 kg yến thô, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 20 kg/tháng”.
Theo người nuôi yến, nguyên nhân có thể do số lượng nhà nuôi yến được xây dựng nhiều, tình trạng giăng lưới bắt yến vẫn diễn ra thường xuyên gây sụt giảm đàn yến. Bên cạnh đó, giá tổ yến hiện cũng giảm mạnh; giá tổ yến thô hiện dao động từ 16-18 triệu đồng/kg.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, dịch vụ Trí Sơn (thành phố Mỹ Tho) là một trong những doanh nghiệp có số lượng nhà yến lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Giám đốc công ty Bùi Băng Sơn cho biết: “Hiện nay sản lượng yến ngày càng giảm, là tình hình chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Mới đây chúng tôi có tham gia một hội nghị về ngành yến ở Malaysia. Theo báo cáo của Hiệp hội yến sào nước này, trước đây sản lượng thu hoạch tổ yến hằng năm của Malaysia khoảng 700 tấn tổ yến. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng giảm chỉ còn khoảng 400 tấn/năm”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, nghề nuôi chim yến của tỉnh cũng như các địa phương khác trên toàn quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Mặt khác, nhà yến chưa được công nhận là tài sản gắn liền với đất, chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và việc vận hành cũng đang là khó khăn.
Nghề nuôi chim yến như là "cái duyên". Có nhà xây dựng xong yến vào ở rất nhiều. Nhưng cũng có nhà đầu tư hiện đại lại không có yến vào. Do đó, việc đầu tư nhà yến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cần lựa chọn vị trí phù hợp, nằm trong vùng quy hoạch, khu vực có hệ sinh thái đa dạng, nhiều thức ăn cho yến.
HƯỚNG ĐẾN SỰ BỀN VỮNG
Trước những khó khăn đang đối mặt, nghề nuôi chim yến cần định vị lại hướng đi để tồn tại và phát triển bền vững. Theo ông Bùi Băng Sơn, bên cạnh rủi ro cũng có nhiều cơ hội bởi sản lượng yến của Malaysia giảm, tỷ lệ bán tổ yến ngày càng ít đi trong khi Việt Nam có những nơi giảm sản lượng nhưng cũng có nơi lại đang phát triển rất tốt, tạo giá trị xuất khẩu cao. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, dịch vụ Trí Sơn đã được cấp mã số nhà đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với hạn ngạch 70 tấn/năm. Công ty đã liên kết với những hộ nuôi trong khu vực hình thành vùng nguyên liệu, với hệ thống 253 nhà yến đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết: Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, thời gian tới địa phương cần tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn đăng ký và cấp mã số nhà yến; quy trình chung/sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc; quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà yến không thuộc vùng nuôi chim yến và các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật liên quan.
Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh hợp tác giữa Tiền Giang với các tỉnh, thành phố trong cả nước về phát triển nuôi chim yến đạt chuẩn, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết xuất khẩu yến sào Tiền Giang. Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang chia sẻ, các cơ sở nuôi yến cần chú trọng tăng chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các cơ sở phát triển nghề nuôi yến trên địa bàn.