Một mình cô sắm cả ba vai chèo
Giảng viên tiếng Việt thuộc bộ môn Đông Nam Á học, Khoa châu Á và Bắc Phi học, Đại học Ca’ Foscari Venezia (Italia), Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italia - Việt Nam, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, phiên, biên dịch tiếng Việt-Pháp-Anh-Nga-Bồ Đào Nha, phụ trách biểu diễn nghệ thuật Việt và bếp trưởng quầy Việt trong các Lễ hội văn hóa quần chúng tại Italy. Mới điểm sơ các đầu việc chị Lê Thị Bích Hường làm mà những câu thơ xưa lại ngân nga trong đầu tôi: “Mẹ vui con có quản gì/Ngâm thơ kể chuyện, rồi thì múa ca/Rồi con diễn kịch giữa nhà/Một mình con sắm cả ba vai chèo” (thơ Trần Đăng Khoa).
Trích thơ thế này có khi được chị Hường khen cũng nên. Chính chị thường xuyên phải rót thêm thơ ca nghệ thuật truyền thống - dân gian vào các bài dạy tiếng Việt cho sinh viên tại Italy.
Từ khi ra trường, nghề phiên dịch đẩy đưa chị Hường đến nhiều nơi. Sang phiên dịch tiếng Nga ở Nga, về Việt Nam phiên dịch tiếng Pháp cho các dự án hợp tác song phương Italy-Việt, là phiên dịch tiếng Italy chính thức của Đại sứ Italy Zamboni tại Việt Nam, sang Brasile làm Giám đốc điều hành kiêm phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha cho các dự án hợp tác Italy-Brasile trong lĩnh vực giáo dục mầm non của một tổ chức phi chính phủ, nhân duyên gặp người chồng Italy rồi định cư ở Bologna. Tại đây chị tiếp tục được gọi đi phiên dịch ở tòa án. Sẵn nong, sẵn né, chị Hường học luôn cao học về phiên dịch hình sự. Coi đây là nghề chính mới nhận ra người Việt mình ở Italy vừa ít, vừa lành, hóa ra chị chẳng có việc ổn định. Kết luận vui này được đưa vào buổi báo cáo luận văn thạc sĩ: “Người Việt ở nước Italy đều là các công dân tốt, tôn trọng pháp luật nên tôi thành thất nghiệp, chả có việc làm”.
Khoảng bốn năm nay tiếng Việt mới được đưa vào bộ môn Đông Nam Á học, Khoa châu Á và Bắc Phi học, Đại học Ca’ Foscari Venezia và chị Hường cũng đã dạy ở đây được chừng ấy năm. Thế nên chị càng ghi nhận công lao, tâm huyết của người thầy trưởng khoa đã quyết tâm đưa tiếng Việt vào giảng dạy chính thức cho sinh viên ngành châu Á và Bắc Phi học. Môn học là thứ tiếng không phổ biến, giáo trình bằng tiếng Anh do các giáo sư dạy tiếng Việt ở đại học Mỹ soạn thảo khá thú vị nhưng phải chuyển tải sang tiếng Italy và so tiếng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc thì sinh viên đăng ký học chưa đông nên chị Hường luôn trăn trở: “Mình phải dạy thế nào để thu hút và giữ chân được sinh viên, nếu không lớp sẽ khó tồn tại”.
Thế là trời rét run cầm cập sinh viên vẫn đến nghe cô giảng Kiều, học múa mời trầu mời nước, học đánh trống, học hát chèo, hát xẩm ca, tuồng cổ, cải lương... trong các buổi ngoại khóa. Thoạt đầu cả lớp ngơ ngác, rồi nhập điệu, mừng rú: “Cô ơi em nói chuyện được với khách du lịch Việt ở Venezia rồi”, “Cô ơi em viết được bài văn dài hơn 800 từ rồi”, “Cô ơi em diễn được Xúy Vân giả dại rồi”...
Chị Hường ngoài việc mời được các nghệ sĩ nổi tiếng đến nói chuyện miễn phí với sinh viên về nhạc tiền chiến (ca sĩ Tùng Dương), giới thiệu về chèo (NSND Đoàn Thanh Bình), còn tự bỏ tiền ra học múa Xúy Vân trong màn giả dại để phụ đạo cho sinh viên. Cũng chị tự lo tiền bồi dưỡng giảng dạy tuồng cổ online cho sinh viên. Biết bao vốn văn hóa, cả vốn đời và vốn trong nhà nữa, cô Hường bền bỉ âm thầm rót vào dự án “bài giảng giàu chất liệu” để sinh viên phân biệt được người bình dân nói tiếng Việt thế này, tiếng Việt hàn lâm thì dùng từ thế kia. Cứ thế, cô-trò cùng say miếng trầu tính, trầu tình. Có sinh viên kiêm cầu thủ thể thao, trùng giờ tập luyện và thi đấu với giờ học của cô Hường đã đề nghị “Cô quay video bài giảng cho em xem lại với nhé, em muốn nghe những điều cô giảng thêm ngoài nội dung của giáo trình trên lớp”.
![]() |
Cô Hường dạy sinh viên hát quan họ. |
Thực đơn tình yêu đi thi
Sinh viên bỏ lỡ bài giảng nào của cô cũng tiếc. Còn họp hành dự án gì liên quan giao lưu đa văn hóa ở thành phố Bologna mà thiếu cái bóng bà Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy-Việt Nam cũng thấy không khí kém hẳn. Chị kể: “Đi họp mình hô Việt Nam to lắm! Có cơ hội là tận dụng quảng bá cho Việt Nam ngay. Hình ảnh áo dài gồng gồng gánh gánh trên cây cầu vào thành phố là do chị và cô em gái vẽ đấy chứ. Đầu năm vừa rồi một hoạt động của 40 tổ chức chuyên nghiệp cũng mời bốn Hiệp hội nước ngoài trong đó có Hiệp hội mình tham gia biểu diễn. Thế là dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của NSND chèo Minh Thu và con gái - ca sĩ Đỗ Quyên, các diễn viên không chuyên của Hiệp hội làm thành một gánh hát luôn, đánh trống ầm ầm trên Quảng trường Bologna”.
“Ba quan một chiếc là chiếc thuуền rồng/có về là về với hội có bến sông có a con thuyền”. Chị Hường bền bỉ bỏ công đi ba quan, mời trầu theo cách của mình để Hiệp hội duy trì hoạt động. “Việc của Hội nhưng vì Hiệp hội cũng chưa thật lớn mạnh về quỹ vốn nên để đỡ tốn kém thuê địa điểm nấu nướng, nhà mình phải mở cửa, bếp mình phải đỏ lửa ninh nồi bánh chưng 12 tiếng vào dịp Tết hay nấu nướng cho các lễ hội suốt nhiều năm kể từ khi chị sang Italy”, chị bộc bạch.
“Năm nay Hường thi món canh tình yêu à?” một đồng nghiệp hỏi khi biết gian hàng Việt của nhóm chị Hường vừa giành giải nhì tại Lễ hội giữa các dân tộc-Festival Poppoli Bagnara 2023. Hỏi thế là bởi biết Hiệp hội được mời tham gia liên tục nên thực đơn mỗi năm phải lên theo chủ đề vừa mới lạ vừa hấp dẫn. Gian hàng Việt năm nào cũng chuẩn bị đồ ăn rất vất vả, cầu kỳ mang nguyên liệu từ Việt Nam sang, thiếu cái gì phải kêu gọi hỗ trợ từ Pháp. Khá tốn kém. Một cái nem chay thôi đã 9-10 thứ nguyên liệu.
Sự vất vả kỳ công ấy cũng xứng đáng: năm đầu làm nem rán giành ngay giải nhất, năm sau làm nem chay cũng giải nhất, nem lụi-giải nhất, bánh xèo-giải nhì, bún chả lá lốt giải nhì... Năm nay có chủ đề Amazone nên nhóm của chị Hường làm chả lá lốt ăn kèm hoa chuối. Chủ tịch Ban giám khảo (từng tham gia chương trình truyền hình thi ẩm thực Masterchef) nhìn thấy hoa chuối hỏi ngay cách sử dụng như thế nào, làm các món ăn nào… Bói khắp Italy không ra lá lốt, may có em hội viên người Pháp gốc Việt đặt mua được lá lốt bên Pháp chuyển sang. Chủ đề thay đổi hàng năm thế thôi, chứ thứ gia vị của tình yêu truyền bá ẩm thực-văn hóa Việt thì món nào cũng phải nêm nếm đều tay mới “ngon” được tới ngày hôm nay.
Tính đến nay chị Hường đã gom góp được khối lượng trang phục đủ cho 300 người diễn cùng lúc. Chồng phải làm thêm một nhà kho cho vợ để đồ múa lân, trống, quần áo biểu diễn. Sức người có hạn, sau này chị nhắm được ai gánh vác Hiệp hội chưa? Chị cười, bảo làm các hoạt động tình nguyện không hề đơn giản: “Tham gia một sự kiện thì chồng con phải dậy từ sớm bê giúp mấy vali đạo cụ ra tàu, sinh viên phải ra ga đón, xong một sự kiện lại mất bốn ngày dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ trang phục...
Có lúc mệt quá ngồi thừ ra suy nghĩ, mình làm những việc này lợi lộc gì? Cái lợi là được làm điều mình thích. Thế thôi, nhỉ!”.
Có lẽ cuộc sống xa xứ cũng phần nào đẩy đưa phải đóng nhiều vai, làm nhiều việc, chứ chị Hường vẫn nói “Mình hát không bằng cháu, nấu ăn không bằng chị” (chị Hường là dì ruột của một ca sĩ Việt Nam nổi tiếng). Hiệp hội lập ra, kiêm luôn đầu bếp trưởng, phải tích cực tham gia hoạt động địa phương mới gây được quỹ hội. Có quỹ hội lại làm từ thiện “Vừa cùng mấy chị em tối mặt mũi quấn 1.000 cái nem đem bán gây quỹ quyên góp cho người dân bị lũ lụt ở vùng Emila Romagna”.