Lan tỏa những việc làm giản dị mà cao đẹp

Ở An Giang có nhiều người dân tự nguyện đi dặm vá lại các tuyến đường hương lộ, tỉnh lộ, đường nội ô, ngoại ô bị hư hỏng xuống cấp giúp người đi xe gắn máy lưu thông an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên của Đội vá đường thiện nguyện huyện Chợ Mới đổ nhựa đường, thi công đoạn đường nông thôn xuống cấp.
Các thành viên của Đội vá đường thiện nguyện huyện Chợ Mới đổ nhựa đường, thi công đoạn đường nông thôn xuống cấp.

Hơn 10 năm nay, người dân thành phố Long Xuyên đã quen với hình ảnh ông Cao Văn Long (ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên) chạy xe đạp mang theo đồ nghề tự chế đi dặm vá các con đường. Nơi nào có các “ổ gà”, “ổ voi” là ông Long dừng lại, mở túi đồ nghề lấy lớp đá dăm rải lên các đoạn đường bị lõm rồi dùng cào nén lại cho đường bằng phẳng, sau đó ông trét dầu, đổ nhựa phủ lên cho lớp đá nhựa mới bám dính với mặt đường. Cứ thế, một mình với chiếc xe đạp chở đồ nghề, ông Long thầm lặng qua các tuyến đường.

Sau này, nhiều người biết đến việc làm của ông cho nên thấy ông ngồi vá đường là họ ra phụ giúp, có người gửi ông chai nước suối, ổ bánh mì. Nhựa đường thì nơi nào làm công trình, ông đến xin lớp bê-tông nhựa cũ mang về chịu khó đập nhuyễn ra, đem nấu cho chảy ra rồi dùng lớp nhựa đường tái chế này đi vá đường. Việc làm cao đẹp của ông Long đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen; năm 2019, Bộ trưởng Giao thông vận tải lúc bấy giờ đã gửi thư cảm ơn ông Long: “Thay mặt ngành giao thông vận tải, xin trân trọng cảm ơn ông về việc làm nhân văn đầy ý nghĩa này… Việc làm của ông đã được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành giao thông vận tải trân trọng ghi nhận, biểu dương”.

Tỉnh An Giang có nhiều cá nhân tham gia làm việc vá đường thiện nguyện như ông Long. Hôm về xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, chúng tôi thấy Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong đang thi công trải nhựa trên đoạn đường dài hơn 10m đang bị xuống cấp. Ông Huỳnh Thiện Phện, Đội trưởng Đội từ thiện sửa đường xã Châu Phong chia sẻ: “Từ năm 2014 đến nay, 10 thành viên của đội thường xuyên làm công việc vá đường. Đoạn đường đang làm này các em học sinh hay đi qua, chúng tôi sửa đường bằng phẳng để các em đạp xe đi học an toàn hơn”.

Ông Phện chia sẻ, các thành viên của đội đều là nông dân và có cuộc sống khá giả cho nên tự nguyện đóng góp sức lực và tiền, sửa lại đường hỏng giúp người dân lưu thông trên các tuyến đường quê thuận lợi và an toàn hơn. Các thành viên trong tổ tùy độ tuổi và sức khỏe làm theo sức của mình. Để con đường làm được bền hơn, các thành viên trong tổ đi học kinh nghiệm rồi hùn tiền mua nhựa về nấu, học cách trộn đá mi để tráng đường. Từ đó, các con đường do tổ làm vừa lâu hư, vừa bằng phẳng.

Một trong những đội nổi tiếng là Đội vá đường thiện nguyện huyện Chợ Mới với các “kỹ sư” tuy tay ngang nhưng lại được trang bị đầy đủ kiến thức và thiết bị. Đội thành lập năm 2016 do ông Tạ Ngọc Cường làm đội trưởng. Ông Cường là y sĩ đã giúp nhiều trường hợp người dân bị tai nạn giao thông do té xe, do va quệt cho nên ông quyết tâm thành lập đội với ước mong các đường quê giảm hẳn số vụ tai nạn giao thông do đường xuống cấp. Lúc ban đầu, đội chỉ có sáu thành viên nhưng hoạt động hiệu quả, về sau số lượng người dân tham gia ngày càng đông với hơn 80 thành viên đủ lứa tuổi, ngành nghề: Giáo viên, nông dân, y sĩ, bác sĩ... Ban đầu, nhân lực ít cho nên đội chỉ dặm vá các đoạn đường hư hỏng nhẹ, các ổ gà, các đoạn đường lâu ngày nhựa bê-tông bị bong tróc gần các trung tâm huyện. Khi nhân lực tăng lên, đội cử thành viên đi học tập kinh nghiệm, rồi cùng góp tiền mua xe lu lèn đá, xe bán tải chở vật liệu, bốn lò nung nhựa đường...

Huyện Chợ Mới là cù lao nhưng có số dân cao nhất tỉnh, gồm hai thị trấn và 12 xã, cứ nơi nào có đoạn đường xuống cấp, đội vá đường không ngại đường xa đều đến liên hệ địa phương thi công miễn phí, như thi công đoạn đường xã Kiến An dài 900m, xã Mỹ Hội Đông dài 1.500m... Ông Cường nói: “Đội chúng tôi khi thi công đều cùng chung ý nguyện sức khỏe, an toàn giao thông là trên hết cho nên phân công người nào có bằng lái xe ô-tô thì lái xe, người trẻ thì khuân vác đá hay trộn xi-măng. Số khác thì nấu nhựa, tưới nhựa đường, phân luồng giao thông; người lớn tuổi hay phụ nữ thì phụ bưng bê, nấu ăn cho đội”.

Cứ thế, cũng như những nơi khác, Đội vá đường thiện nguyện huyện Chợ Mới không nhận thù lao hay bất cứ bồi dưỡng nào. Với các nhà hảo tâm đóng góp tiền để góp sức giúp đội sửa chữa, nâng cấp đường quê thì đội đều ghi sổ sách thu, chi rõ ràng. Tâm niệm của các thành viên của đội cũng như những đội vá đường tình nguyện khác đều chung mục đích: Những đoạn đường được sửa chữa không còn ổ gà, ổ voi, không còn bị hư hỏng, lồi lõm, giúp người dân tham gia giao thông an toàn hơn… Những con đường bằng phẳng sau khi làm xong, lời cảm ơn của người dân, nụ cười của các em học sinh khi lưu thông trên các tuyến đường đã khiến cho họ quên đi bao mệt nhọc, tiếp tục làm công việc giúp đời.