Thay đổi diện mạo y tế
Ở vùng núi cao Hà Giang, bà con thường coi những cơn đau khớp là "nan y", nay đã có sự thay đổi lớn nhờ ứng dụng công nghệ y tế. Bà Tẩn Thị Hoa (53 tuổi, dân tộc Dao) từng bị đau nhức xương khớp kéo dài nhưng không đi khám vì nghĩ đó là chuyện "tuổi già". Chỉ đến khi đoàn y, bác sĩ của Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam về khám tại địa phương, bà mới được chẩn đoán nguyên nhân do loãng xương nhờ thiết bị siêu âm xương cầm tay. "Trước đau chỉ biết đắp lá. Giờ bác sĩ có máy soi là ra bệnh ngay. Từ ngày được khám, bác sĩ tư vấn cách uống thuốc và tập luyện, tôi thấy xương cốt đỡ đau nhiều rồi," bà Hoa cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa II Đào Thùy Dương, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, cho biết: "Từ khi được bệnh viện đầu tư máy móc hiện đại, Hội Chấn thương chỉnh hình hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, việc chẩn đoán và điều trị chấn thương chỉnh hình tại địa phương đã có bước tiến rõ rệt. Thiết bị không chỉ giúp tăng độ chính xác mà còn kết nối dữ liệu với bệnh viện tuyến trung ương, hỗ trợ bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp".
Ứng dụng công nghệ y tế hiện đại đang dần lan tỏa tới khắp các địa phương trên cả nước. Tại các bệnh viện tuyến trung ương, chuyển đổi số đi cùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp ngành chấn thương chỉnh hình tiệm cận gần hơn với nền y học hiện đại của thế giới. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức triển khai robot phẫu thuật và trung tâm đào tạo nội soi hiện đại, giúp thực hiện thành công các ca thay khớp phức tạp. Bệnh viện Bạch Mai áp dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, giảm thời gian và tăng độ chính xác. Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh sử dụng AI trong phân tích mô bệnh học, hỗ trợ cá thể hóa phác đồ điều trị ung thư. Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng định vị 3D, máy cắt xương tự động và in 3D kết hợp AI trong phẫu thuật xương hàm mặt, cải thiện khả năng phục hồi cho bệnh nhân.
Còn áp lực về vật chất, nhân lực, nguồn vốn
Ngoài ứng dụng trong điều trị, công nghệ cao còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 21 của Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam năm 2024 thu hút hơn 1.000 bác sĩ, chuyên gia với 170 báo cáo khoa học trong nước và 40 báo cáo quốc tế. Các nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đã giúp nâng tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật thay khớp, vi phẫu nối chi thể và nội soi khớp lên trên 95%.
Dù đạt được nhiều thành tựu song ngành chấn thương chỉnh hình vẫn phải đối mặt các thách thức từ sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các tuyến, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và áp lực về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế cần có chiến lược đầu tư dài hạn, đồng bộ.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khẳng định: Nhiều ca phẫu thuật thay khớp phức tạp, trước đây phải thực hiện ở nước ngoài, nay đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công. Tuy nhiên, để chuyển đổi số, ngành chấn thương chỉnh hình cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa để nâng cấp hạ tầng y tế. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác công-tư khai thác tiềm lực của các doanh nghiệp công nghệ, tăng cường đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác với các trung tâm y học lớn trong và ngoài nước. Đưa chuyển đổi số vào sinh hoạt chuyên môn, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới trong toàn ngành.
Chuyển đổi số không chỉ là đích đến mà còn là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đồng bộ từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến chính sách quản lý. Với quyết tâm của các y, bác sĩ và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, chuyển đổi số trong chấn thương chỉnh hình sẽ mang đến chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người bệnh.
Theo PGS, TS Cao Thỉ, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam: "Nhờ hệ thống định vị không gian 3D, chúng tôi có thể xác định chính xác vị trí cắt xương. Đặc biệt, ứng dụng AI lập kế hoạch phẫu thuật giúp bác sĩ nắm bắt đầy đủ thông tin trước khi can thiệp, giảm nguy cơ tai biến. Nếu biết tận dụng công nghệ cao, chúng ta không chỉ giữ chân bệnh nhân trong nước mà còn thu hút được người nước ngoài đến điều trị".