Đặt chân đến đầu con hẻm Bùi Thị Xuân (thuộc phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa, TP Huế), chúng tôi dễ dàng nghe được từng tiếng búa, tiếng cọ xát của mũi dũa lên bề mặt kim loại... Âm thanh chát chúa tạo nên cảm giác sần sùi đó đã đi theo cuộc đời của bao thế hệ cư dân ở con hẻm này.
Đời đồng như thể đời người
Quay lại lịch sử làng nghề ở TP Huế thì làng đúc đồng ra đời vào năm 1836, trước kia là làng Dương Xuân, gồm 5 thôn Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng, Giang Dinh và Giang Tiền. Trong đó, 2 thôn Kinh Nhơn và Bản Bộ có đội thợ đúc sản phẩm đồng kích thước lớn, nổi danh ở xứ Huế. Thế hệ thợ đúc ngày nay ở phường Thủy Xuân đang kế thừa nghề là đời thứ 11 đến 13. Nhìn từng đôi bàn tay thô kệch, chai sần nâng lấy từng sản phẩm đồng bóng loáng đủ để hiểu, các nghệ nhân yêu cái nghề này đến nhường nào.
Nhớ lại những tác phẩm nổi bật do mình chế tác, ánh mắt Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Viện (80 tuổi) lộ rõ sự tự hào. Đó là Đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Bộ nặng 36 tấn, cao 5,5 m, đường kính 3,45 m được đặt ở chùa Bái Đính (Ninh Bình). Trong đó, chính tay ông Viện khắc hai bài kinh Phật bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ bằng cách khắc âm bản.
Hay nghĩ xa, ông Viện tập hợp tất cả tư liệu hình ảnh quá trình sản xuất, các sản phẩm độc nhất của mình trong 66 năm qua để tạo thành không gian trưng bày riêng tại nhà. Trong đó, bình cắm hoa, phù điêu đúc đồng phong cảnh Huế, chuông đồng, bộ bình song hỷ đỉnh đốt trầm... nằm ngăn nắp trên kệ.
NNƯT Nguyễn Văn Viện tâm sự: “Giá trị của một món đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng rất khác biệt. Không phải ai nhìn vào cũng đều hiểu được mọi nét riêng của nó. Tôi lo rằng, hết đời tôi và con trai tôi thì nghề này không còn ai tiếp nối. Cháu chắt có con đường học tập, làm việc nhẹ nhàng hơn. Nếu chúng có hứng thú thì chỉ thấy qua những sản phẩm tôi còn giữ lại để biết nghề truyền thống của gia đình”.
Nếu nói rằng một nghệ nhân chế tác đồ đồng điêu luyện là nhờ năng khiếu thì khi nhìn cách làm việc của họ sẽ thấy nét hoa nghề trong đó. Ông Viện hay nói vui với khách hàng rằng, ông biết đúc đồng từ hồi còn trong bụng mẹ. Sở dĩ nói vậy là vì đời sống kinh tế gia đình đều gắn liền nghề đúc đồng. Con cái sinh ra được chứng kiến cái khó nhọc của nghề. Từ đó, niềm tin cùng sự trân quý công sức dần tăng lên trong mỗi con người.
Gọi thợ đúc đồng là sự tổng hợp của thợ gốm, thợ nề quả không sai. Quá trình chế tác sản phẩm đồng truyền thống cần đủ các bước gồm tạo mẫu, làm khuôn, chọn đồng, nung khuôn, nấu đồng, đúc và hoàn thiện. Ngày xưa, khi làm nghề đúc đồng, các cụ thường dạy: người thợ phải đề cao tính chính xác từng đường nét, chính xác trong nguyên tắc pha chế đất sét làm khuôn hay tỷ lệ pha chế đồng phù hợp với từng dòng sản phẩm. Người thợ có tay nghề vững tạo ra chi tiết càng tinh xảo, cầu kỳ sẽ giúp tăng giá thành của sản phẩm.
Khách hàng tìm mua sản phẩm đồng của ông Viện thường khắt khe. Họ sẽ đến tận nơi xem sản phẩm. Ở làng, trong những chiếc lư đồng, chỉ cần thấy được sự cân xứng các chi tiết trang trí thì khách hàng sẽ biết do ông Viện làm hay không. Người làng thường nói, để hiểu về nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng thì hãy đến nghe về cuộc đời NNƯT Nguyễn Văn Viện.
![]() |
Tác phẩm “Vũ Nữ” (bên trái) và “Nón Huế” của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Viện. |
Uy tín không thể đổi bằng doanh số
Anh Nguyễn Văn Huỳnh (38 tuổi) là thế hệ thứ 13 đang tiếp nối nghề đúc đồng trong làng. Không chạy theo số lượng sản phẩm, anh Huỳnh chọn hướng sản xuất rải đều sản phẩm theo từng năm. Với 16 năm kinh nghiệm chế tác chuông đồng và tượng Phật, anh nhận thấy trong nghề này, nếu người thợ không làm việc thường xuyên sẽ rất khó nâng cao tay nghề. Vài năm gần đây, tình trạng thợ đúc đồng dần chuyển sang công việc khác khiến anh không khỏi lo lắng.
Đầu tư hệ thống nhà xưởng khép kín với thiết bị cẩu tải cùng khuôn đúc hạng trung, sản phẩm chuông đồng từ xưởng anh Huỳnh chủ yếu cung cấp cho những ngôi chùa lớn nhỏ trong TP Huế và các tỉnh, thành phố lân cận. “Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đời sống tâm linh, tín ngưỡng của con người càng hướng đến sự chỉn chu nhất có thể. Điều đó vừa là thuận lợi mà cũng sẽ tạo ra thử thách rất lớn cho thợ đúc đồng chúng tôi”, anh Huỳnh nhìn nhận.
Khi quan sát thao tác uyển chuyển của đội thợ, hai chữ “thử thách” trong nghề đúc đồng rất khó hình dung. Vừa tạo xong khuôn đúc phần giá móc của chiếc chuông, một người thợ nói rằng, phần khuôn bằng đất sét chỉ cần lệch một chi tiết thì cả mẻ đúc sau đó coi như... bỏ công. Chưa kể đến công đoạn nấu đồng và đổ vào khuôn. Với nhiệt độ nóng chảy của kim loại đồng là 1.085 độ C, người thợ trực tiếp rót đồng cần tập trung cao độ. Nếu không đổ liền mạch, khối đồng mất đi độ kết dính vững chắc. Trung bình, mỗi chiếc chuông của xưởng anh Huỳnh cần khoảng 500 kg đồng nguyên liệu. Do đó, sức khỏe và sự dẻo dai là hai yêu cầu tiên quyết khi một người muốn theo nghề này.
Nhớ lại hồi 22 tuổi, anh Huỳnh thấy được giá trị trong nét bình dị của một món đồ đồng thủ công. Thời điểm đó, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn một đồ vật bằng đồng ở đâu đó, chàng trai trẻ lại nhớ nghề của gia đình, để rồi quyết định bỏ việc ở phố, trở về duy trì nghề đúc đồng.
“Khi tiếp nối nghề đúc đồng truyền thống của gia đình, tôi tự hứa với lòng sẽ phát triển nghề theo hướng bền vững, lâu dài. Quan trọng là giữ được danh tiếng mà thời ông cha đã gầy dựng nên. Thêm một khách hàng đến đặt chuông, tượng đồng sẽ giúp tạo được công việc cho chính tôi cùng anh em trong xóm làng. Thí dụ hôm nay, anh em trong làng đến hỗ trợ xưởng của tôi thì qua ngày khác, tôi lại góp sức cùng anh em. Có những lần, tôi gọi thêm khoảng 15 người thợ để kịp hoàn thiện một chiếc chuông cỡ lớn. Lối sống ở làng đúc này là vậy”, anh Huỳnh chia sẻ.
Để các món đồ bằng đồng sống được trong thời đại ngày nay, cả NNƯT Nguyễn Văn Viện và anh Nguyễn Văn Huỳnh đều có chung một nhận định. Đó là phải kể được câu chuyện, chứng minh được nét riêng có duy nhất ở sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ở đó hoàn toàn không có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại theo dạng rập khuôn. “Đánh đổi doanh số sản phẩm bằng uy tín của đời người là điều đáng tiếc, đáng trách nhất khi làm nghề thủ công”, NNƯT Nguyễn Văn Viện khẳng định.
Từ xưa đến nay, nghề đúc đồng thủ công vẫn có đặc trưng nghề chọn người. Cái duyên đã đưa lớp trẻ quay về nối nghiệp của làng. Đạt đến đỉnh cao trong nghề đúc đồng thủ công là một mục tiêu mà mọi người thợ đều hướng đến. Điều đó sẽ dễ hay khó phụ thuộc vào niềm tin, sự hăng say trong từng việc nhỏ nhất như đắp hoa văn, đục đẽo tiểu tiết... “Hay ở chỗ, dù người sành sỏi đồ mỹ nghệ hoặc chỉ trong lần đầu nhìn đồ đồng xứ Huế, họ vẫn thấy rõ cái hồn Cố đô trong sản phẩm”, anh Huỳnh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Viện được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NNƯT năm 2020. Nhiều tác phẩm của ông như ống chạm “Long tứ linh” giành giải vàng Hội chợ triển lãm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2006; tác phẩm “Duyên dáng Cố đô” giành Giải vàng Hội chợ làng nghề Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2008. Tại các hội thi, bình chọn hàng thủ công mỹ nghệ do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trước kia tổ chức, ông có “Chuông đồng” giành Giải ba năm 2000, “Vũ điệu Hoa Đăng” giành Giải khuyến khích năm 2005, “Duyên dáng quê hương” giành Huy chương bạc năm 2005, “Huế quê tôi” giành Huy chương đồng năm 2008, “Đỉnh lư Tứ Linh” giành giải Khuyến khích năm 2010...