Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Một ngày giữa tháng 4, anh N.V.H, trưởng phòng một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội “tá hỏa” khi thấy hình ảnh nhạy cảm của mình trong nhà nghỉ, khách sạn, kèm tin nhắn đe dọa sẽ phát tán nếu không nộp tiền. Đoán được việc bọn lừa đảo tống tiền đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để ghép mặt mình vào ảnh, video nhạy cảm, nhưng anh H. không biết phải làm thế nào. “Chúng dọa gửi ảnh đến cơ quan tôi làm việc, phát tán khắp nơi, thậm chí tới trường của con trai tôi. Vì quá lo sợ, tôi đã chuyển 185 triệu đồng vào tài khoản chúng yêu cầu”, anh nói.
Ngược lại, anh D.H.S (quận Đống Đa, Hà Nội), một nạn nhân khác của thủ đoạn tương tự, chọn cách đối đầu. Thay vì im lặng, anh công khai toàn bộ tin nhắn và cuộc gọi đe dọa lên mạng xã hội. “Bọn chúng sống trong bóng tối, chỉ cần lôi ra “ánh sáng” thì không thể đe dọa nữa. Hành động này không chỉ khiến đối tượng chùn bước mà còn cảnh tỉnh cộng đồng về nguy cơ lừa đảo”, anh S. quả quyết.
Trong khi đó, chị Đặng Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), lại nhận được cuộc gọi zalo có hình của một cán bộ cảnh sát khu vực nơi chị cư trú, yêu cầu chị hoàn thiện thủ tục xác nhận quan hệ để con trai mới làm CCCD. “Cán bộ” đề nghị truy cập vào đường link để “khai cho nhanh, đỡ phải ra phường xếp hàng”. Cẩn thận trao đổi với chồng, chị được khuyên gọi lại vào số điện thoại cảnh sát khu vực, mới “ngã ngửa” khi biết người trước đó nói chuyện qua zalo có khuôn mặt bằng… AI.
Bộ Công an cảnh báo, gần đây xuất hiện hàng loạt website, facebook giả mạo các trường đại học, trung tâm đào tạo quảng cáo, các khóa huấn luyện học kỳ, trại hè quân đội, công an… cho trẻ em nhằm tiếp cận phụ huynh có nhu cầu và dụ dỗ nạp tiền tham gia để chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Nguyễn Thành Chung, Phó trưởng Phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng được phân thành 4 nhóm chính, gồm “Giả danh”; “Lừa đảo đầu tư tài chính”; “Bẫy kỹ thuật” và “Lừa đảo quan hệ tình cảm”. Trong đó, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án là phổ biến nhất; lừa đảo đầu tư tài chính là hình thức chiếm đoạt số tiền lớn nhất, có vụ một cá nhân bị lừa đến gần 50 tỷ đồng. “Tình trạng lừa đảo qua mạng đã diễn ra nhiều năm, nhưng gần đây đặc biệt phức tạp do tỷ lệ người dân dùng internet tăng cao, kết hợp sự phát triển của thanh toán số và tiền ảo”, ông Chung nhấn mạnh.
Lỗ hổng quản lý dữ liệu cá nhân
Theo thống kê của lực lượng chức năng, phần lớn số tiền lừa đảo đều bị chuyển sang tiền ảo trước khi thoát ra nước ngoài. Việt Nam hiện đứng tốp 4 thế giới về tỷ lệ tham gia giao dịch tiền ảo, đây là điều kiện thuận lợi cho tội phạm đưa tiền ra nước ngoài, phổ biến nhất dưới dạng USDT, Bitcoin… gây khó khăn truy vết. Tiền đã bị lừa hầu như không thể thu hồi.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (nay thuộc Bộ Công an) nhận xét, chúng ta thường xuyên nhận những cuộc gọi… không nói gì, nhưng không nhiều người biết ý đồ của nó: Thứ nhất, đó là cuộc gọi xác nhận số điện thoại vẫn đang hoạt động; thứ hai, đối tượng lừa đảo có thể thu nhận dữ liệu giọng nói chỉ bằng tiếng “a lô” để chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Ông Lương cho biết thêm, những đồn đoán cho rằng nghe một cuộc điện thoại, hay nhấp vào một đường link sẽ mất hết tiền trong tài khoản là không đúng. Đó chỉ là một khâu trong quá trình dẫn dụ người dùng của bọn lừa đảo. Mấu chốt là những mã độc đã được cài vào, sử dụng chức năng “trợ năng” trên điện thoại di động để kiểm soát hoàn toàn thiết bị, truy cập tài khoản ngân hàng và chuyển tiền. Các phần mềm ghi lại thao tác trên điện thoại cũng được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân, khiến người dùng khó phát hiện.
Với hơn 72 triệu người dùng internet, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet cao nhất thế giới. Tuy nhiên, việc quản lý dữ liệu cá nhân lại là lỗ hổng lớn. “Nguồn lộ thông tin rất nhiều, từ nhà mạng, siêu thị cho đến mua bán hàng hóa... Hầu hết đều không có quy trình quản lý chặt chẽ. Người dân cũng vô tư công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội”, Trung tá Chung nhấn mạnh. Cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ mua bán hàng nghìn gigabyte dữ liệu cá nhân, sử dụng hàng chục nghìn sim rác để thực hiện lừa đảo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ, tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam vẫn luôn “nóng”. Để từng bước đẩy lùi vấn nạn này, ngoài nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân, rất cần chế tài quản lý, xử lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn rò rỉ, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần giải pháp ứng phó khi tội phạm dần chuyển hướng từ sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân “rác” sang tài khoản doanh nghiệp, do vướng rào cản từ xác thực sinh trắc học.
Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có hơn 5.000 vụ lừa đảo qua mạng được báo cáo, với 80-90% sử dụng công nghệ cao. Tổng thiệt hại ước tính mỗi năm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.