Tất cả đều có vẻ rất khác lạ tới kỳ dị. Phía sau những điều có vẻ lập dị ấy lại là một tâm hồn say mê sáng tạo, lao động tận hiến cho cộng đồng không biết mệt mỏi, không màng thành bại.
Làng cổ xưa và giấc mộng đưa cái đẹp ra đảo
Năm 2000, Nguyễn Văn Phúng từng dựng nên Hoàng Hoa Thôn - một “làng Nha Trang cổ” ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng ngoại ô Nha Trang với những ngôi nhà rường cổ kính, vườn đào đậu nở rực mỗi mùa xuân. Không gian ấy như đưa người ta vào một miền ký ức xưa cũ, nơi mà kiến trúc, thiên nhiên và con người hòa quyện trong sự dung dị mà thanh tao.
Trước đó, những năm 1994, 1995 người ta đã nghe đến tiếng một “chàng Sơn Tinh” tên là Nguyễn Văn Phúng đã đào núi, lấp biển tạo dựng một quần thể du lịch ở bãi biển hoang Phước Đồng. Thời đó nơi đây biệt lập, không có đường tới mà phải đi thuyền vượt sông hay băng núi mới tới. Vậy mà Nguyễn Văn Phúng đã đến đây trần mình tạo dựng một quần thể du lịch! Tiếc thay do làm quá sớm nên dự án đã thất bại, bao tiền của đổ hết. Nơi đó sau này thành khu du lịch nổi tiếng Hoàn Cầu!
Hoàng Hoa Thôn đẹp như chốn tiên cảnh đến mức chủ khu du lịch Hòn Tằm ở vịnh Nha Trang đến xem thấy mê liền ngỏ ý mua hết cả “làng”. Sau ba ngày suy nghĩ, cuối cùng chủ nhân Hoàng Hoa Thôn đồng ý, bởi theo lời ông thì Hoàng Hoa Thôn ở đây chỉ là riêng cho nhà mình còn ra Hòn Tằm là ra với cả cộng đồng. Dỡ làng, bốc từng thanh gỗ, viên ngói, cây cảnh, chuyển tất cả ra đảo rồi dựng lại từ đầu. Hoàng Hoa Thôn 2.0 ra đời, thậm chí còn đẹp và cổ kính hơn phiên bản cũ. Với ông, “cái đẹp nên đi xa hơn, để nhiều người được ngắm hơn”. Người ta hỏi sao đang yên ổn lại “bán cả làng”, ông chỉ cười vang: “Người ta gọi tôi là Phúng khùng mà!”. Cái khùng ấy là sự liều lĩnh của người không toan tính thiệt hơn, làm tất cả vì đam mê, miễn là có ích cho người khác.
Làm rồi... chuyển giao, như một lẽ tự nhiên
Năm 2010, ông bắt tay vào khu du lịch Suối Thạch Lâm (Suối Cát, Cam Lâm), biến một con lạch thoát nước của hồ Suối Dầu thành “Công viên nước” với đầy đủ: Hồ nước, suối chảy, trượt đồi cỏ. Cuối tuần, hàng nghìn người kéo về vui chơi suốt bao năm. Nhưng rồi, ông lại... chuyển nhượng cho người khác!
Ngỡ ông đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng không. Năm 2019, trên nền đất cũ của Hoàng Hoa Thôn, ông dựng nên Công viên Lốp (Tyres Park), nơi mọi thứ từ bàn ghế, trống, súng thần công đến khủng long, King Kong, cả tháp chuông... đều làm từ vỏ lốp xe phế liệu. Một “bảo tàng ngoài trời” độc nhất vô nhị ra đời.
Công trình này giúp ông được vinh danh là kỷ lục gia thế giới về công trình nghệ thuật tái chế từ lốp xe. Tên tuổi ông vang xa. Những sản phẩm từ công viên nhanh chóng xuất hiện ở nhiều nơi: Công viên, bệnh viện, trường học...
Rồi ông lại bán Tyres Park. Có thể theo cách mua từng tác phẩm hoặc nguyên bộ. Đến khi chỉ còn lại tòa lâu đài La Mã bằng gạch xốp, người ta mới thấy ông thật sự nhẹ tênh, không bám víu, như thể tất cả những công trình ấy sinh ra chỉ để ông “chơi cho đã” rồi nhường lại cho đời.
![]() |
Lâu đài lốp xe. |
Từ trà chùm ngây đến 5.600 tác phẩm bonsai kỷ lục thế giới
Bẵng đi một thời gian, ông Phúng lại xuất hiện cùng sản phẩm mới: Trà ngọt Moringa làm từ cây chùm ngây quen thuộc vốn chỉ nấu canh. Không chỉ là sản phẩm thảo mộc tốt cho sức khỏe, đây còn là nỗ lực của ông để giới thiệu giá trị cây chùm ngây đến cộng đồng, như một hình thức canh tác bền vững. Nay Moringa đã thành sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường trà.
Tiếp nối là hành trình lập kỷ lục mới với... bonsai. Trong vườn nhà và cả tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, ông trưng bày hơn 5.600 tác phẩm bonsai, biến không gian thành một khu vườn nghệ thuật sinh động. Những gốc cây nhỏ được tạo hình công phu, đẹp như tranh vẽ. Một lần nữa, ông ghi danh kỷ lục gia thế giới!
Người khác giữ cho riêng mình, ông thì mở cửa đón khách, ai thích ông sẵn sàng chia sẻ. “Tôi chơi, ai thích thì tôi nhường”, câu nói quen thuộc, giản dị, nhưng thể hiện một triết lý sống sâu sắc.
Dự án mới: “Thủ phủ ong dú Việt Nam”
Cuối năm 2024, ông lại khiến mọi người sửng sốt khi tung ra dự án “Thủ phủ ong dú Việt Nam” trên núi Hòn Chuông (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Ong dú - loài ong không đốt, làm tổ trong thân cây mục, thùng gỗ, gạch rỗng, vốn đã quen thuộc ở một số tỉnh Tây Nguyên. Nhưng làm thành dự án quy mô lớn như ông Phúng thì chưa ai nghĩ đến. Bởi ông mua hẳn hơn 100 ha ở núi Hòn Chuông… để nuôi ong!
Người viết bài này đã theo ông lên tận Hòn Chuông mới thấy sự kỳ công, với tham vọng sẽ làm hàng vạn tổ ong ở đây. Ông thuê đúc tổ bằng gạch đặt khắp các hang, gộp đá, hốc cây cho ong sinh sống, nhân đàn biến Hòn Chuông là thủ phủ ong dú Việt Nam và ông sẽ làm “Đặng Lê Nguyên Vũ ong dú”! Vì theo ông: “Ong dú dễ nuôi, không cần chăm sóc nhiều, mỗi tổ có thể thu 1 lít mật/năm, giá cả triệu đồng. Tôi muốn nhiều người cùng làm, cùng có thu nhập”, ông nói. Nuôi ong không chỉ là chuyện kiếm tiền, mà còn là giải pháp sinh kế bền vững cho nông dân!
Người “chơi” không mệt
Gặp Nguyễn Văn Phúng thấy ông là người làm hết mình. Ông có câu nói: “Người ta làm nhiều việc để kiếm tiền. Tôi kiếm tiền để làm nhiều việc”. Nên cuộc sống luôn làm những điều mà thấy thú vị. Thế nên ông từng chế tạo máy bay, làm ô-tô tô địa hình, làm lâu đài La Mã bằng xốp… Nhưng đều mang tinh thần dấn thân, sáng tạo và đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Không phải công trình nào cũng thành công mỹ mãn. Có lúc lỗ, có lúc phải ngừng lại. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông nản chí. Ông không khoe thành tích, không tiếc quá khứ. Mỗi dự án là một cuộc chơi, mà trong cuộc chơi ấy, ông là người vừa đam mê, vừa tận tụy, vừa nhân hậu.