Những thông tin được đưa ra tại hội thảo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về vấn nạn thuốc giả - một hiểm họa âm thầm nhưng dai dẳng trong đời sống xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, bền bỉ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhấn mạnh: Cuộc chiến chống thuốc giả không thể chỉ trông chờ vào một vài chiến dịch ngắn hạn hay nỗ lực đơn lẻ. Đây là cuộc chiến trường kỳ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật, các doanh nghiệp sản xuất-phân phối dược phẩm và sự cảnh giác của mỗi người dân.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, chỉ trong năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 160 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả. Sang năm 2024, đã có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó 8 loại được xác định là thuốc giả.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết: Bộ Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng thuốc giả, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, tăng chế tài xử phạt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán thuốc trực tuyến, công khai thông tin đơn vị phân phối, áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, siết chặt thanh tra các cơ sở kinh doanh dược, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội.
![[Video] Phát hiện và mở rộng điều tra hai đường dây làm giả thuốc đông y, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/wkskxrwsxr/2025_05_24/t6-1794-3438.jpg.webp)
[Video] Phát hiện và mở rộng điều tra hai đường dây làm giả thuốc đông y, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội
Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain, cơ sở dữ liệu ngành dược đồng bộ toàn quốc, phần mềm theo dõi đơn thuốc và bệnh án điện tử cũng được đề xuất triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó là yêu cầu tăng đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm, truyền thông cảnh báo cộng đồng, và sự phối hợp xuyên ngành giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp chân chính.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: “Thuốc giả là tội ác. Ngăn chặn thuốc giả không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự vào cuộc toàn diện của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân”.
Ông nhấn mạnh: Thuốc giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế, làm người bệnh mất tiền, mất cơ hội điều trị đúng cách, mà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Về lâu dài, thuốc giả làm xói mòn niềm tin vào hệ thống y tế, gây méo mó thị trường và ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Thực tế cho thấy, thuốc giả ngày càng tinh vi, có thể giả bao bì, giả thương hiệu, giả hoạt chất, thay đổi thành phần hoặc thậm chí trộn chất độc hại. Nhiều loại thuốc giả đã len lỏi vào cả nhóm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh thế hệ mới, đánh lừa cả giới chuyên môn nếu thiếu thiết bị kiểm nghiệm và kiến thức chuyên sâu.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ: Ban hành các công điện, chỉ thị liên quan, thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng, chống thuốc giả do Thứ trưởng Y tế làm tổ trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý theo Chỉ thị 17/2018. Tuy nhiên, tình trạng thuốc giả vẫn tồn tại, cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự chặt chẽ và khâu thực thi còn nhiều bất cập.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Để chống thuốc giả, Bộ Y tế không thể làm hết. Cần sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ các lực lượng điều tra, ngành y tế cho đến từng người dân. Phải xác định rõ trách nhiệm trong từng khâu: sản xuất, nhập khẩu, phân phối, sử dụng.
Theo ông Tuyên, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đây là cuộc chiến lâu dài, yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các lực lượng chức năng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng giả. Cục An toàn thực phẩm cùng các đơn vị liên ngành được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, truy xuất và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, bao che.
Tuy nhiên, để “chặt đứt” tận gốc thuốc giả, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường năng lực xét nghiệm, giám định thuốc; đào tạo nhân lực y tế đủ chuyên môn phát hiện sớm; và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về cách phân biệt thuốc thật-giả.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đề xuất cần xây dựng một hệ sinh thái dược phẩm an toàn: hỗ trợ tối đa doanh nghiệp chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm khắc các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả. Cùng với đó, bệnh viện, nhà thuốc cần tuân thủ quy trình đấu thầu, mua sắm minh bạch, không tiếp tay gián tiếp cho hàng giả, đồng thời áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi cung ứng thuốc.