Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần luật hóa những nội dung cốt lõi, hiệu quả của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính-ngân hàng.
NỢ XẤU TĂNG MẠNH KHI NGHỊ QUYẾT SỐ 42 HẾT HIỆU LỰC
Sau 6 năm triển khai thí điểm (từ năm 2017 đến ngày 31/12/2023), Nghị quyết số 42 được đánh giá là bước đột phá lớn trong hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được trung bình 5.800 tỷ đồng nợ xấu mỗi tháng, cao hơn gần 2.300 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Nghị quyết. Tổng cộng hơn 443.800 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý; tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ tăng từ khoảng 20% lên đến hơn 36%; hình thức xử lý nợ thông qua phát mại tài sản bảo đảm cũng đạt gần 21%. Tuy nhiên, từ ngày Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực (1/1/2024), một khoảng trống pháp lý đã xuất hiện, nhất là việc tổ chức tín dụng không còn quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Trong hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức vượt ngưỡng cảnh báo 3% theo thông lệ quốc tế.
Tại tọa đàm chủ đề: “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/ QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và giới luật học đề xuất nhiều kiến nghị về việc luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết số 42 nhằm tạo lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác xử lý nợ xấu.
Chia sẻ những bất cập trong xử lý nợ xấu ngân hàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ vẫn còn nhiều phát sinh bất cập, hạn chế, cũng như trách nhiệm của khách hàng trong vay và trả nợ ngân hàng… Đồng thời, kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phản ánh sự cần thiết phải luật hóa một số nội dung của nghị quyết nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, với yêu cầu cao về tốc độ tăng trưởng. “Cần luật hóa việc thu giữ tài sản bảo đảm, đây là tác động trực tiếp đến xử lý nợ xấu. Luật hóa vấn đề này là hành lang pháp lý thuận lợi, giúp tiết giảm chi phí thời gian, chi phí khác cho ngân hàng trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu. Tạo một chính sách trúng-đúng là nguồn lực cho kinh tế phát triển”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 42 được ban hành với những cơ chế ưu việt nhằm tạo hành lang pháp lý tạm thời để tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đơn cử, Nghị quyết cho phép tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần thông qua tòa án. Tuy nhiên, khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, các quy định pháp luật hiện hành không cung cấp một cơ chế đủ rõ ràng và khả thi để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm. Tiến sĩ Lê Trường Sơn khẳng định: Cần thiết phải luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm để cân bằng lợi ích giữa bên cho vay và bên vay; đồng thời, bảo đảm hiệu quả xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết số 42 hết hiệu lực.
LUẬT HÓA QUYỀN THU GIỮ TÀI SẢN BẢO ĐẢM
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trước những thách thức hiện tại và những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, cần cấp bách luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết số 42 nhằm tạo lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc, đồng bộ và ổn định cho công tác xử lý nợ xấu. Vấn đề này, Tiến sĩ Hồng Nam, Phó Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: “Để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của chế định liên quan tới tài sản bảo đảm, có thể luật hóa nội dung về xử lý nợ xấu bằng cách xây dựng một đạo luật riêng hoặc bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời sửa đổi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở để bảo đảm tính đồng bộ, nhất là trong đăng ký tài sản bảo đảm sau khi chuyển nhượng khoản nợ.
Theo ông Trần Phương Hồng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại Việt Nam có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới tài sản bảo đảm, nhưng một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn vì có quá nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực. Ông Trần Phương Hồng đề xuất các tổ chức tín dụng phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp khi cho vay; hồ sơ cho vay phải bảo đảm tính chặt chẽ về tình trạng tài sản bảo đảm; việc thẩm định giá phải sát giá trị thực tế và đánh giá những tác động đến biến động giá trị của tài sản khi chấm dứt hợp đồng vay; đồng thời, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về giao dịch bảo đảm, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu.
Để luật hóa phát huy hiệu quả và bền vững, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh cho rằng: Cần chú trọng đến việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, bảo đảm cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của tổ chức tín dụng và người đi vay; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng mà còn là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị-pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tài chính-tín dụng lành mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh đề xuất: Để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất, minh bạch và công bằng, người dân và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vay và trả nợ, tuân thủ đầy đủ các cam kết trong hợp đồng tín dụng. Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật trong hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực thi các quy định về thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực từ phía các tổ chức tín dụng. Cuối cùng, việc hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các tổ chức tín dụng đánh giá chính xác hơn rủi ro tín dụng và người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về lịch sử tín dụng của mình.