Tạo không gian kết nối cho doanh nghiệp

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tạo không gian kết nối cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên phạm vi cả nước mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường mà còn tạo nên chuỗi kết nối cung-cầu hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng tham quan sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã thành phố Huế trưng bày tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)
Người tiêu dùng tham quan sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã thành phố Huế trưng bày tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động hợp tác, liên kết vùng, tạo “cánh cửa” quan trọng giúp các tỉnh, thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

ĐẶC SẢN CAO BẰNG MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ

Mới đây, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần hàng giới thiệu sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tuần hàng giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa tỉnh Cao Bằng với Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Cao Bằng với các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh của thành phố. Tại Tuần hàng này, hơn 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Cao Bằng tham gia trưng bày gần 80 loại sản phẩm tiêu biểu, cụ thể là các sản phẩm thạch đen, miến dong, bún ngũ sắc, gạo nếp hương Bảo Lạc, gạo nếp ong Trùng Khánh, trà Giảo Cổ Lam...

Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cao Bằng, đây không chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại mà còn là hành động thiết thực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với chương trình OCOP. Đến nay, Cao Bằng có hơn 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 144 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (131 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 13 sản phẩm đạt OCOP 4 sao). Một số sản phẩm nông sản đặc trưng của Cao Bằng bước đầu xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. “Chúng tôi kỳ vọng thông qua sự kiện này, các sản phẩm của tỉnh Cao Bằng sẽ được người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh biết đến rộng rãi hơn. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh nhà”, bà Đồng Thị Kiều Oanh cho biết.

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển, nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương.

CẦU NỐI TRỰC TIẾP GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã… tiếp cận, mở rộng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố Huế tăng cường phối hợp với các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Cụ thể, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế phối hợp Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố Huế với các nhà phân phối thành phố. Sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế có cơ hội gặp gỡ giao lưu, kết nối với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối, xuất khẩu và đầu mối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội xúc tiến thương mại, hình thành và từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ với các đối tác trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế cho biết: Buổi kết nối nhằm tạo cầu nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của thành phố Huế với các hệ thống phân phối, siêu thị, nhà bán lẻ, sàn thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm kinh tế và tiêu dùng lớn nhất cả nước. Đây là cơ hội quan trọng để các sản phẩm đặc trưng của Huế tiếp cận hiệu quả hơn với người tiêu dùng phía nam, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng rộng lớn và bền vững.

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2023-2024, chương trình Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa thành phố với một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, các đơn vị liên quan của thành phố phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư như: Chương trình tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền; hội nghị kết nối cung cầu giữa thành phố với các tỉnh, thành phố; chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại lớn của cả nước. Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các địa phương khác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế bền vững. Với tầm nhìn chiến lược và nỗ lực không ngừng, thành phố đang trở thành “cánh cửa” quan trọng giúp các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp cận thị trường quốc tế, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự hợp tác “đa chiều” này không chỉ thúc đẩy kinh tế các địa phương mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế liên kết vững mạnh.