Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 60 cơ sở giáo dục đại học, là nơi hội tụ đội ngũ trí thức, nhà khoa học… đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các chương trình, đề án của thành phố và các địa phương phía nam để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
“Cái nôi” đào tạo của cả nước
Với mục tiêu đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều trường đã xây dựng các chương trình đào tạo theo mô hình chất lượng cao như chương trình tiên tiến, chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng, chương trình liên kết quốc tế,… thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệp, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội.
Đồng thời, chủ động dừng và loại bỏ các ngành đào tạo không phù hợp nhu cầu người học và thị trường, mở thêm nhiều ngành đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, qua chương trình liên kết, các trường đại học đã trở thành nguồn lực góp phần thực hiện các chương trình, đề án của thành phố.
Cụ thể, là đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020- 2035, gồm tám ngành: Công nghệ thông tin-truyền thông; Cơ khí-Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính-Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị.
Thành phố cũng đặt hàng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xây dựng đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực...
Ngoài ra, các trường đại học cũng đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, bảo đảm chất lượng; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế.
Cụ thể, Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng đào tạo thông qua quốc tế hóa giáo dục (chương trình Liên kết quốc tế) và đạt được những thành tựu tích cực.
Qua đó, giúp nhiều giảng viên của các trường đối tác đến giảng dạy trực tiếp tại trường và nhiều sinh viên, giảng viên của trường có cơ hội sang trao đổi học tập, nghiên cứu tại các trường đối tác; tạo điều kiện cho Trường đại học Bách khoa tiếp cận các chương trình học của nước ngoài, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo có chọn lọc.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, trong kế hoạch chiến lược 2021-2025, trường đã đưa chiến lược quốc tế hóa giáo dục “tại chỗ” là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, có thể đáp ứng được nhu cầu lao động quốc tế.
Thực hiện chiến lược này, nhà trường ưu tiên nguồn lực cho việc nâng cao chuẩn tiếng Anh đầu ra, tăng cường phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, trao đổi giảng viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu khoa học, tham gia các mạng lưới quốc tế…
Để trở thành trung tâm đào tạo khu vực
Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố đã góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trong đó, các trường đại học đóng vai trò chủ đạo đối với công tác đào tạo nhân lực trình độ cao của thành phố thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú; góp phần thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững và phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, số lượng các chương trình liên kết còn khá ít, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường đại học; đội ngũ nhân lực chất lượng cao tăng lên đáng kể nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghệ hiện đại, mới nổi; lực lượng cán bộ khoa học ở các trường chưa đồng đều, thiếu những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; năng lực phân tích dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động còn hạn chế, chưa toàn diện...
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam- Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ” trên toàn cầu, nhiều công nghệ mới từ vật liệu mới, dữ liệu lớn, học máy, internet vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo; các công nghệ số, năng lượng hạt nhân, lượng tử,… là những công nghệ và ngành nghề mới phi truyền thống đòi hỏi nguồn nhân lực tương ứng chuyên biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Để thành phố trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước, các chuyên gia cho rằng, các trường đại học cần tiếp tục phát triển và cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức, quản lý,… hướng tới một nền giáo dục chuyên nghiệp tương đồng với thế giới; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ cao; thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc.
Đồng thời, xây dựng một hệ chuẩn nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, trước hết là những ngành được xác định là mũi nhọn đột phá phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ở tất cả các ngành nghề.