Đồng bào Khmer hân hoan bước vào năm mới

Hằng năm, đến dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (khoảng giữa tháng 4 dương lịch), đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ hân hoan chào đón năm mới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thực hiện nghi thức đón năm mới.
Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thực hiện nghi thức đón năm mới.

Tại Sóc Trăng, nơi có đồng bào Khmer chiếm hơn 31% số dân toàn tỉnh, đồng bào, sư sãi Khmer cùng nhau chúc phúc, mừng tuổi, báo hiếu, báo công, cầu mong cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc...

NĂM nay, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng càng hân hoan, phấn khởi vì được tỉnh tổ chức Tết quân-dân năm 2024 với chủ đề “Quân-dân Sóc Trăng mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2024” tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu. Thị xã ven biển này hiện có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất tỉnh Sóc Trăng, trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 53% số dân. Vĩnh Châu là nơi giao thoa văn hóa đặc sắc của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer.

Đến nay, 6/6 xã thuộc thị xã Vĩnh Châu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua, Vĩnh Châu đã dành hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại địa phương.

Tết quân-dân năm 2024 tại Vĩnh Châu diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Theo đó, các đơn vị tổ chức giúp địa phương và nhân dân thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, phát quang, thu gom rác trên địa bàn. Tổ chức triển lãm, trưng bày thành tựu xây dựng nông thôn mới; những đặc sản của địa phương và hội chợ đưa hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn.

Dịp này còn có các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian; hội thi các loại bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer và trang trí mâm ngũ quả; hội thi mâm cơm ngày Tết; liên hoan văn nghệ. Cùng với đó, trao nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo; thăm, tặng quà các cơ sở thờ tự, đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; khám bệnh, cấp thuốc cho các gia đình chính sách; trao tặng học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi...

Theo Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu Ngô Hùng, các hoạt động trong khuôn khổ Tết quân-dân năm 2024 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Qua đó, càng thắt chặt thêm tình quân dân, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Tết quân-dân tỉnh, cho biết thêm, đây là lần đầu thực hiện Tết quân-dân mừng Chôl Chnăm Thmây nên Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm và yêu cầu thực hiện đạt chất lượng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, góp phần làm cho sự kiện đón mừng năm mới của đồng bào Khmer càng thêm ý nghĩa thiết thực...

Những thành quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương đã cộng hưởng trong niềm hân hoan đón mừng Chôl Chnăm Thmây 2024 của đồng bào Khmer Sóc Trăng ở từng phum, sóc đến từng hộ dân.

Ông Thạch Ngọc Bá, người có uy tín trong đồng bào Khmer xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: Không chỉ kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư, hoàn thiện, mà mạng lưới y tế ở địa phương không ngừng phát triển. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, đặc biệt lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo luôn được quan tâm tổ chức ngày càng quy mô nên đồng bào phấn khởi lắm!

Việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Sóc Trăng.

Hiện, toàn tỉnh có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; một huyện nông thôn mới và hai thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 412 tỷ đồng thực hiện chín dự án. Tỉnh ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 1.710 căn, tính chung từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ được 5.206 căn nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, sự đoàn kết, vào cuộc quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân là sức mạnh tổng hợp để Sóc Trăng vượt qua mọi khó khăn đạt được nhiều thành quả quan trọng. Chính sự đồng lòng ấy đã giúp tỉnh vững bước tiến lên, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai.