Theo phân công tại kế hoạch, Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch carbon trong nước, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 5/2025. Trường hợp có nội dung vượt ngoài khuôn khổ luật hiện hành, Vụ Pháp chế sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Vụ Pháp chế cũng được giao nhiệm vụ rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành nhằm đề xuất cơ chế phối hợp trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thị trường carbon. Cơ quan này cũng sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về sàn giao dịch carbon cho các bên liên quan.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc cung cấp dịch vụ sàn giao dịch carbon nếu cần thiết, trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5/2025.
Một trong những điểm nhấn của kế hoạch là việc chuẩn bị toàn diện cho việc xây dựng, vận hành sàn giao dịch carbon. Theo đó, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội lập phương án chi tiết xây dựng sàn giao dịch carbon theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó xác định rõ nghiệp vụ tổ chức, điều hành, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Thời hạn thực hiện là trong vòng một tháng sau khi yêu cầu nghiệp vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ đồng thời triển khai xây dựng hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký và hệ thống thanh toán tín chỉ carbon. Mục tiêu là bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin sẵn sàng để vận hành sàn giao dịch trong vòng 6 tháng kể từ khi Nghị định chính thức được ban hành.
Cùng với việc thiết lập hệ thống kỹ thuật, các đơn vị này còn phải xây dựng các quy chế nghiệp vụ, hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ sở hạ tầng phục vụ cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước. Các quy chế này sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai ngay khi thị trường vận hành thí điểm.
Một phần quan trọng của kế hoạch là việc rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ nhằm đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch cho hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Cục Chính sách Thuế được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thuế, phí, lệ phí gắn với hoạt động trao đổi, chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Lộ trình thực hiện kéo dài đến năm 2030, phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam.
Về cơ chế định giá dịch vụ, Vụ Pháp chế được giao nghiên cứu, đánh giá tính chất giá dịch vụ sàn giao dịch carbon liệu là giá do Nhà nước định hay thỏa thuận theo cơ chế thị trường để gửi Cục Quản lý giá trước ngày 15/6/2025. Trên cơ sở này, Cục Quản lý giá sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trước ngày 15/8/2025.
Cùng với đó, Vụ Ngân sách Nhà nước sẽ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động đấu giá hạn ngạch phát thải. Đây là một trong những công cụ tài chính quan trọng giúp nhà nước điều tiết thị trường, tạo nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giao Vụ Kế toán-Tài chính nhà nước chủ trì trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương triển khai Đề án phát triển thị trường carbon trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Vụ Pháp chế có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc toàn bộ quá trình triển khai kế hoạch, bảo đảm đồng bộ giữa xây dựng thể chế, hạ tầng kỹ thuật và chính sách tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường carbon trong nước đi vào vận hành hiệu quả.
Với tiến độ được xác định rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính và ngành tài chính chứng khoán, thị trường carbon đang từng bước thành hình, tạo nền tảng quan trọng cho lộ trình phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam cam kết tại COP26.