Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon Việt Nam tại Quyết định số 232/QĐ-TTg. Đặt mục tiêu vận hành thử nghiệm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và chính thức hoạt động vào năm 2028, Đề án tập trung vào hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giám sát và nâng cao năng lực cho các bên liên quan. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có buổi trao đổi với Cục trưởng Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường về những điểm chính của Đề án.

Phóng viên: Thưa ông, việc tổ chức phát triển thị trường carbon tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào? Những nền tảng pháp lý nào đã được thiết lập và chúng ta đang chuẩn bị các văn bản gì để thị trường này có thể chính thức vận hành? 

Ông Tăng Thế Cường: Thị trường carbon là một công cụ kinh tế mới, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Ngay trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Điều 139 đã có quy định tổ chức và phát triển thị trường carbon. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết nội dung và lộ trình thực hiện. Đây là bước khởi đầu cho quá trình hình thành thị trường carbon tại Việt Nam.

Ngày 24/01/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon Việt Nam tại Quyết định số 232/QĐ-TTg. Đề án xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, từ việc hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giám sát-đăng ký-giao dịch, cho đến việc nâng cao nhận thức, năng lực cho các bên liên quan. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 bắt đầu triển khai vận hành thử nghiệm sàn giao dịch carbon trong nước và sau năm 2028 sẽ được vận hành chính thức.

Về mặt pháp lý, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết hơn, xác định trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải lớn thuộc lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất sắt, thép, sản xuất xi-măng và có lộ trình mở rộng phù hợp; quy định hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý hạn ngạch và tín chỉ carbon tại Việt Nam; quy định trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; quy định về phê duyệt và công nhận phương pháp tạo tín chỉ carbon, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon, cấp văn bản chấp thuận theo hướng dẫn của quốc tế về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế.

Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái thị trường carbon. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tham gia hiệu quả, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cần phải tuân thủ quy trình đo đạc-báo cáo-thẩm định (MRV) theo quy định.
Ông Tăng Thế Cường

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về sàn giao dịch carbon trong nước dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5/2025 để sàn giao dịch carbon sớm được vận hành. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai xây dựng Nghị định quy định về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon nhằm thể chế hóa các quy định, hướng dẫn mới của Thỏa thuận Paris mới được thông qua vào cuối năm 2024, cụ thể là Điều 6.2 và 6.4 liên quan đến cơ chế trao đổi, chuyển nhượng quốc tế kết quả giảm phát thải và tín chỉ carbon. Đó là những văn bản quan trọng để thị trường carbon Việt Nam hướng tới tính toàn vẹn cao, tương thích với những quy định mới của quốc tế.

Phóng viên: Bên cạnh cơ sở pháp lý, hệ thống kỹ thuật phục vụ vận hành thị trường carbon được thiết kế ra sao? Mối liên kết giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tiêu chuẩn quốc tế sẽ được bảo đảm như thế nào?

Ông Tăng Thế Cường: Để thị trường carbon hoạt động hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có một hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang khẩn trương xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Đây là hệ thống kỹ thuật lõi, đóng vai trò trung tâm trong việc giám sát, quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon từ khi được tạo ra đến toàn bộ quá trình trao đổi, giao dịch, chuyển nhượng và được kết nối với hệ thống sàn giao dịch carbon và các hệ thống quản lý của các tổ chức tiêu chuẩn carbon quốc tế. Đặc biệt, hệ thống sẽ có khả năng tích hợp và liên thông với hệ thống quản lý của các tổ chức tiêu chuẩn carbon quốc tế như Gold Standard (GS), Verified Carbon Standard (VCS), Verra…

Ngoài hệ thống đăng ký, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã chuẩn bị yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý, vận hành thị trường carbon và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch, hệ thống, lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính thiết lập sàn giao dịch carbon trong nước với mục tiêu là trong năm nay sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon.

Phóng viên: Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong vận hành thị trường carbon. Vậy cơ chế kiểm kê, cấp phát tín chỉ, và đặc biệt là việc thẩm định, đo lường minh bạch dữ liệu hiện nay được triển khai như thế nào? Có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Đúng vậy, doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái thị trường carbon. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tham gia hiệu quả, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cần phải tuân thủ quy trình đo đạc-báo cáo-thẩm định (MRV) theo quy định.

Theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi, các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thực hiện kế hoạch giảm phát thải và và định kỳ có báo cáo. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về tiêu chuẩn tín chỉ carbon trong nước. Trong số doanh nghiệp này sẽ được cấp hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường carbon trong nước; các doanh nghiệp có dự án tạo tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước sau khi được thẩm định kết quả giảm phát thải được cấp tín chỉ carbon. Đó là những hàng hóa tham gia thị trường carbon.

Để bảo đảm tính minh bạch và tránh xung đột lợi ích, các báo cáo này bắt buộc phải được thẩm định bởi các tổ chức độc lập, là các tổ chức được cấp chứng nhận thẩm định và thẩm tra khí nhà kính. Các tổ chức này phải có năng lực kỹ thuật, bảo đảm độc lập và tuân thủ các tiêu chuẩn ISO về thẩm định, thẩm tra xác nhận khí nhà kính, định lượng dấu vết carbon… Tuy nhiên, hiện nay số lượng tổ chức đáp ứng các điều kiện này còn rất ít. Do vậy, trong thời gian tới đây cần xúc tiến đào tạo, tăng cường năng lực để có nhiều tổ chức độc lập thẩm định và thẩm tra khí nhà kính. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã làm việc với Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và các tổ chức quốc tế có liên quan để mở các khóa đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, phát triển đội ngũ tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong công tác thẩm định.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam? Và đâu là điều kiện tiên quyết để thị trường này vận hành bền vững, hiệu quả và kết nối toàn cầu?

Ông Tăng Thế Cường: Việt Nam được các chuyên gia, đối tác quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon. Là một quốc gia đang phát triển, có mức tăng trưởng kinh tế cao, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phát thải lượng lớn khí nhà kính, trong khi việc ứng dụng công nghệ cao trong trong thực tiễn còn chưa nhiều, do đó chúng ta còn có nhiều dư địa để giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon. Ngoài ra, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao, có điều kiện để phát triển rừng, bảo vệ rừng và làm gia tăng trữ lượng carbon rừng.

Trên thực tế, việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Trong thời gian qua, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon, với khoảng 150 chương trình, dự án được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước có dự án CDM nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ; đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam có nhiều dự án năng lượng tái tạo đã theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon, trong lĩnh vực lâm nghiệp đã trao đổi 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng khu vực Bắc Trung Bộ, Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có nhiều triển vọng.

Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế đang quan tâm đến Việt Nam, có các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam thiết lập một thị trường carbon minh bạch, hiệu quả và có khả năng kết nối với các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết vẫn là hoàn thiện thể chế, minh bạch trong giám sát, kiểm kê, thẩm định; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đặc biệt là nâng cao năng lực cho cả doanh nghiệp lẫn đội ngũ cán bộ quản lý.

Tôi tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành, sự chủ động của doanh nghiệp, thị trường carbon Việt Nam sẽ sớm được hình thành và vận hành một cách hiệu quả, có thể kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Tổ chức: Trường Sơn
Thực hiện: Minh Phương-Khánh Bách-Nhị Hà-
Hạnh Vũ