Thị trường tín chỉ carbon: Hướng đi bền vững

Để duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định mới về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trưng bày sản phẩm gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trưng bày sản phẩm gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 203 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,7%. Điều này cho thấy, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng đối với Việt Nam.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: EU đã triển khai CBAM nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sản xuất sạch. Do đó, việc tuân thủ các quy định như CBAM là cần thiết để duy trì và mở rộng thị phần tại EU.

CBAM đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 đến hết năm 2025, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) báo cáo lượng phát thải carbon. Từ ngày 1/1/2026, CBAM sẽ yêu cầu mua chứng chỉ tương ứng với lượng phát thải carbon trong sản phẩm. Hiện tại, CBAM áp dụng cho các ngành có phát thải cao như thép, xi-măng, phân bón, nhôm và điện, và dự kiến sẽ mở rộng trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đo lường, báo cáo và xác minh phát thải khí nhà kính chính xác. Bà Nina Miron Claudia, Chuyên viên chính sách của Tổng cục Thuế và Liên minh Hải quan EU (TAXUD) cho biết CBAM là công cụ quan trọng của EU trong quá trình phi carbon hóa và tuân thủ các cam kết quốc tế, bao gồm WTO.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025. Việt Nam sẽ thí điểm hệ thống giao dịch phát thải (ETS), tạo nền tảng định giá carbon trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng tuân thủ CBAM không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chủ động từ doanh nghiệp. CBAM sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu đầu tư vào công nghệ sạch, cải thiện quy trình sản xuất, và nâng cao năng lực báo cáo, xác minh dữ liệu phát thải.

Chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ quan trọng với mỗi doanh nghiệp mà còn tác động đến cả chuỗi cung ứng. Khi một đơn vị giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi cũng tiến gần mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Klinova, cho rằng CBAM đưa ra nhiều thách thức cho nhà xuất khẩu Việt Nam, như yêu cầu cao về báo cáo phát thải và cạnh tranh gia tăng do EU ưu tiên hàng hóa phát thải thấp. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu CBAM, rà soát quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải, từ đó lên kế hoạch giảm phát thải hiệu quả, như sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu công nghệ.

Với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon; thành lập cơ quan điều phối cấp quốc gia, giám sát các dự án tín chỉ carbon, và thiết lập cơ chế ưu đãi thuế, tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải. Đồng thời, phát triển thị trường carbon rừng là hướng đi chiến lược để thực hiện cam kết giảm phát thải và tạo nguồn tài chính cho bảo vệ rừng.