Khuyến khích điện mặt trời áp mái

Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời áp mái... đang trở thành ưu tiên. Tuy nhiên, quy mô phát triển điện mặt trời áp mái cần được tính toán kỹ trên cơ sở khoa học-kỹ thuật, thiết bị công nghệ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa chú trọng bảo vệ môi trường...
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Anh)
Lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Anh)

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng là thách thức lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất; hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện.

Mới đây, tại Tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp”, nhiều chuyên gia đã thảo luận chung quanh vấn đề sử dụng năng lượng sạch hay điện năng lượng mặt trời. Đặc biệt, phát triển điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm phát thải carbon và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, từ khi Chính phủ đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) đến nay, nội lực của ngành điện đã có những bước đột phá lớn, tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển tại Việt Nam.

Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện từ năng lượng tái tạo và năng lượng mới đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo môi trường, chính sách thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nguồn điện xanh, tự sản tự tiêu.

Các chuyên gia đánh giá, điện mặt trời áp mái giúp ngành điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện. Thực tế cho thấy, điện mặt trời áp mái đã trở thành một xu thế, góp phần chuyển đổi xanh, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, đồng thời cũng tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ, nhưng doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái do chưa có quy định cụ thể; các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán. Doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời áp mái còn vướng nhiều thủ tục, giấy phép... Mặt khác, theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất nhất hiện nay là các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.

Tại cuộc họp nghe báo cáo về các quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái là chủ trương nhất quán.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam; sớm nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật nhằm khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các luật liên quan, đồng thời thúc đẩy việc khai thác năng lượng sạch và năng lượng tái tạo một cách hiệu quả; cần xây dựng chính sách phù hợp để đẩy mạnh việc tiếp cận các nguồn vốn phát triển xanh của quốc gia, tổ chức quốc tế; khuyến khích các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước tham gia bảo lãnh các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch.