Mới đây, một bài đăng trong nhóm cộng đồng tài chính trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ với câu ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý: "Hãy chấp nhận thực tế, mức lương đủ sống ở TP Hồ Chí Minh hiện tại nên là 20 triệu, chứ 10 triệu là đấu tranh sinh tồn". Dù không phải câu chuyện mới, nhưng đã chạm vào nỗi lòng của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ và các gia đình có thu nhập trung bình tại các thành phố lớn.
Điều kiện để tồn tại
Vấn đề này được cộng đồng mạng chia làm nhiều luồng ý kiến, phần lớn đồng tình rằng với chi phí sinh hoạt hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ duy trì một cuộc sống "căn bản", chứ chưa thể nói đến sự ổn định hay dư dả.
Chị Thu Trang, 35 tuổi, nhân viên kế toán tại một công ty tư nhân ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi vào công ty từ năm 2016 với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, lương của tôi chỉ tăng lên 9,5 triệu đồng. Gần 10 năm đi làm, thu nhập của tôi chỉ tăng chưa đầy 20%, trong khi tiền thuê nhà, học phí cho con, giá rau củ quả… đều tăng vùn vụt”.
Giải pháp mà nhiều người chọn là làm thêm giờ để bù đắp thu nhập, nhưng đây chỉ là phương án tạm thời. Không ai có thể làm việc không ngừng nghỉ mãi. Thể chất và tinh thần có giới hạn. Anh Duy, nhân viên kỹ thuật tại một công ty ở Khu công nghiệp Tân Bình, chia sẻ: “Một tháng tôi làm tới 300 giờ, nhưng thu nhập cũng chỉ chạm mốc 13-14 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ chi phí cơ bản cho một gia đình”.
Trên thực tế, câu chuyện của chị Trang, anh Duy không phải là trường hợp hiếm hoi. Hàng trăm nghìn người lao động đang phải vật lộn trong hoàn cảnh tương tự khi phải sống dè dặt từng đồng, không dám nghỉ việc, không dám ốm đau, và đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “An cư, lạc nghiệp” dần trở thành một ước mơ xa vời đối với thế hệ người trẻ khi giá nhà đất tăng cao.
Một số liệu gần đây cho thấy, người lao động tại TP Hồ Chí Minh phải mất đến 34 năm tích lũy thu nhập mới đủ mua một căn hộ có diện tích vừa phải. Nếu làm phép tính đơn giản, với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng và tiết kiệm được 50% số tiền này, trong 34 năm bạn sẽ có khoảng 4 tỷ đồng (đã tính đến chi phí sinh hoạt, lạm phát và thu nhập tăng theo thời gian), tương đương với giá trị một căn hộ tầm trung của thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, chỉ trong vòng 7-10 năm qua, giá bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng hơn gấp đôi.
Nêu quan điểm về thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ vô nghĩa nếu nó không kéo theo sự cải thiện thật sự trong chất lượng sống của người dân, đặc biệt là người làm công ăn lương. Trước đó, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đây là lần thay đổi thứ 18 kể từ năm 1995 đến nay, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mới đây, đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã chia sẻ một thực tế rất đáng suy ngẫm: Việc thu hút và trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp đang gặp phải một thách thức lớn, đó là tính khả thi rất hạn chế.
Thực tế, việc tuyển dụng những người tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước sẽ gặp khó khăn không nhỏ khi ngân sách không đủ để đáp ứng các chi phí cần thiết. Đại biểu Bình chỉ ra rằng, mức lương 6,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức mới vào làm việc, bao gồm cả 25% tiền công vụ chưa trừ đi các khoản bảo hiểm, thật sự không đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu.
Điều này trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi tính đến các chi phí cho gia đình, vợ con, đặc biệt là đối với những người sống ở các thành phố lớn, nơi chi phí sinh hoạt cao. Trong bối cảnh đó, liệu có thể thu hút và giữ chân được những nhân tài?
Tăng trưởng không thể bỏ quên người lao động
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động đều mong muốn điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2025 để bù đắp cho các chi phí ngày càng gia tăng. Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Qua khảo sát ban đầu, người lao động đều khao khát được tăng lương để ổn định cuộc sống”.
Vấn đề không chỉ đơn giản là tăng lương tối thiểu, mà là tạo ra một mức lương đủ sống, bảo đảm người lao động có thể trang trải các nhu cầu cơ bản, và có thể tích lũy cho tương lai. Lộ trình này cần được thực hiện trong vòng 10 năm tới, nhằm xây dựng một xã hội công bằng và ổn định hơn.
Các chuyên gia đều nhận định rằng việc xây dựng một mức lương đủ sống là điều hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Theo ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhiều quốc gia phát triển đã xác định mức lương đủ sống như một tiêu chuẩn cần thiết để bảo đảm rằng người lao động có thể trang trải các chi phí cơ bản và duy trì cuộc sống ổn định. Điều này không chỉ giúp người lao động cảm thấy công sức của họ được đền đáp xứng đáng mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ông Phạm Minh Huân, một chuyên gia lao động, cũng nhấn mạnh việc thỏa thuận lương không chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi giữa người lao động và người sử dụng lao động, mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và công bằng từ các bên liên quan, bao gồm cả đại diện công đoàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn sự chênh lệch trong quá trình thương lượng lương tại các doanh nghiệp, khiến cho nhiều người lao động không thể đạt được mức lương đủ sống, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và sự cống hiến lâu dài của họ.
Theo đó, việc xây dựng một lộ trình để đưa mức lương đủ sống vào thực tế là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho người lao động, mà còn góp phần ngăn ngừa sự bất công trong phân phối lợi ích, điều mà các chuyên gia đã cảnh báo có thể dẫn đến suy giảm năng suất lao động và sự mất ổn định lâu dài trong xã hội.
Bên cạnh sự thay đổi của chính sách, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy. Tư duy "giữ lương thấp để tăng lợi nhuận" không chỉ thiển cận mà còn phản tác dụng. Doanh nghiệp muốn có nhân sự gắn bó, sáng tạo, thì phải trả mức lương xứng đáng và tạo môi trường công bằng để phát triển. Hơn nữa, việc giáo dục thế hệ trẻ về tài chính, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và sự chuẩn bị dài hạn cho tương lai là vô cùng quan trọng.